Sinh con ở viện nào tốt tại Hà Nội?

Chào các mẹ, em đang bầu tập đầu được 28 tuần rồi. Em chuẩn bị làm hồ sơ đi sinh, xin phép hỏi các mẹ thông thái là ở Hà Nội nên đăng ký sinh ở viện nào thì tốt ạ?

Em cảm ơn các mẹ.

Tống Minh Tùng
Tống Minh Tùng
Trả lời 7 năm trước

Nếu quyết định sinh con tại các bệnh viện công lập, một lời khuyên mà hầu hết các sản phụ đều truyền tai nhau đó là nên đi khám thai ở bên ngoài thay vì khám ngay trong viện để tránh tình trạng đông đúc, thủ tục rườm rà, và khi đến gần thời gian dự sinh mới nên đến làm hồ sơ sinh và khi có triệu chứng sinh mới nhập viện. Sau đây là những lưu ý cụ thể mà vatgia.com gửi đến các thai phụ có ý định sinh con tại các bệnh viện công lập với mức giá cả phải chăng.

1. Bệnh viện phụ sản Trung ương

  • Địa chỉ: 43 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội
  • Số điện thoại cấp cứu : (04) 38252161
  • Về chuyên môn: Bệnh viện có đội ngũ giáo sư, bác sĩ được đào tạo trong nước và học tập nâng cao tay nghề tại nước ngoài như châu Âu, Mỹ…
  • Về cơ sở vật chất: Có 700 giường nội trú, 7 phòng chức năng, 14 khoa lâm sàng, 9 khoa cận lâm sàng, 7 trung tâm.
  • Những điều cần lưu ý cho thai phụ: Tại bệnh viện phụ sản Trung ương, người ta chia các loại hình dịch vụ sinh đẻ thành 2 loại là: sinh thường chấp nhận bảo hiểm và sinh mổ dịch vụ.

Nếu sinh thường:

  • Khi làm thủ tục nhập viện, hãy đi từ phía cổng chính, cổng Tràng Thi của bệnh viện bởi cổng này gần nhất với phòng khám cấp cứu ở nhà A, do đó, bạn không cần phải đi một quãng xa trong cơn đau đẻ. Người nhà của sản phụ chỉ cần mang theo tiền tạm ứng nhập viện là 3 triệu và 30.000 đồng tiền khám cấp cứu. Một số chi phí có thể phát sinh như tiền gây tê màng cứng ( khoảng 1.500.000 đồng)
  • Sau khi sinh xong sẽ chỉ có một người thân trong gia đình là được phép ở lại qua đêm để chăm sóc cho mẹ và bé.
  • Nếu có BHYT, thì trong buổi sáng khi nhập viện, bạn nên báo cho người nhà mang theo chứng minh thư bản gốc, bản sao và BHYT tới phòng hành chính của bệnh viện để được hưởng các chế độ bảo hiểm. Các thủ tục cần được làm trước khi xuất viện.
  • Nếu cả mẹ và bé không có bất cứ biểu hiện đặc biệt nào thì sau 24h bạn có thể xuất viện

Nếu sinh mổ dịch vụ:

  • Khi làm thủ tục nhập viện:

Các thai phụ muốn đăng ký dịch vụ này cần tạm ứng trước gói dịch vụ trị giá 12 triệu đồng. Gói dịch vụ này bao gồm chi phí sinh mổ, được chỉ định bác sĩ mổ và 5 ngày nằm tại phòng dịch vụ của bệnh viện. Nếu thời gian nằm viện quá 5 ngày, bạn sẽ phải thanh toán thêm tiền dịch vụ phát sinh. Gói dịch vụ này sẽ không được thanh toán BHYT nên các thai phụ cần cân nhắc kỹ trước khi đăng ký.

Phòng dịch vụ được chia ra làm 4 loại: phòng 700.000 đ/ngày (2 giường rộng, có WC riêng), phòng này dành cho những người đăng ký đẻ mổ trọn gói từ trước; phòng 500.000 đ/ngày (2 giường, WC riêng), 400k/ngày (3 giường nhỏ hơn) và phòng 300.000 đ/ngày (3 giường bé).

Trong trường hợp phòng dịch vụ loại 700.000 không còn và bạn phải nằm các loại phòng dịch vụ giá rẻ hơn, thì tiền sẽ được thanh toán lại cho bạn vào ngày ra viện. Do nhu cầu đăng ký phòng dịch vụ rất cao nên thông thường chỉ những bà mẹ sinh mổ mới đăng ký được phòng dịch vụ, còn sinh thường thì rất khó để đăng ký loại phòng này.

  • Trong quá trình nhập viện:

Quy trình thường rất đơn giản, nếu đã làm xong các thủ tục và kiểm tra tổng quát xong, các thai phụ sẽ được chuyển đến khu D – khu điều trị tự nguyện.

Người nhà không được phép vào trong cùng thai phụ trong quá trình sinh con.

Một điều đặc biệt ở đây là trong quá trình sinh con người mẹ sẽ chỉ được gây tê ở phần dưới và đầu óc thì hoàn toàn tỉnh táo để có thể cảm nhận cảm giác khi sinh con.

Sau khi sinh con bằng phương pháp mổ sinh, thường thì mẹ và bé sẽ được giữ lại trong bệnh viện khoảng 5 ngày để theo dõi, nếu không có bất cứ biểu hiện gì thì mới được xuất viện


2. Bệnh viện phụ sản Hà Nội

  • Địa chỉ: Đường La Thành- Ngọc Khánh- Ba Đình- Hà Nội
  • Số điện thoại cấp cứu: 04 3834 3181
  • Về chuyên môn: Đây là bệnh viện chuyên về sản phụ khoa của thành phố Hà Nội. Các bác sĩ tại đây đã từng có kinh nghiệm trong việc giải quyết các ca đẻ khó một cách hiệu quả và nhanh nhất
  • Về cơ sở vật chất, trang thiết bị: Bệnh viện gồm phòng khám, phòng đẻ, phòng mổ, khu dịch vụ… Trang thiết bị hiện đại gồm các máy siêu âm thế hệ mới, nội soi…
  • Từ năm 2013 đến nay, bệnh viện đã cho sửa sang lại một chút trong kết cấu, theo đó bệnh viện hiện có 2 khu – khu sinh thường có bảo hiểm và khu sinh dịch vụ.

Khu sinh thường có bảo hiểm:

  • Từ 07/09/2015: Các khoản tạm thu khi nhập viện:

Tạm thu viện phí vào khoa A2, A3 : 3.000.000 vnđ

Tạm thu viện phí vào khoa A4, A5 : 6.000.000 vnđ

  • Ở khu này có các loại phòng 3 người, 5 người và 12 người. Khu này, theo như đánh giá ở thời điểm hiện tại thì chỉ có một khu vệ sinh chung duy nhất cho cả khu.
  • Đối với BHYT trái tuyến thai phụ phải chi trả 70% mức lệ phí, còn với bảo hiểm đúng tuyến, người bệnh chỉ phải chi trả mức phí là 20%. Trước khi làm thủ tục thai phụ cần phải photo trước CMND, thẻ bảo hiểm và giấy chuyển viện (nếu có) kèm theo bản gốc để đối chiếu. Mức phần trăm giá và chi phí như trên có thể áp dụng chung trong trường hợp của các bệnh viện công lập khác
  • Ngoài ra, các tiện ích như bình nước nóng (phục vụ cho mùa đông) hay điều hòa trong các phòng nghỉ (phục vụ cho mùa hè) hiện chưa được bệnh viện trang bị đầy đủ.

Khu sinh dịch vụ (hay các sản phụ vẫn thường gọi là khu D3 đối với các ca đẻ thường và khu D4 cho các ca mổ đẻ)

  • Từ 07/09/2015: Các khoản tạm thu khi nhập viện:

Đẻ thường yêu cầu bác sỹ : 17.000.000 vnđ

Đẻ mổ yêu cầu bác sỹ: 17.000.000 vnđ

Đẻ thường, đẻ mổ thai đôi yêu cầu bác sỹ: 25.000.000 vnđ

Mổ phụ khoa yêu cầu bác sỹ: 17.000.000 vnđ

  • Tiền tạm thu được bù trừ khi thanh toán ra viện. Nếu không có phát sinh nhiều, chi phí cần thiết có thể dao động từ 10 – 15 triệu đồng, đổi lại, các bà mẹ có thể được trải nghiệm trong một môi trường nghỉ ngơi tĩnh dưỡng khá tốt.
  • Với khu D3, trong quá trình sinh con, các thai phụ cũng không còn phải cảm thấy lo lắng phải ở một mình vì hiện nay bệnh viện còn cho phép người nhà được vào túc trực bên cạnh bà mẹ trong khi sinh.
  • Phòng ốc khang trang, khu vệ sinh khép kín theo từng đơn vị phòng. Hệ thống điều hòa, bình nước nóng cũng được trang bị đầy đủ. Ngoài ra, trong quá trình điều dưỡng, bệnh viện cũng cho phép sản phụ được mượn một số đồ dùng thiết yếu như phích nước, chăn, váy áo cho mẹ và một số vật dụng khác cho bé. Tuy nhiên, sau khi xuất viện, gia đình cần trả lại đầy đủ cho bệnh viện để tránh việc phải đền bù những phí tổn không cần thiết.

Những điều cần lưu ý cho các thai phụ:

Nếu lựa chọn sinh con ở khu sinh thường bảo hiểm thì người nhà không được phép vào cùng với sản phụ . Tuy nhiên, nếu trong quá trình sinh có bất cứ vấn đề nào phát sinh, các bác sĩ có thể sẽ yêu cầu người nhà có mặt ở bên ngoài tiếp tế nước hoặc đồ ăn bạn hay lấy thêm các vật dụng cần thiết khác.


3. Khoa sản Bệnh viện Bạch Mai (Khu Việt- Nhật)

  • Địa chỉ: 78 đường Giải Phóng, Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội
  • Điện thoại: 04 3869 3731
  • Tổng quan: Thường được các sản phụ ưu ái gọi tên là Bệnh viện Việt- Nhật. Với khoảng 80 giường bệnh ở thời điểm hiện tại, bệnh viện là một trong những sự lựa chọn hàng đầu của các bà mẹ sắp sinh con sánh ngang cũng những tên tuổi của các bệnh viện công khác như bệnh viện C và bệnh viện phụ sản Hà Nội.

Những lưu ý cho các thai phụ:

  • Các thai phụ nên làm hồ sơ sinh vào khoảng tuần thứ 28 và muộn nhất là trong khoảng tuần thứ 32 đến 33 của thai kỳ, có 2 cách để làm hồ sơ sinh.

Thứ nhất là làm dịch vụ. Các thai phụ có thể gọi điện đến bệnh viện cho y tá trưởng hoặc một người quen trong viện để làm hồ sơ sinh. Phí làm dịch vụ dao động ở mức 1.800.000 đến 1.900.000 đồng. Ưu điểm của dịch vụ làm hồ sơ là nhanh gọn, các mẹ hầu như không cần phải đến viện cũng có một bộ hồ sơ hoàn chỉnh.

Thứ hai là các thai phụ có thể tự làm hồ sơ. Quá trình cũng diễn ra như các bệnh viện khác, bao gồm: mua phiếu khám (khoảng 30.000 đồng), làm các thủ tục lập hồ sơ sinh rồi tiến hành các xét nghiệm. Song, do lượng bệnh nhân trong viện khá đông cộng thêm các thủ tục hành chính tương đối rườm rà nên có khi thai phụ phải làm mất một buổi đến một ngày nhưng lại tiết kiệm được một khoản chi phí đáng kể.

  • Chi phí sinh con và lưu trú lại tại viện không được đăng tải chính thức trên website của viện. Tuy nhiên, theo tham khảo từ phía các bà mẹ đã từng sinh con tại viện thì:

Phí sinh thường dao động trong khoảng từ 1.700.000 đến 2.500.000 đồng (đã bao gồm cả các xét nghiệm tối thiểu, có tính cả phí bảo hiểm)

Chi phí mổ sinh tại viện vào khoảng 4.000.000 đồng

Chi phí lưu trú còn tùy thuộc vào việc mẹ sau khi sinh lựa chọn lưu trú tại phòng sinh dạng thường hay tại khu dịch vụ


4. Khoa sản Bệnh viện Bưu điện

  • Địa chỉ: 49 Trần Điền, Hoàng Mai, Hà Nội
  • Điện thoại: 04 6402308

Những lưu ý cho các thai phụ:

  • Theo lời khuyên của bác sĩ công tác tại viện, các thai phụ có thể đăng ký hồ sơ sinh ở bệnh viện vào khoảng tuần 36- 37 của thai kỳ
  • Cũng giống như các bệnh viện công khác, khi sinh con tại bệnh viện Bưu điện, thai phụ có 2 lựa chọn – hoặc sinh thường ở khu bảo hiểm hoặc chuyển lên khu dịch vụ. Các thai phụ trên các diễn đàn vẫn tâm đắc về dịch vụ mổ sinh ở đây là an toàn hơn cả.
  • Phần lớn các mẹ từng sinh ở đây đều đánh giá bệnh viện sạch sẽ khang trang, được trang bị cơ sở vật chất, thiết bị tương đối đầy đủ, đỡ đông đúc hơn BV Phụ sản TW và BV Phụ sản Hà Nội.
  • Một điểm đặc biệt của bệnh viện đó là khi đến đây khám các thai phụ có thể đăng ký lưu trú tại các phòng bệnh VIP với giá cả tương đối phải chăng (mức giá tham khảo là 500.000 đồng/ ngày đối với loại phòng 2 giường và mức giá sẽ còn “mềm” hơn đối với loại phòng VIP 3 giường). Tuy nhiên, nếu vào thời điểm bệnh viện đông các thai phụ đến sinh con thì các mẹ vẫn phải chấp nhận tình trạng ở ghép phòng.


5. Nhận xét, đánh giá chung cho các dịch vụ của các bệnh viện công lập:

Ưu điểm:

  • Đội ngũ các bác sĩ đỡ đẻ, gây mê, bác sĩ nhi khoa có chuyên môn, kinh nghiệm, làm việc hiệu quả.
  • Sản phụ có thể lựa chọn sinh ở một trong hai khu – khu sinh thường có bảo hiểm (chi phí thấp) và khu sinh dịch vụ (chi phí trung bình, nhưng đổi lại là một dịch vụ chu đáo hơn).
  • Các bệnh viện lớn cũng cho phép khám sàng lọc để phát hiện sớm các triệu chứng không tốt ở trẻ.

Khuyết điểm:

  • Quản lý dịch vụ hỗ trợ khám thai trước khi sinh thường khá lỏng lẻo, đông đúc, chất lượng phục vụ chưa thực sự tốt và có sự phân biệt đối tượng thai phụ là khám bảo hiểm với các đối tượng khám dịch vụ khác, do vậy, phần lớn thai phụ lựa chọn khám ngoài. Chỉ đến khi gần sinh con mới bắt đầu tiếp nhận hồ sơ khám thai và các xét nghiệm cần thiết.
  • Thủ tục khi sinh đẻ thường rườm rà, phức tạp. Bên cạnh đó, trước khi nhập viện sinh con, sản phụ cần phải chuẩn bị thật kỹ mọi đồ đạc cần thiết cho bản thân mẹ cũng như những trang bị cho bé khi vừa chào đời.
  • Cách làm việc của đội ngũ bác sĩ chưa thật sự có sự linh động về mặt thời gian. Thường thì việc sinh con không thể lường trước thời gian ra đời chính xác của trẻ. Thế nhưng, nếu sinh con vào ban ngày thì sản phụ có quyền chỉ định trực tiếp bác sĩ đỡ đẻ cho mình. Tuy nhiên, khi sinh con vào ban đêm, để tránh những rủi ro có thể xảy đến thì họ thường không có lựa chọn nào khác ngoài kíp trực ca đêm.
  • Khu dịch vụ cho các ca đẻ thường có chi phí tạm ứng cho dịch vụ (bao gồm toàn bộ quá trình sinh đẻ và nghỉ ngơi phục hồi tại bệnh viện) tốt hơn với giá thành khá cao tuy nhiên chi phí này chưa chắc đã mang lại một dịch vụ thật sự hoàn hảo. Điển hình là tình trạng nhà vệ sinh không được sạch sẽ theo như lời phàn nàn của một số mẹ đã từng nằm tại viện C.
  • Có sự phân biệt vô cùng rõ ràng giữa hai khu sinh thường có bảo hiểm và khu sinh dịch vụ về cơ sở vật chất, dịch vụ chăm sóc mẹ và bé. Bên cạnh đó, tình trạng ở ghép vẫn thường diễn ra ở các khu bảo hiểm tạo cảm giác chật chội và khó chịu cho mẹ và bé
  • Do phần đông các thai phụ sinh ở bệnh viện công thường có thu nhập trung bình hoặc thấp, bên cạnh đó các thông tin về biểu phí sinh đẻ cũng như các dịch vụ hỗ trợ tại các bệnh viện công thường không được công khai chính thức trên các website chính của bệnh viện (ngoại trừ bệnh viện Phụ sản Hà Nội) gây khó khăn cho các sản phụ trong quá trình tìm hiểu và đối chiếu giá cả để đi đến những lựa chọn hợp lý.
  • Khi quyết định sinh con tại bệnh viện công lập, các gia đình thường nghĩ đến vấn đề tìm người quen làm việc trong bệnh viện để nhờ giúp đỡ hoặc khoản “cảm ơn” cho ekip bác sỹ như thế nào. Đây là việc không thật sự cần thiết, nhưng khiến không ít gia đình lo lắng tìm hiểu và sẵn sàng phát sinh thêm chi phí với mong muốn được các y bác sỹ tận tình quan tâm và giúp đỡ.

Lê Thảo Anh
Lê Thảo Anh
Trả lời 7 năm trước

Hiện nay, các bà mẹ khi sinh nở có nhiều sự lựa chọn hơn về dịch vụ, nơi sinh con cũng như bác sĩ đỡ đẻ. Những người nhiều tiền sẽ chọn các bệnh viện quốc tế có tiếng như Vinmec, Việt Pháp... Thấp hơn một chút là đẻ dịch vụ tại Phụ sản Hà Nội hoặc Việt Nhật. Còn đa số đẻ thường tại viện C hoặc khu A của Phụ sản Hà Nội.

Từ lâu, khoa D3 (khoa sinh dịch vụ) của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã được nhiều người truyền tai về trình độ bác sĩ, sự thoải mái cũng như có lợi thế là người nhà được vào phòng đẻ cùng sản phụ. Sinh dịch vụ tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội gồm sinh thường (D3) và sinh mổ (D4). Dù sinh thường hay mổ, khi làm thủ tục nhập viện, bạn đều phải đóng trước 10 triệu đồng tại quầy thu ngân của bệnh viện. Đó là số tiền tạm ứng cho toàn bộ quá trình sinh nở và nghỉ ngơi của bạn và em bé tại viện. Cụ thể:

- Tiền đẻ thường (tự chọn bác sĩ): 6 triệu đồng.
- Tiền đẻ mổ (tự chọn bác sĩ): 6 triệu đồng.

Vì đây là tiền dịch vụ nên bạn sẽ không được bảo hiểm thanh toán. Nếu sử dụng thẻ bảo hiểm y tế, được giảm 80% số tiền chi phí nằm viện (khoảng 200.000 đồng). Số tiền được giảm không đáng kể bởi khi đẻ ở D3, đa số là tiền dịch vụ và bảo hiểm không thanh toán các khoản này.

Số tiền 4 triệu đồng còn lại dùng để tạm ứng cho tiền phòng, thuốc, tắm bé, vệ sinh cho mẹ... Cụ thể tiền phòng dịch vụ:

- Phòng 2 giường (vệ sinh khép kín): 500.000 đồng.
- Phòng 4 giường (vệ sinh khép kín): 400.000 đồng.
- Phòng 6-8 giường (vệ sinh không khép kín): 300.000 đồng.

Khác biệt lớn nhất khiến các bà mẹ chọn sinh tại khoa dịch vụ là vì sự sạch sẽ, thoải mái, không đông đúc và bác sĩ niềm nở. Khi sinh, được nằm riêng một phòng và có người nhà ở bên khi "vượt cạn". Bạn được tự mình chọn bác sĩ tốt nhất để tham gia đỡ đẻ. Ngoài ra, các trang thiết bị cho mẹ và con như nước nóng, quần áo, khăn, tã... đều có đầy đủ.

Các bà mẹ thường chọn khám thai tại các phòng khám ngoài cho thoải mái và đỡ đông đúc. Khi đến 37 tuần thì bắt đầu vào viện khám tổng thể và đăng ký đẻ dịch vụ. Đến thời điểm này, bệnh viện mới tiếp nhận hồ sơ của sản phụ và thực hiện xét nghiệm máu, nước tiểu, siêu âm...

Sau khi có đủ giấy tờ xét nghiệm, bạn có thể đăng ký luôn tại phòng 340 nhà D3 hoặc mang về nhà, đăng ký khi nào trở dạ và nhập viện. Khi đăng ký, bạn sẽ được chọn bác sĩ đỡ đẻ. Theo kinh nghiệm của nhiều bà mẹ từng sinh con tại D3, nếu đẻ vào ban đêm, bạn nên chỉ định kíp trực đỡ luôn. Nếu đẻ vào ban ngày, có thể chỉ định bác sĩ mà mình tin tưởng. Thời gian đăng ký từ thứ 2 đến thứ 6.

Sở dĩ như vậy bởi nếu chỉ định một bác sĩ nhất định, kíp trực sẽ không can thiệp vào quá trình sinh nở của bạn. Nếu bác sĩ chưa đến kịp mà bạn đã sẵn sàng sinh thì sẽ rất khó xoay xở.

- Nên theo khám của một bác sĩ làm tại Phụ sản Hà Nội và nhờ người đó làm hồ sơ sinh giúp, không mất thời gian chờ đợi khi bụng đã quá to.

- Không nên đưa phong bì cho kíp đỡ đẻ và bác sĩ bởi bạn sử dụng dịch vụ và chi rất nhiều tiền cho ca đẻ của mình.

- Nên ăn cơm nhà mang đến bởi cơm ở căng tin bệnh viện đắt, phục vụ chậm và không ngon.

- Người nhà khi vào cùng sản phụ nên mang theo một chai nước. Quá trình sinh nở lâu và kêu la nhiều sẽ khiến cơ thể mất nước nhanh.

- Không nên mang theo quá nhiều tã lót và chăn cho con bởi đa số sử dụng đồ của bệnh viện.

- Nếu đẻ thường, bạn sẽ nằm lại viện khoảng từ 1 đến 2 ngày nên không cần mang quá nhiều đồ.

Đỗ Ngọc Diệp
Đỗ Ngọc Diệp
Trả lời 7 năm trước

Tôi sinh 2 lần ở bệnh viện phụ sản và đều sử dụng gói dịch vụ. Cả hai lần tôi đều không đưa phong bì, tôi thấy bác sỹ và y tá chăm sóc rất tốt không vấn đề gì, chỉ duy nhất có điểm không hài lòng là quần áo cho sản phụ. Lần đầu tôi sinh cháu tháng 11/2009 và lần 2 là tháng 2/2013.

Nguyễn Huyền Trang
Nguyễn Huyền Trang
Trả lời 7 năm trước

Tôi có con gái đã từng sinh tại Khoa dịch vụ đó. Em bé chỉ 2,7kg. Sản phụ đau dồn dập rồi vẫn bị bắt bị nằm chờ dưới giường bên cạnh bàn đẻ, buồn rặn bắt không được rặn, phải cố nín. Đến khi được cho dìu lên bàn đẻ phải vội vội vàng vàng vì chưa kịp rặn hơi nào, chưa nằm lên tới bàn đầu em bé đã tòi ra đến tận tai. Tuy vậy bác sĩ vẫn nhanh thoắt cái cắt toang một nhát kéo dài để mở rộng tầng sinh môn. Nhanh tới nỗi mình không kịp ngăn lại mà nếu ngăn lại chắc cũng bị mắng đuổi ra khỏi phòng sinh vì không được phép cản trở Bs làm nhiệm vụ chuyên môn của họ. Mỗi khi nhớ lại nhát cắt đó mình đều thấy đau nhói lòng hết sức vì nhát cắt đó thật oan nghiệt. Vết cắt rộng toang ra, sau đó lại phải cắt lọc, khâu 5-6 mũi thật đau đớn. Cắt tầng sinh môn khi đẻ là một chỉ định rất phổ biến, rất bình thường không có gì ghê gớm nhưng mình thấy đau xót vì khi đó thực ra không cần thiết mà bs vẫn cắt. Lý giải việc này là vì giá dịch vụ khâu tầng sinh môn ( được đề trên danh mục dịch vụ là " khâu thẩm mỹ ") rất cao nên bs cắt rồi lại khâu, không nghĩ gì đến nỗi đau của sản phụ, sau cắt khâu còn là đau hàng tuần lễ khi vệ sinh, khi phải ngồi cho con bú, phải dùng thuốc kháng sinh, mất sữa do dùng KS...
Em bé sau khi được đỡ ra cô hộ sinh mặc đồ rồi đặt trên bàn dành cho bé sơ sinh, cô úp mặt nạ thở ôxy lên mặt bé nhưng tới lúc mình nhìn tới thì không mở khoá bình ôxy, lúc này thì mình phải kêu ngay không chậm chễ, cô mới mở khoá ôxy...
Mà trường hợp này là mẹ chồng cháu cũng đã nhờ vả kíp trực, phong bì đầy đủ từ lúc bước vào phòng sinh.

Phạm Công Sơn
Phạm Công Sơn
Trả lời 7 năm trước

Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu một số bệnh viện tư tại Hà Nội là lựa chọn hàng đầu của các thai phụ có nhu cầu sinh con với chất lượng phục vụ và cơ sở vật chất tốt. Thường thì đối tượng mà các bệnh viện này nhắm đến là các bà mẹ có thu nhập cao, gia đình có điều kiện hay những đối tượng có ưu đãi bảo hiểm thuộc các bệnh viện này. Nếu không được ưu đãi bảo hiểm từ trước, các thai phụ quan tâm, muốn mua các bảo hiểm thai sản có thể tham khảo một số website để tìm hiểu thêm về quyền lợi được hưởng cũng như các biểu phí tương ứng cần đóng trong quá trình mang thai.

1. Dịch vụ sinh con tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế VINMEC

  • Địa chỉ: 458 Minh Khai- Hai Bà Trưng- Hà Nội
  • Điện thoại liên hệ: 04 3974 3556
  • Tổng quan: Vinmec là 1 bệnh viện khách sạn 5 sao có tiếng tại Hà Nội. Đặc biệt khoa phụ sản của Vinmec rất được các sản phụ tín nhiệm do chất lượng dịch vụ từ các y bác sĩ ở đây thường rất tốt và sau khi sinh các sản phụ sẽ được đưa vào nằm trong phòng bệnh với tối đa là 2 sản phụ. Tuy nhiên với mức giá thành cao thì việc có nên sinh con ở bệnh viện này hay không vẫn luôn là mối bận tâm lớn nhất của các bà mẹ.

Những điều cần biết cho các thai phụ:

  • Thai phụ có thể đăng ký dịch vụ trọn gói trong tuần thứ 10-12 của thai kỳ. Các sản phụ sẽ được khám thai 11 lần (thai đơn), siêu âm định kỳ, xét nghiệm máu, thăm khám với bác sĩ gây mê, tiêm uốn ván… Thông quá đó sớm phát hiện một số bệnh có nguy cơ mắc phải ở mẹ và bé, góp phần đảm bảo khả năng “mẹ tròn con vuông” cao.
  • Các bác sĩ trong bệnh viện còn hẹn đến khám hậu thai sản để chắc chắn không xuất hiện những tình trạng nguy hiểm nào.

Nhận xét, đánh giá:

Ưu điểm:

  • Cung cấp đầy đủ các gói dịch vụ như mở các lớp học tiền sản (đã được tính trong dịch vụ trọn gói), các dịch vụ thăm khám sát sao trong suốt thời kỳ mang thai, tiến hành đầy đủ các xét nghiệm sàng lọc và siêu âm cần thiết. Ngoài ra, sau khi sinh, mẹ và bé đều được hưởng chế độ chăm sóc phục vụ chu đáo.
  • Thái độ phục vụ của các y bác sĩ rất tận tình, chu đáo; các bà mẹ được đảm bảo đúng và đầy đủ chất lượng dịch vụ cũng như được bổ sung các thực phẩm dinh dưỡng kịp thời trước và sau khi sinh con. Bên cạnh đó, các vật dụng cần thiết cho mẹ và bé đều được bệnh viện cung cấp đầy đủ đến mức nhiều người còn cho rằng đến ngày sinh họ chỉ cần mang bụng bầu đến để sinh con thay vì phải “tay xách nách mang” như trước.
  • Trong quá trình sinh con, người thân được phép vào trong nhà sinh cùng với bà mẹ, thậm chí còn có thể quay phim lại toàn bộ quá trình tạo tâm lý thoải mái cho bà bầu trong khi sinh.
  • Cơ sở vật chất khang trang, sạch đẹp với phòng vệ sinh sạch sẽ và trong phòng được thay hoa tươi đều đặn.
  • Số tiền chi trả đã bao gồm phí bồi dưỡng cho các công nhân viên, đặc biệt là các y tá và bác sĩ chăm sóc trong bệnh viện, do đó, các thai phụ không phải lo lắng hay bận tâm đến các chi phí “lót tay” khác.

Nhược điểm:

  • Phí dịch vụ thường rất cao (dao động khoảng từ 33 đến 50 triệu đồng) cho một ca sinh bình thường và mang thai đơn. Trong trường hợp người mẹ sinh mổ hay đa thai thì chi phí có thể lên tới 60 triệu đồng. Ngoài ra, nếu sử dụng thêm các loại dịch vụ khác như đẻ không đau hay những xét nghiệm do trẻ có những biểu hiện bệnh phát sinh thì chi phí sẽ được cộng thêm rất nhiều.
  • Vì không phải là một bệnh viện chuyên về sản nên nếu ca sinh của thai phụ là một ca đẻ khó cần đến trình độ chuyên môn cao thì gia đình sẽ phải làm các thủ tục chuyển viện sang viện C hay Phụ sản tương đối rườm rà và phức tạp.

2. Dịch vụ sinh con tại Việt Pháp

  • Địa chỉ: Số 1, phố Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội
  • Số điện thoại liên hệ: 04 3577 1100
  • Tổng quan: Được thành lập từ năm 2000, bệnh viện Việt Pháp là một trong những lựa chọn hàng đầu của các thai phụ và gia đình trong quá trình “vượt cạn”. Bệnh viện có đội ngũ các bác sĩ giàu kinh nghiệm gồm cả các bác sĩ trong nước và các bác sĩ nước ngoài. Bên cạnh đó, bệnh viện còn được biết đến nhờ vào các trang thiết bị hiện đại và chính sách chăm sóc phục vụ bệnh nhân chu đáo.

Những điều cần biết cho các thai phụ:

  • Nếu đăng ký sinh trọn gói, các thai phụ có thể đăng ký tại bệnh viện từ tuần 32, ngoài ra nếu đăng ký sớm hơn (vào khoảng tuần thứ 8 đến 12) các thai phụ còn được hưởng nhiều chế độ xét nghiệm hơn (tối thiểu là 9 lần khám), được tiêm phòng uốn ván… Bên cạnh đó, thai phụ còn được tham gia các lớp học tiền sản miễn phí do bệnh viện tổ chức liên tục.

Nhận xét, đánh giá

Ưu điểm:

  • Cũng giống như Vinmec, bệnh viện Việt Pháp cũng đáp ứng đầy đủ các yếu tố như cơ sở vật chất tốt, bệnh viện khang trang, sạch đẹp và cung cấp khá đầy đủ các gói dịch vụ sinh như lớp tiền sản hay các gói xét nghiệm sàng lọc…
  • Đội ngũ bác sĩ y tá phục vụ nhiệt tình, chu đáo, ân cần đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của thai phụ và trẻ nhỏ. Đôi khi cũng có những ca sẽ có các bác sĩ người nước ngoài thực hiện đỡ đẻ.
  • Bên cạnh đó, bệnh viện cũng có thêm các dịch vụ như cho phép người nhà được trực tiếp tham gia vào ca đẻ và cắt dây rốn cho trẻ, cho phép mẹ được chứng kiến bé tắm hay trang bị thêm một số trang thiết bị như máy vắt sữa điện Medela tốt cho các bà đẻ…
  • Thông tin chi tiết về các gói sản phẩm, dịch vụ mà mẹ và bé được hưởng được đăng rõ ràng trên website của bệnh viện.

Nhược điểm:

  • Chi phí cho các dịch vụ sinh con trọn gói rất cao. Với trường hợp mang thai đôi, số tiền các bà mẹ sẽ phải bỏ ra có thể lên tới hơn 60 triệu nếu đẻ mổ.
  • Vì không phải là một bệnh viện chuyên về sản nên nếu ca sinh của thai phụ là một ca đẻ khó cần đến trình độ chuyên môn cao thì gia đình sẽ phải làm các thủ tục chuyển viện sang viện C hay Phụ sản tương đối rườm rà và phức tạp
  • Về cơ sở vật chất, Bệnh viện Việt Pháp được xây dựng từ khá lâu nên nếu xét cùng mức tiền bỏ ra thì cơ sở vật chất và phòng ốc không được mới và hiện đại như bệnh viện Vinmec.


3. Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc

  • Địa chỉ: 97 Nguyễn Trường Tộ- Ba Đình- Hà Nội
  • Điện thoại liên hệ: 04 3716 1239
  • Bảng chi phí các dịch vụ: Cũng giống như các bệnh viện tư khác, bệnh viện Hồng Ngọc cung cấp 2 gói dịch vụ trọn gói là dịch vụ thai sản trọn gói và dịch vụ sinh con trọn gói (áp dụng từ tuần thứ 28 của thai kỳ).
  • Bệnh viện cũng cung cấp các dịch vụ tiện ích như các lớp thai sản miễn phí cùng các trang thiết bị hiện đại, môi trường bệnh viện tương đối sạch sẽ và khang trang. Những lưu ý cho các thai phụ: Về chế độ bảo hiểm, thai phụ có thể mua gói thẻ bảo hiểm của bệnh viện Hồng Ngọc hoặc mua các loại bảo hiểm nằm trong danh sách các đối tác tại bệnh viện.

Nhận xét, đánh giá:

Ưu điểm:

  • Thông tin về tất cả các dịch vụ cũng như quy trình sinh hay những hình ảnh về bệnh viện đều được công khai tại website chính thức của bệnh viện, tạo điều kiện thuận lợi cho các thai phụ tìm hiểu, tham khảo nếu có nhu cầu sinh con tại viện.
  • Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc là bệnh viện tư hạng trung, mức chi phí cho các gói thai sản và sinh con ở mức trung bình.
  • Đội ngũ bác sĩ y tá nhiệt tình, chu đáo với bệnh nhân

Nhược điểm:

  • Vì là bệnh viện thiên về dịch vụ cho nên nếu ca sinh của bạn là một ca đẻ khó, cần đến trình độ chuyên môn cao thì bạn vẫn phải chuyển đến các viện công lập nhà nước nếu cần tạo sự bất tiện cho thai phụ đó trong quá trình sinh con.
  • Khuôn viên bệnh viện chưa thật sự rộng rãi, thoải mái như các bệnh viện lớn.

Các bệnh viện công lập và tư nhân chúng tôi liệt kê ở các phần của bài viết có thể không phải là nơi cung cấp dịch vụ tốt nhất hay chuyên môn cao nhất. Đây là các bệnh viện quen thuộc hay được nhiều chị em có nhu cầu tìm kiếm thông tin và sử dụng dịch vụ. Tại bất cứ bệnh viện nào, dù công lập hay tư nhân cũng đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Để lựa chọn nơi sinh, bạn có thể cân nhắc kỹ nhiều yếu tố như tình trạng sức khỏe sản phụ và thai nhi, chi phí, dịch vụ, địa điểm… hợp lý với hoàn cảnh gia đình. Quyết định cuối cùng phụ thuộc vào chính vợ chồng bạn! Bài viết của chúng tôi hi vọng phần nào giúp bạn có cái nhìn tổng quan về dịch vụ sinh tại một số bệnh viện ở Hà Nội.

Chúc bạn có một thai kỳ khỏe mạnh, mẹ tròn con vuông!