Dạy bảo thế nào với trẻ lên 3 bướng bỉnh?

Chào bạn,

Cháu nhà tôi hiện nay là 2 tuổi rưỡi. Cháu rất hiếu động và lanh lợi. Tuy nhiên, gần đây cháu trở nên rất bướng bỉnh, hay làm ngược lại lời người lớn. Cháu thường chạy nhảy, lao ầm ầm vào đồ vật, nhiều lần bị đau nhưng vẫn không biết sợ. Có lần cháu cầm cốc thủy tinh giơ ra và dọa mẹ, và thực tế, mẹ không nghe theo, bé liền thả côc rơi xuống đất cho cốc vỡ tan tành. Cháu là một đứa bé rất nhanh, linh hoạt và cực kỳ hiếu động, bắt chước cả điều hay và điều dở rất nhanh. Khi cháu bướng bỉnh như vậy, quát mắng đều không mang lại hiệu quả. Xin các bác chuyên gia cho biết trong trường hợp này, bố mẹ, ông bà và người lớn trong nhà nên ứng xử với cháu như thế nào? Nói ngọt hay nghiêm khắc hay thỉnh thoảng đét đít cháu???

Xin chân thành cảm ơn.

Nguồn: webtretho

tun cua di
tun cua di
Trả lời 14 năm trước

Chào bạn,

Thông thường khoảng từ 30 tháng tuổi trẻ đã bắt đầu ý thức được cái tôi của mình như 1 chủ thể riêng biệt, không còn quá gắn bó, quá phụ thuộc người lớn như trước, trẻ ý thức được ý muốn của mình, khả năng của mình và muốn khẳng định mình như 1 cá nhân độc lập, tuy nhiên nếu người lớn vẫn đối xử với trẻ như cũ, bé có thể sẽ có sự phản ứng.

Thông thường nhất bé có thể đòi làm theo ý mình, tự mình làm lấy mọi việc mà không muốn người khác làm hộ, nếu không thỏa mãn trẻ sẽ tỏ ra bất hợp tác và phản ứng theo nhiều cách khác nhau, có thể nói hỗn, có thể ăn vạ, gào khóc vv…

Cách cư xử lúc này của người lớn là khuyến khích trẻ tự làm với sự giúp đỡ kín đáo của người lớn, dạy trẻ 1 số kỹ năng để có thể tự phục vụ bản thân mà không bị nguy hiểm, ví dụ, cho bé tự xúc ăn, tự mang giày, tự rửa tay, vệ sinh cá nhân... nói chung là nới lỏng sự tự do và cho trẻ được hoạt động nhiều hơn để thỏa mãn nhu cầu tự khẳng định của mình.

1 cách nữa khi bé khăng khăng đòi làm những việc quá sức hoặc có thể bị nguy hiểm, ta phải dùng 1 tác nhân hấp dẫn nào đó để thu hút sự chú ý của bé, giúp bé quên việc kia đi và không bực mình do không được làm cái mình muốn. Bạn cũng tránh không đánh mắng bá quá nhiều, vì điều đó chỉ thường làm bé lì lợm hơn. Cùng với thời gian, thời kỳ khủng hoảng sẽ qua đi, bé sẽ trở lại bình thường khi bé có thêm kinh nghiệm và kỹ năng sống tốt hơn.

Thông thường đứa bé nào cũng trải qua thời kỳ này nhưng cách phản ứng của mỗi bé có khác nhau về mức độ, tùy thuộc khí chất và đặc điểm thần kinh cá nhân từng đứa trẻ.

Chúc bạn hạnh phúc, thành công,

Thân mến

Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non - sở Giáo dục TP. HCM

Nguồn: webtretho