Thi tốt nghiệp THPT năm 2011 mình lo thi trượt các môn xã hội quá?

fhgkjhljjjjjjjjjjjjjjjjjjjjjjjjjj
fhgkjhljjjjjjjjjjjjjjjjjjjjjjjjjj
Trả lời 12 năm trước

Trong số 6 môn thi tốt nghiệp THPT năm nay có 3 môn thuộc lĩnh vực khoa học xã hội là Ngữ văn, Ngoại ngữ, Địa lý. Đối với các học sinh học “lệch” và bấy lâu nay vẫn hờ hững, học đối phó với các môn xã hội gặp không ít khó khăn.

Mục đích của kỳ thi tốt nghiệp THPT là đánh giá chất lượng học tập của học sinh theo chuẩn kiến thức mà học sinh đã được học. Nếu việc dạy và học có chất lượng ở tất cả các môn theo số tiết phân phối trong chương trình và các trường tổ chức ôn tập theo đúng hướng dẫn ôn tập của Bộ GD&ĐT đã ban hành thì không có gì phải băn khoăn, lo lắng. Mặc dù vậy, có một thực tế là ở nhiều trường THPT hiện nay, số học sinh theo khối C đang có chiều hướng giảm rõ rệt. Thay vào đó xu hướng theo học các môn thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên đang ngày càng tăng.

Theo ý kiến lý giải của nhiều học sinh vì học các môn khoa học tự nhiên có nhiều khối thi, ngành thi, trường thi, cơ hội tìm việc làm sau khi rời giảng đường đại học cũng sẽ lớn hơn, kéo theo nguồn thu nhập cũng sẽ cao hơn…

Qua tìm hiểu ở một số trường THPT được biết, số học sinh theo học chương trình nâng cao các môn khoa học xã hội là rất ít, mỗi khối thường chỉ “vớt vát” được một lớp. Ở nhiều trường, học sinh chủ yếu theo học chương trình cơ bản nhưng đều đăng ký học tự chọn các môn tự nhiên.

Trong số phần lớn học sinh đã lựa chọn khối thi thuộc các môn khoa học tự nhiên đều có tâm lý “thi gì học nấy ” và chỉ chú trọng cho kỳ thi đại học. Nhiều học sinh đã tỏ ra lạnh nhạt với các môn khoa học xã hội. Tình trạng học lệch, học tủ diễn ra khá phổ biến.

Đáng lo là hiện tượng này xuất hiện ngay ở các lớp đầu cấp THPT, từ lớp 10, 11 tình trạng phân hóa và “phân biệt đối xử ” đối với các môn khoa học xã hội đã diễn ra, biểu hiện của tình trạng này là: học sinh không có động lực và hứng thú trong tiết học các môn xã hội; trong giờ học thiếu tập trung, việc chuẩn bị bài, soạn bài cũng mang tính đối phó bởi đã có sẵn các loại sách tham khảo, học sinh chỉ việc chép theo. Do học đối phó, không chú tâm thu nhận kiến thức, trong các tiết kiểm tra, những học sinh “học lệch” thường tìm đủ mọi cách quay cóp, sử dụng tài liệu, nếu giáo viên coi thi chặt thi đành nộp … giấy trắng.

Trước thời điểm Bộ GD&ĐT chính thức công bố các môn thi tốt nghiệp, không ít học sinh lớp 12 đã “đoán già đoán non ” sẽ không có môn Địa lý trong danh sách các môn thi vì môn Địa lý cũng đã thi năm 2010. Cộng vào đó là tâm lý muốn “dồn sức” cho kỳ thi đại học nên tỏ ra sao nhãng trong việc học các môn xã hội. Sau khi Bộ GD&ĐT công bố danh sách các môn thi tốt nghiệp mới “giật mình” thì “lỗ hổng” trong kiến thức các môn xã hội đã khá lớn. Việc phát sinh tâm lý băn khoăn, lo lắng cũng là điều dễ hiểu.

Như vậy, thời gian từ nay cho đến khi kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra không còn nhiều, các trường THPT cần nhanh chóng triển khai việc tổ chức ôn tập, củng cố kiến thức các môn thi tốt nghiệp cho học sinh khối 12. Đặc biệt cần dành một khoảng thời gian thích đáng để phụ đạo, bù đắp lượng kiến thức các môn khoa học xã hội bị thiếu hụt ở những học sinh bấy lâu nay vẫn học tủ, học “lệch”, thiên về các môn tự nhiên.

Việc ôn tập, dạy phụ đạo cho học sinh cần được giao cho những giáo viên có năng lực, nhiệt huyết đảm nhận. Theo ý kiến của nhiều giáo viên, đề thi các môn xã hội nếu được ra theo hướng tư duy khái quát, tổng hợp sẽ giúp học sinh dễ có điểm hơn. Ngược lại, nếu đề thi ra theo kiểu học thuộc lòng với khối lượng kiến thức lớn sẽ gây khó khăn cho học sinh.

Đối với học sinh lớp 12, nhất là những học sinh bấy lâu nay vẫn học lệch, xem nhẹ các môn xã hội cần xác định: hiện đang là khoảng thời gian “nước rút”, phải có thái độ thực sự nghiêm túc trong việc củng cố lại kiến thức ở các môn khoa học xã hội. Dù khoảng thời gian còn lại là không nhiều nhưng nếu dành thời gian thích đáng và có phương pháp ôn tập phù hợp thì nắm được những kiến thức cơ bản nhất trong chương trình làm “vốn” chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới không phải là điều quá khó khăn. Với những học sinh lơ là các môn khoa học xã hội bấy lâu nay, lại không nỗ lực ôn tập mà chỉ trông chờ vào “vận may” nếu không cẩn thận sẽ rơi vào tình trạng cầm trên tay giấy báo dự thi đại học mà không thể dự thi bởi không qua được “cửa” của kỳ thi tốt nghiệp đang đến rất gần.

Hoang Trung Thuc
Hoang Trung Thuc
Trả lời 12 năm trước

Môn học nào cũng thế, muốn học tốt, bạn phải có đam mê. Với khối C, điều này lại càng cần thiết, bởi những môn học này có khối lượng kiến thức khá lớn, số lượng các sự kiện, số liệu dày đặc.

Chính vì thế, bạn không thể đọc qua một lần mà có thể nhớ lâu và chính xác. Nó đòi hỏi một quá trình ôn luyện miệt mài, vất vả.

Với môn Sử, tôi thường phân chia theo từng giai đoạn, ví dụ: Giai đoạn cuối thế kỷ 19, đến nửa đầu những năm 1920; giai đoạn nửa sau những năm 1920 đến đầu những năm 1930; từ 1930 – 1945…

Mỗi giai đoạn nên học kỹ “nguyên nhân, diễn biến, kết quả, ý nghĩa lịch sử, bài học kinh nghiệm, rồi xâu chuỗi các sự kiện lại với nhau.

Bạn nên viết thành các dạng đề thi khác nhau từ một sự kiện, trả lời theo các ý nhỏ. Khi vào phòng thi, bạn sẽ không bị “choáng” trước các câu hỏi hóc búa!

Khi học môn Địa, tôi chia ra thành các vấn đề, chuyên đề, lập thành các sơ đồ cho dễ học. Chẳng hạn, vấn đề một: Các nguồn lực để phát triển Kinh tế - Xã hội, gồm có: nguồn lực Tự nhiên và nguồn lực Xã hội, trong nguồn lực Tự nhiên có nguồn lực Vị trí địa lý và Tài nguyên thiên nhiên…

Vấn đề hai: Những vấn đề phát triển xã hội. Vấn đề ba: Những vấn đề phát triển kinh tế...

Trong mỗi vấn đề có các chuyên đề cụ thể. Bạn nên nắm vững các đặc điểm, cơ sở, hiện trạng, nguyên nhân, vai trò, tác động và hướng giải quyết thích hợp, khi làm bài thì tuỳ theo yêu cầu đề ra mà vận dụng kiến thức thích hợp!

Phần bài tập cũng rất quan trọng, bạn cần phải nắm vững các quy tắc xác định biểu đồ, cách vẽ và trình bày chính xác, sạch, đẹp mắt để đạt điểm cao.

Còn môn Văn, cần nắm vững phần về các tác giả lớn, đọc kỹ tác phẩm, các chi tiết về ngoại hình, nội tâm, cử chỉ, hành động… liên quan đến nhân vật. Bạn nên lập dàn ý đại cương, chi tiết.

Nên vận dụng các kiến thức đã học để có nhiều cách mở bài hay, triển khai thành từng đoạn trôi chảy, mạch lạc, tránh lặp câu, từ….

Bạn không nên học thâu đêm suốt sáng vì rất có hại cho sức khoẻ, trong khi chưa chắc hiệu quả. Những lúc căng thẳng, tôi thường nghe nhạc, thỉnh thoảng chơi thể thao.

Khi làm bài, bạn nên chú ý trình bày sáng sủa, trôi chảy, mạch lạc. Bạn nên căn thời gian làm bài cho hợp lý, giành ít phút đầu để đọc kỹ đề, vạch dàn ý rồi làm bài.

Với một quá trình học chăm chỉ, có phương pháp khoa học, cộng với niềm đam mê, bạn sẽ "vào trận" đầy tự tin.

Tran Quynh Nhung
Tran Quynh Nhung
Trả lời 12 năm trước
Kỳ thi tốt nghiệp THPT và Đại học sắp tới. Môn Văn là môn học quan trọng trong nhà trường. Thạc sĩ Phạm Hữu Cường, giảng viên Đại học quốc gia Hà Nội sẽ có vài gợi ý ôn thi.

1. Ôn tập theo vấn đề và nhóm tác phẩm

Những tác phẩm trong nhóm thường phải có chung một hoặc một số điểm tương đồng, chẳng hạn cùng chung đề tài (về đất nước, về người lính, về chủ nghĩa anh hùng cách mạng...), chung thể loại (truyện ngắn, thơ...), chung giai đoạn sáng tác (từ đầu thế kỉ XX đến năm 1945)...Ôn tập theo hướng này, các em sẽ có thể giải quyết tốt được cả hai dạng: đề đơn (đề cập tới một tác phẩm) và đề tổng hợp (đề cập tới nhiều tác phẩm).

Sau khi tập hợp các tác phẩm thành từng nhóm, cần phải phát hiện được:

Những nét độc đáo của tác phẩm này so với tác phẩm khác.

Những nét chung của tác phẩm trong nhóm.

2. Khám phá tác phẩm trong các mối liên hệ

* Các mối liên hệ bên ngoài:

Môn văn gián tiếp đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức về lịch sử, nếu không khó mà phân tích đúng. Vì vậy, các em cần nắm chắc hoàn cảnh ra đời, ý nghĩa nhan đề và kết cấu cảm hứng để hiểu sâu và chính xác về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật tác phẩm, đồng thời qua tác phẩm phải thấy được cả hiện thực thời đại mà nhà văn sống và sáng tác.

Chẳng hạn có thể viết: Nếu không ra đời vào mùa xuân năm 1948, thời điểm mà vấn đề “nhận đường” (Nguyễn Đình Thi), vấn đề “lột xác” (Nguyễn Tuân) đang đặt ra một cách gay gắt đối với các văn nghệ sĩ trí thức tiểu tư sản lớp trước, thì “Đôi mắt” sẽ không phải là tuyên ngôn nghệ thuật của một thế hệ nhà văn đi theo kháng chiến như Nam Cao, Tô Hoài.

Để hiểu sâu sắc và chính xác về tác phẩm, cần đặt nó trong mối liên hệ với quan điểm sáng tác, tư tưởng và phong cách nghệ thuật của nhà văn.

Khi tìm hiểu một tác phẩm cũng phải đặt nó trong mối liên hệ mật thiết với giai đoạn văn học, trào lưu văn học, thời kì hoặc phương pháp sáng tác.

* Các mối liên hệ bên trong:

Mỗi tác phẩm văn chương thường có hai phần nổi bật: nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật. Nên từ hình thức tìm ra nội dung, tránh diễn xuôi tác phẩm.

3. Học văn theo ý, kết hợp tư duy và tái hiện

Các giám khảo chấm bài thi thường phải so sánh giữa hệ thống ý của bài văn và hệ thống ý mà Bộ GD&ĐT đề ra trong đáp án và biểu điểm chấm thi để cho điểm. Vì vậy, khi học văn, các em cần tránh học vẹt, mà nên học theo ý (theo luận điểm).

Cần nhớ số lượng ý lớn, ý nhỏ trong từng bài, từng đề, rồi mới nhớ nội dung của từng ý, từng luận điểm. Khi làm bài, các em nên diễn đạt lại những ý đó theo cách của mình.

Việc hệ thống kiến thức theo các bảng, theo các nhánh cây, các mô hình, và việc liên hệ giữa văn học với cuộc sống, nhất là cuộc sống của bản thân cũng giúp các em nhớ kiến thức lâu và sâu sắc.

4. Tăng cường chiều sâu tư tưởng và lí luận

Mỗi tác phẩm văn học là cả một hệ thống ý nghĩa sâu sắc, mà chỉ những người có năng lực cảm thụ tinh tế, sắc sảo và vốn văn hóa sâu rộng mới có thể nhận ra.

Chẳng hạn, tùy bút “Người lái đò sông Đà” không chỉ ca ngợi những “vẻ đẹp vàng mười nơi tâm hồn con người vùng Tây Bắc”, mà còn là bài ca về tư thế tự do và niềm tin vào khả năng chiến thắng của Con Người trong cuộc đọ sức muôn thuở với thiên nhiên.

Để bài viết có chiều sâu lí luận, không nhất thiết cứ phải trích dẫn những lời lẽ của các nhà văn, hay nhà lí luận. Chiều sâu lí luận của bài viết còn thể hiện ở sự am hiểu của người viết về các đặc trưng và quy luật của văn học.

Chẳng hạn viết về cách sử dụng chi tiết nghệ thuật của Nam Cao, Thạch Lam, Tô Hoài, mà nêu được ý: Tài năng của một nhà văn lớn bao giờ cũng được làm nên từ những chi tiết nhỏ… thì bài viết đã có chiều sâu lí luận hơn nhiều.

5. Tăng cường tính chính xác và tư duy khoa học

Văn học là một môn khoa học về nghệ thuật ngôn từ. Vì vậy, cần kết hợp vừa tăng cường chất văn vừa tăng cường tính chính xác trong bài văn, nhất là trong việc trích dẫn kiến thức và dẫn chứng. Bên cạnh đó, việc hiểu rõ, nắm vững và sử dụng chính xác các khái niệm, các thuật ngữ văn học cũng giúp tăng cường tính chính xác của bài văn. Các em không nên sử dụng khái niệm, nếu như chưa hiểu rõ về nó.

6. Xây dựng đoạn văn chặt chẽ và chuyển ý khéo léo

Các em nên tự rèn luyện kĩ năng viết 1 ý thành đoạn văn, dưới nhiều hình thức như quy nạp, diễn dịch, tổng - phân - hợp.

Cũng cần xác định mức độ trình bày đối với mỗi ý. Trong bài văn đạt điểm cao, không phải mọi ý đều được trình bày với độ dài ngắn như nhau. Trái lại, ý nào quan trọng, cần viết dài hơn, để triển khai kĩ lưỡng hơn; ý nào phụ, có thể trình bày ngắn gọn, hoặc nêu tóm tắt.

Khi hết một ý, chuyển sang ý khác, cần có câu chuyển ý (chuyển đoạn).

7. Dẫn chứng hợp lý, bình dẫn chứng tinh tế

Bài văn đạt điểm cao không chỉ cần đủ ý mà còn cần có các dẫn chứng được trích dẫn chính xác, tiêu biểu, có chọn lọc, giàu sức thuyết phục, góp phần làm sáng tỏ và nổi bật hơn hệ thống ý của bài văn… Trước khi nêu dẫn chứng, cần có một lời giới thiệu khéo léo về dẫn chứng. Lời dẫn này nên kết hợp với lời bình, với cảm nhận của các em về dẫn chứng, để làm nổi bật ý của bài văn.

Chẳng hạn, có thể giới thiệu dẫn chứng như sau: Khi tiếng sáo gọi bạn yêu “lấp ló” ở “đầu núi” cũng là khi khát vọng tình yêu, hạnh phúc, tự do đã “lấp ló” nơi tâm hồn Mị: “Đầu núi đã lấp ló có tiếng ai thổi sáo rủ bạn đi chơi”. Cũng có thể phân tích và bình giảng sau khi đã trích dẫn chứng, miễn là làm nổi bật được ý văn cần thể hiện.

8. Tuân thủ nghiêm các nguyên tắc

Để đạt điểm cao, bài văn phải được trình bày sáng sủa, sạch đẹp. Cần hết sức tránh việc dập xóa, để tránh cho bài làm không bị xấu và bẩn. Các em cần phải rèn luyện cho mình một cách diễn đạt đúng, nghĩa là nói và viết đúng ngữ pháp.

Các em nên học cách diễn đạt của nhà phê bình Hoài Thanh trong “Thi nhân Việt Nam”. Nói về chất cổ điển của “Tràng giang”, ông viết: “Huy Cận đã khơi lại cái mạch sầu mấy nghìn năm vẫn ngấm ngầm trong cõi đất này”.

9. Phân bố thời gian làm bài hợp lý

Các em cần hết sức lưu ý đến điểm số của từng câu (hoặc từng phần) được ghi trong đề thi, để từ đó, chủ động phân chia thời lượng, giấy mực... cho từng câu một cách hợp lí.

10. Rèn luyện để tăng tốc độ viết

Các em nên luyện tập ngón tay và khuỷu tay, để tránh bị mỏi tay khi viết bài, đồng thời luyện viết thường xuyên để viết nhanh, chữ viết rõ ràng, sạch đẹp hơn. Cần lưu ý rằng, điều kiện đầu tiên để tốc độ viết văn nhanh hơn là các em phải luôn làm chủ kĩ năng và kiến thức, phải chuẩn bị sẵn sàng và đầy đủ kiến thức trong đầu.

Nếu kiên nhẫn rèn luyện, nỗ lực học tập một cách thông minh và có phương pháp, chỉ cần một thời gian ngắn, chắc chắn các em sẽ có bài văn đạt điểm cao trong kì thi tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Lai Hoang Doanh
Lai Hoang Doanh
Trả lời 12 năm trước

Bí quyết ôn thi hiệu quả môn Địa lý

Sử dụng atlas khắc sâu kiến thức

Trong quá trình ôn thi, các em cần chú ý phân tích giải thích các mối quan hệ địa lý, nhất là các mối quan hệ tự nhiên - kinh tế - xã hội.

Quan trọng nhất và không thể thiếu trong quá trình ôn tập môn địa lý là rèn được kỹ năng xử lý thông tin dựa vào atlas địa lý Việt Nam như bản đồ, biểu đồ, số liệu thống kê... để tìm kiến thức, rèn luyện các kỹ năng và phương pháp học tập địa lý.

Sử dụng atlas địa lý Việt Nam và các kỹ năng địa lý gíúp các em giảm được 50% việc học thuộc lòng bài học một cách máy móc không hiệu quả.

Việc sử dụng atlas địa lý Việt Nam thường xuyên không chỉ giúp ghi nhớ, khắc sâu kiến thức mà còn củng cố kỹ năng sử dụng atlas để huy động tốt kiến thức làm bài thi.

Cô Nguyễn Thị Phượng
(tổ trưởng chuyên môn bộ môn địa lý Trường THPT chuyên Tiền Giang)

* Nhiều học sinh cho rằng môn địa lý chỉ cần học thuộc lòng, biết vẽ biểu đồ là có thể dễ dàng kiếm được điểm trung bình?

- Thực tế các câu hỏi thi trong kỳ tốt nghiệp THPT năm 2008-2009 không phải là câu hỏi lớn (mỗi câu là một phần bài học như trước đây), mà mỗi câu là một hệ thống câu hỏi nhỏ liên hoàn có mối quan hệ với nhau và nằm ở nhiều phần khác nhau. Thậm chí có phần thuộc về kiến thức cuộc sống của học sinh. Do vậy, vận dụng kiến thức mới là khâu quan trọng chứ không phải thuộc lòng kiến thức.

Vẽ biểu đồ cũng là một vấn đề cần lưu ý. Một bảng số liệu có nhiều cách vẽ biểu đồ khác nhau. Tùy theo câu hỏi đi kèm theo bảng số liệu, học sinh mới có thể vẽ đúng biểu đồ phù hợp.

Cấu trúc bảng số liệu hiện nay cũng thay đổi theo hướng có thể phân tích nhiều hướng khác nhau nên tùy theo câu hỏi đi kèm, học sinh phải biết rút ra nhận xét và lựa chọn kiến thức giải thích nguyên nhân cho phù hợp.

Cách đặt câu hỏi hiện nay nhìn chung rất đơn giản, mỗi câu đều tạo điều kiện cho học sinh tận dụng tối đa kiến thức, kỹ năng và vốn sống của mình để làm tốt bài thi. Tuy nhiên, nếu học sinh không nắm vững kiến thức rất dễ sa đà vào “mô tả văn học hoặc mô tả thời sự” vừa mất thời gian, vừa tốn công sức mà kết quả vẫn thấp. Mỗi câu chỉ cần mất 0,25 điểm thì việc đạt điểm 5 đối với học sinh trở nên rất khó.

* Vậy phải ôn thi môn địa lý như thế nào để đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi sắp tới?

- Để đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2009-2010, học sinh cần nắm vững các kiến thức trong sách giáo khoa, biết liên hệ các kiến thức để trả lời chính xác yêu cầu các câu hỏi, không trả lời thuộc lòng máy móc để tránh lạc đề.

Kiến thức sách giáo khoa khi trình bày một vấn đề thường lặp đi lặp lại ở nhiều bài khác nhau. Đây là một thuận lợi khi ôn tập vì học sinh mau nắm vững kiến thức của bài, thấy mối quan hệ kiến thức giữa các bài. Nhưng cái khó chính là học sinh dễ trả lời lạc đề khi lấy kiến thức bài này để trả lời câu hỏi đặt ra cho bài khác.

Việc xem lại thường xuyên sách giáo khoa, hướng dẫn ôn tập là cơ sở kiến thức và kỹ năng để học sinh thi tốt nghiệp THPT.

Riêng phần kỹ năng, học sinh cần hiểu cách phân tích các bảng số liệu trong sách giáo khoa, trong hướng dẫn ôn tập của Vụ Giáo dục trung học để có thể làm tốt các câu hỏi kỹ năng.

Lưu ý, các bài tập số liệu trong sách giáo khoa, trong hướng dẫn ôn tập chỉ là các bài tập mẫu để học sinh làm quen, tính đúng, phân tích đúng, giải thích đúng và hình thành cho mình phương pháp phân tích bảng số liệu thống kê, chứ không phải là các bài thi mẫu bắt buộc học sinh phải học thuộc lòng.