Đề phòng những bệnh da mùa mưa thế nào?

Mùa mưa, mang giày ướt, không kịp thay vớ dễ bị nấm. Không khí ẩm ướt còn dễ làm xuất hiện nấm thân, nấm móng. Mùa mưa cũng là thời điểm làm gia tăng các loại nhiễm khuẩn da, kể cả ghẻ. Vậy tôi phải đề phòng thế nào để không mắc phải những bệnh trên?
Con Nan
Con Nan
Trả lời 14 năm trước
Trong điều kiện thời tiết mùa mưa ẩm thấp, ở một số người thường thấy xuất hiện các bệnh ngoài da nguyên nhân do ngâm trong nước bẩn, điều kiện vệ sinh kém tạo điều kiện cho nấm, vi trùng, ký sinh trùng phát triển trên da. "Nấm mọc sau mưa" Trong các loại nấm da thì nấm chân rất thường gặp. Nhất là vào mùa mưa khi một số người mang giày kín nhưng lại đi mắc mưa, không kịp thay vớ thường xuyên sẽ kích thích phát triển nấm. Thường gặp ở nam mang vớ bẩn và ẩm ướt, ít gặp ở phụ nữ . Có 3 thể thường gặp là thể tróc vẩy khô, mụn nước , viêm kẽ thường gặp ở các kẽ ngón, đặc biệt kẽ ngón 4,5. Các thể trên nếu không điều trị có thể bị bội nhiễm vi khuẩn có mụn mủ, bóng mủ, sưng tấy bàn chân, nổi hạch háng và sốt. Còn nấm bẹn thường xuất hiện vào mùa hè khi thường xuyên đổ mồ hôi nhiều hay mặc đồ ẩm ướt sau khi mắc mưa. Bệnh này nam thường bị nhiều hơn nữ. Tình trạng ngứa nhiều hơn khi ẩm ướt, sang thương thường ở nếp gấp hai bên đùi là các đốm tròn, rìa có mụn nước, vùng trung tâm ít mụn nước hơn. Từ một bên bẹn nấm lan sang bên kia lên mông, thắt lưng. Không khí ẩm ướt mùa mưa còn dễ làm xuất hiện nấm thân và nấm móng. Nấm thân là bệnh có thể xuất hiện ở mọi độ tuổi với biểu hiện khác nhau với những sang thương có kích thước, độ nặng và độ sâu khác nhau tùy thuộc vào cơ địa mỗi người và chủng nấm khác nhau. Mảng đỏ giới hạn rõ hình tròn, bầu dục, có mụn nước ở rìa, trung tâm lành. Người bệnh sẽ thấy ngứa nhiều khi ra nắng, ra mồ hôi. Đối với nấm móng, bắt đầu từ 2 cạnh bên móng hay hư từ trung tâm móng trở ra, móng mất bóng, giòn, dày lên và màu bẩn. Trên bề mặt móng lỗ chỗ, nhiều đường rãnh, dưới móng nhiều bột vụn, có hay không có viêm quanh móng, ấn vào có thể mũ chảy ra. Bệnh lan từ móng này sang móng kia, tiến triển trong thời gian dài. Những bệnh nhiễm khuẩn da Mùa mưa cũng là thời điểm làm gia tăng các loại nhiễm khuẩn da. Trong đó, chốc xảy ra do điều kiện vệ sinh kém, ăn uống thiếu chất, lao động dọn dẹp vệ sinh dễ bị tổn thương da tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công. Thương tổn là những mụn nước, bóng nước có quầng viêm đỏ xung quanh, sau đó mụn nước nhanh chóng trở thành mụn mủ rồi bể khô đóng mài vàng mật ong, có thể nằm ở bất cứ vùng da nào. Viêm kẽ lại thường gặp ở những người béo phì, ngâm tay chân lâu trong nước, nhất là nước không sạch, mồ hôi ứ đọng, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Thương tổn là đám da màu đỏ có thể nứt lở, rỉ dịch mủ, với rát bỏng và ngứa ở những vị trí kẽ ngón tay, nếp dưới vú, bẹn, kẽ ngón chân… Vào mùa mưa, nếu điều kiện vệ sinh kém, ghẻ cũng sinh sôi nảy nở và lây truyền rất nhanh. Do tiếp xúc trực tiếp giữa người bị ghẻ với người lành. Căn nguyên do ký sinh trùng có tên sarcoptes scabies xâm nhập vào da. Thương tổn là những mụn nước, rãnh ghẻ, sẩn cục, sẩn mụn nước. Vị trí hay gặp là kẽ các ngón tay, mặt trước cổ tay, quanh rốn, nếp dưới rốn, đầu vú, da đùi, da bộ phận sinh dục, nách. Hiếm khi thấy ghẻ trên mặt. Triệu chứng thường rất ngứa, ngứa nhiều về đêm, xung quanh có nhiều người bị ngứa. Nếu không được phát hiện chữa kịp thời, ghẻ sẽ có biến chứng nhiễm khuẩn thành những mụn mủ chàm hóa rất khó chữa trị và lây lan ra cộng đồng rất nhanh. Những người hay đi mưa, mắc mưa nhưng nếu sau đó không vệ sinh cơ thể khô ráo cũng dễ bị viêm nang lông. Thương tổn là những mụn mủ ở nang lông, thường gặp ở da đầu, mặt, nách, vùng mu, nhưng bất cứ vùng có lông nào cũng có thể bị. Bệnh thường ngứa rất nhiều (nhất là ở da đầu, mặt) và hay tái phát. Tránh để cơ thể ẩm ướt Để phòng tránh những tổn thương trên da vào mùa mưa, nên thay đổi quần áo hằng ngày, tránh mặc đồ ẩm. Lau thật khô sau khi tắm, nếu có thể quạt khô vùng da nách, bẹn. Luôn luôn thay vớ mỗi ngày, nên mang vớ có chất liệu cotton, tránh mang vớ len tổng hợp. Mang giày, quần áo vừa vặn tránh mang quá chặt. Giữ vệ sinh sạch sẽ, tránh chấn thương da. Ăn đầy đủ rau xanh, trái cây đủ sinh tố, tránh ăn chất béo, chất ngọt. Khi mới bị trầy xước, nhiễm trùng, rửa sạch, bôi thuốc sát trùng. Nếu đã mắc bệnh thì không tắm giặt chung, mặc chung quần áo với người bị mắc bệnh. Ủi mặt trái quần áo để tránh tái phát, tránh đi chân không, rắc bột talc vào kẽ chân, tránh dùng corticoid bừa bãi. Diệt nấm ở giày bằng hơi formol. (Theo NLĐ)