Giúp mình lập đề cương chi tiết cho bài văn có chủ đề "thanh niên tình nguyện" hoặc "mùa hè xanh"?

styles
styles
Trả lời 14 năm trước

Cảm nhận về một mùa hè xanh thanh niên tình nguyện 2006

Chiếc xe bon bon chạy chở 36 thành viên của chúng tôi đang rời xa Hà Nội. Nhìn quay lại chỉ thấy những dòng xe cộ tấp nập và ồn ào, tiếng còi xe và những làn khói bụi của cuộc sống đô thành. Với bất kỳ ai trên xe đều cảm thấy mình đang chuẩn bị có một cái gì đó để thay đổi hoặc ít ra cũng là muốn thư thái hơn sau cả một học kỳ dài chỉ toàn sách vở. Trên xe mọi người cười nói vui vẻ, hát những bài hát của thanh niên, kể những câu chuyện cười cho nhau nghe và háo hức mong chờ về một vùng đất mà họ chuẩn bị gắn bó trong vòng nửa tháng.
Tôi thấy mình cũng đang đổi khác, với tôi cuộc sống sinh viên đã hai năm là những năm tháng tràn đầy niềm vui và có cả những kỷ niệm không thể nào quên. Khi còn là một cậu sinh viên năm thứ nhất, tôi cũng hăng hái lên đường tham gia tình nguyện. Nhưng lần này chúng tôi đi xa hơn, và tôi biết rằng cuộc sống của đồng bào dân tộc ở đó đang có rất nhiều khó khăn. Chiếc xe vẫn tiếp tục chuyến hành trình, trước và sau nó còn có chín anh em của nó, đó là chín đội thanh niên tình nguyện của khoa khác, cũng như chúng tôi, đang về tình nguyện với đồng bào vùng sâu vùng xa của tổ quốc.

Khi chiếc xe gầm gừ vượt qua con dốc cao, mọi người lắc lư theo xe cười vang và ai cũng bắt đầu nghĩ rằng con dốc này chắc sẽ gắn bó với cả đoàn trong suốt đợt tình nguyện này. Hình dung về một vùng quê còn đang nhiều khó khăn lại càng làm mọi người thấy rằng: chúng ta về đây có nhiều việc để làm chứ không hề là để đi…du lịch.
Những ngày của cuộc sống nơi đây tôi thấy cảnh vật và con người nơi đây thật dễ mến. Nào những ngày lao động cùng đồng bào, cùng làm nương, làm rẫy, làm cỏ lúa…mồ hôi ướt đẫm những chiếc áo xanh nhưng vẫn cứ đùa nhau nói cười, tiếng cười như xua tan đi sự mệt nhọc và khiến đồng bào càng quý mến hơn. Nào những ngày cùng thanh niên địa phương lao động làm đường, mới thấy nhiều cô cậu ra dáng thật, sống hết mình như chưa bao giờ được sống như vậy. Và khi thấy bất kỳ thành viên nào của đoàn, đồng bào đều gọi với tên gọi thân thương “ đồng chí áo xanh” và dành cho nhiều tình cảm cả về vật chất lẫn tinh thần thật nồng ấm! Cùng khám phá mọi thứ lạ lẫm tại một vùng quê cũng giống như quê mình, tôi lại càng thấy lòng mình thanh thản và nhẹ nhõm hơn. Sau giờ lao động cùng đồng bào, chúng tôi lại rủ nhau đi dạo quanh các thôn, cùng trẻ con nghịch ngợm những trò chơi của chúng, tôi và mọi người bất giác như đang trở về những ngày tháng của tuổi thơ yêu dấu. Buổi tối, chúng tôi lại lên sinh hoạt với đồng bào, thanh niên, thiếu niên nhi đồng. Cùng nhau ca lên những bài hát và cùng nhau ngồi bên đống lửa bập bùng, kể cho nhau nghe những câu chuyện, dường như chả ai còn riêng tư, mỗi thành viên dường như đã lột xác, cái vẻ hàng ngày đã để ở chốn đô thành rồi còn đâu!
Cái nắng chói chang của đất Hòa Bình hay cả những ngày mưa dầm dề, những tấm áo xanh vẫn đi về cùng với đồng bào, và những bữa cơm chưa đi chợ kịp chỉ với cá khô – rau sắn, tôi vẫn thấy mình ăn ngon lành. Phải chăng mình thực sự tìm thấy con người chính của mình. Buổi tuyên truyền sức khỏe sinh sản cho đồng bào lại như là một gala cười truyền hình bởi những câu hỏi hết sức ngô nghê, những màn kịch diễn ra hết sức tự nhiên, thậm chí ngoài tầm dự kiến của “đạo diễn”. Chúng tôi lại ước ao giá như mình có thể ghi lại được giờ phút đó thì hay biết bao.
Rượu Hòa Bình đúng như người ta nói làm say lòng người, nó khiến cho người ta cảm thấy vị nồng đậm của những bình rượu cần, cảm giác nhẹ nhàng mà ngấm lâu của những chai rượu sắn hay rượu nếp. Nhưng rượu ở đây không hề khiến chúng tôi mệt mỏi hay nhức đầu mà đúng như người Hòa Bình nói” uống rượu cho đỡ mệt”! Đó là các bữa liên hoan, tưng bưng rộn rã, cùng nhau uống để không chỉ hiểu về nhau mà còn trao cho nhau những tình cảm bạn bè và cả tình đống chí, tình người ấm áp. Con người ở đây chân thật và chịu khó, cuộc sống tuy nghèo khó nhưng tất cả chẳng có nghĩa lý gì, khi những trái tim đã nhất định rời chốn phồn hoa để lên đường đi theo tiếng gọi của thanh niên, một công việc cần phải có ở những người đoàn viên như thế.
Bao giờ cũng vậy, trong cái chung không thể không có những cái riêng, những cuốn sổ nhật ký lặng lẽ ghi lại những ngày tháng gắn bó với nhau, và thi thoảng là cả tiếng gọi “mẹ” chập chờn ùa về cùng giấc ngủ của cô bé mới đi xa lần đầu tiên trong đời. Không biết trong mơ cô bé mơ gì, nhưng tôi tin rằng cô bé đang có một điều gì đó rất ý nghĩa, để có thể kể cho mẹ nghe sau khi cô đi về. Cuốn sổ nhật ký của đội loằng ngoằng những hình thù mà có lẽ chỉ những người của tổ đó mới đọc được, thi nhau nói xấu nhau, để rồi cuốn sổ đó trở thành kỉ vật vô giá của các thành viên mà họ đã coi nhau như gia đình trong suốt mười năm ngày ấy.
Ban ngày là hoạt động với bà con, là các hoạt động của đoàn đề ra thì buổi tối lại là những đêm trăng sáng, của những tiếng cười rôn rã vang lên tại căn nhà văn hóa và khi đêm đã về khuya, người ta vẫn có thể nghe thấy tiếng nói vọng ra như phá tan cái không khí tĩnh mịch của đêm tối tại vùng quê yên ả này.
Ngày chia tay trong một ngày mưa làm cho ai cũng cảm thấy buồn hơn, bởi đã đến lúc ra về, cảm giác sao trống vắng và quyến luyến hiện rõ trên khuân mặt của đồng bào khi ra đưa tiễn chúng tôi. Những giọt nước mắt nóng hổi khẽ khàng rơi xuống khiến cho tôi cũng “đỏ hoe” từ bao giờ. Tất cả những việc chúng tôi đã làm nơi đây không to tát, không lớn lao nhưng đó là tất cả tấm lòng chân thành nhất của cả ba mươi sáu thành viên trong đoàn với đồng bào nơi đây. Có câu hỏi mà bản thân tôi vẫn còn băn khoăn cho đến khi lên xe, “tại sao trẻ con ở đây bỏ học nhiều đến vậy?” Cuộc sống còn khó khăn nhưng chỉ có con đường học hành mới giúp vùng đất này thoát khỏi nghèo đói…Ngày mai tôi và các bạn sẽ về Hà Nội nhưng sẽ chả thể nào quên những ngày tháng của cuộc sống sinh viên đã có nơi đây.
Chiếc xe lại từ từ lăn bánh, để lại đằng sau nó bao nhiêu bộn bề suy nghĩ của một cậu thanh niên sinh viên tình nguyện vừa tròn hai mươi tuổi. Ôi, mỗi miền quê đều để lại cho ta những dư vị đến khó phai, mỗi vùng đất và con người là những phần không thể thiếu trong ta.
Ôi đất nước bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy
Những mảnh hồn đã hóa núi sông ta.
Chúng tôi đã có một mùa hè xanh xanh thật nhiều niềm vui và bổ ích. Xin cám ơn về tất cả. Mọi người hãy nuôi dưỡng những niềm tin và giữ gìn những cảm giác này cho một mùa hè xanh nữa sang năm.