Thuyết minh : về hoa mai ngày tết (ai làm được xin cảm ơn rất nhiều)

Tôi yêu VN
Tôi yêu VN
Trả lời 15 năm trước
Em có thể tham khảo gợi ý sau nhé Nếu đào là hoa tiêu biểu cho Tết trên đất Bắc thì mai tượng trưng cho những ngày Xuân ở miền Nam. Giàu hay nghèo, mọi gia đình đều có một cành mai trong những ngày Tết, nhiều nhà ngoài cội mai già trước sân, bàn thờ ông bà, còn chưng mai trên bàn thờ Phật, phòng khách và ngay cả trên phần mộ tổ tiên ngoài nghĩa trang. Không rõ trên đất Bắc có mấy loại hoa đào, riêng ở miền Nam có thể phân biệt bốn loại mai, từ khi còn học ở bậc trung học tôi đã được chỉ cho thấy bốn loại hoa này ở Vạn Mai Niên, thành phố Sa Đéc. 1.Mai vàng hay huỳnh mai : Phổ biến nhất, được trồng hay mọc tự nhiên ở rừng còi hoặc rừng thưa. Tên khoa học Ochna integerrina (Lour) Merr (O. Harmandii Lec.), họ Mai cao tới 6 mét, lá dầy, hoa có cuống dài thường trổ vào thời gian Tết, 5-10 cánh vàng mỏng dễ rụng, nhiều tiểu nhuỵ, hoa có thể cho tới 10 trái màu đen hột cứng. Vỏ cây có vị đắng, được dùng làm thuốc khai vị. Có người gọi mai vàng là Lạp Mai theo giả thuyết mai có nguồn gốc từ xứ Chân Lạp. Mai vàng còn có tên là Nam Chi, do thông thường trên một cành mai những hoa ở hướng Nam nở trước. Cũng do điển tích trong các loài điểu thú chỉ có Việt Điểu thích đậu trên cành mai, chim khác không chọn cành mai để đậu : Ngựa Hồ nhớ đất Bắc, nghe hơi gió từ phương Bắc thổi tới thì cất tiếng hí lên ảo não, còn Việt Điểu chỉ đậu cành Nam, câu nầy còn tượng trưng cho lòng ái quốc, cụ Phan Bội Châu dùng làm bút hiệu Phan Sào Nam. 2. Mai Đỏ hay Mai Tứ Quí: Cây nhỏ, thường được trồng làm kiểng do đài đồng trưởng màu đỏ hợp cùng những trái nhỏ nhân cứng màu đen trông đẹp mắt. Tên khoa học Ochna atropurpurea DC.họ Mai. Lá dầy và cứng, bìa có răng, hoa 5 cánh vàng, nhiều tiểu nhuỵ, trổ quanh năm, màu đỏ thường thấy là của lá đài đồng trưởng, không phải là cánh hoa. 3. Mai trắng hay Bạch Mai: Cao tới 25 mét, thân thẳng, vỏ cây có màu hơi đỏ khi bị tróc, thường được trồng. Tên khoa học Ochrocarpus siamensis T. Anders Var. odoratisimus Pierre (?) cùng họ với cây mù u, khác với mai vàng và mai đỏ đẹp do sắc nhưng không hương, hoa bạch mai có 4 cánh trắng nhỏ rất thơm, nhiều tiểu nhuỵ, trái có một hột cứng. 4. Mai Chiếu Thuỷ: Cây nhỏ được trồng làm kiểng do cho lá đẹp và hoa thơm. Tên khoa học Wrightia religiosa (Teisjm & Binn.) Hook., không có họ hàng với ba loài mai kể trên, cùng họ với cây Trước Đào. Lá mỏng hai mặt cùng lợt màu, hoa nhỏ với 5 cánh trắng, cuống hoa dài xụ xuống. Ngoài bốn loại mai vừa kể thường được thấy ở miền Nam và miền Trung, theo sách vở, đất Bắc có một giống mai khác gọi là mai bắc, giống cây đào, cây mận thuộc họ hường, tên khoa học Prunus sp (có người gọi là Cây Mơ hay Hạnh Mai dùng làm ô mai). Mai bắc lại có nhiều loại: Giang mai, thường gặp ở bờ sông; Lãnh mai, mọc trên núi; Giả mai, gặp ở đồng bằng và Cung mai, được trồng ở ngự viên hay cung điện của ông hoàng bà chúa. Trung Hoa có nhiều mai bắc, họ hàng với mai miền Bắc Việt Nam. Những nơi có mai bắc được truyền tụng ở Trung Hoa là: Thượng Mai Sơn và Hạ Mai Sơn thuộc huyện An Hòa tỉnh Hồ Nam, Mai Sơn Trang phía đông huyện Lô Giang tỉnh An Huy và Mai Hoa Lãnh thuộc huyện Giang Tô tỉnh Giang Đô. Thế nào là một cành mai đẹp? Thông thường người mua mai chọn những cành cong queo, có nhánh gọi là mai gầy hơn những cành suôn đuột. Tuy nhiên, một cành mai "đẹp" toàn diện phải hội đủ các yếu tố sau đây: có cành Văn lẫn Võ (nhánh ngang, nhánh đứng) tượng trưng cho sự phối hợp cương nhu, cành Quân lẫn cành Thần (ngắn, dài) biểu hiệu cho nghi lễ, cành Phụ lẫn cành Tử (lớn, nhỏ ) của tình cha con, hoa phải lưỡng phái, nghĩa là có nhụy đực lẫn nhuỵ cái nói lên sự cao quí của nghĩa phu thê. Người biết chơi hoa mai mua những nhánh có hoa còn phong nhụy, ước lượng đến mùng một, mùng hai Tết thì hoa nở rộ, tay mơ mua hoa nở, tới Tết hoa rụng hết chỉ còn trơ trọi cành. Mua về đến nhà, cành mai được đốt gốc trước khi cắm vô bình, có người bỏ thuốc Aspirine trong nước để giữ cho hoa nở đều, lâu tàn, lâu rụng. Mai tứ quí, mai trắng, mai chiếu thuỷ nằm ở khu bán cây kiểng, có năm thấy bán, năm không, ba loại này thường trồng trong chậu sành. Mai trắng giá rất cao do hiếm và được uốn cong, cắt tỉa theo hình điểu thú hoặc nuôi dưỡng theo lối bonsai Nhật Bản, mai tứ quí và mai chiếu thuỷ thường là nguyên dạng. Mai vàng được trồng từng cây một ở miền Tây, nhưng mọc hoang ở rừng thưa, rừng còi ở miền Đông Nam phần và Nam Trung phần: Thủ Đức, Biên Hòa, Long Khánh, La Ngà, Khánh Hòa, Đi,h Quán, Túc Trưng, Phan Thiết... là những nơi có rừng mai. Do thiên nhiên ưu đãi, cách chơi mai của dân miền Đông bảnh hơn người Sài Gòn. Vào trung tuần tháng chạp họ vào rừng, chọn những cành mai tuyệt đẹp, cưa lấy, vác về nhà mà không cần xin phép ai. Đoạn họ lặt hết lá, nhúm lửa thui chỗ vết cắt rồi liệng vô một góc nhà. Hăm ba Tết, sau khi đưa Ông Táo về chầu Ngọc Hoàng, họ lôi những cành mai khô héo, tưởng như đã chết ấy ra, cắm vào bình hoa tráng men màu tím hay màu da cam sản xuất từ lò gốm Biên Hòa, đổ nước vô. Mười năm như một, chỉ vài ngày sau nụ hoa lú ra, lớn dần, rồi hoa nở thật đều vào những ngày ba mươi, mùng một, mùng hai Tết. Tôi có người quen mới cư ngụ ở Bà Rịa khoảng năm năm, ông nầy có một cội mai già thật lớn và mấy chậu mai tuyệt đẹp trước sân nhà, ông cho biết đó là mai rừng bứng về, nếu tự trồng phải mất ít nhất hai chục năm, mà chưa chắc đã dẹp như vậy. Đầu mùa mưa ông vào rừng lựa gốc mai thật đẹp, đào đất 180 độ quanh gốc mai, cắt đứt rễ con lẫn rễ cái, mai sẽ héo vì đứt rễ, nhưng mưa xuống, rễ con ra, mai sống lại, đầu mùa mưa năm thứ hai ông vào rừng đào nốt 180 độ còn lại quanh gốc mai. Sau hai mùa mưa ông bứng cây mai về nhà, cả gốc lẫn ngọn với hoa lá tốt tươi. Nhân nói chuyện mai xin ghi ra đây một câu thơ cổ, những chữ trong câu được dùng làm một bài thất ngôn tứ tuyệt, đọc ngược đọc xuôi đều hay. Câu thơ như sau : " Vị tình lai ký nhất chi mai hữu biệt hoài " Còn bài thơ là : Vị tình lai ký nhất chi mai Ký nhất chi mai hữu biệt hoài Hoài biệt nhất mai chi nhất ký Mai chi nhất ký vị tình lai Bài thơ đã được dịch như sau : Vì tình gởi lại một cành mai Gởi một cành mai có biệt hoài Hoài biệt cành mai xin gởi lại Vì tình xin lại với cành mai Mai Việt Nam trổ hoa vào đầu xuân, bên Trung Hoa, do điều kiện địa dư thay đổi, có loại mai ra hoa vào tiết tháng năm, theo như một đoạn thơ của Lý Bạch cảm hứng lúc ngồi uống rượu với Sử Lang Trung trên lầu Hoàng Hạc. Hoàng hạc lâu trung xuy ngọc địch Giang thành ngũ nguyệt lạc mai hoa (Tiếng sáo thổi trong lầu Hoàng hạc Tháng năm mai rụng chốn Giang thành) Tặng mai, đề thơ là một thú tiêu khiển tao nhã. Ngày đầu xuân, Lục Khải từ Giang Nam gởi một cành mai tặng bạn là Phạm Ngạc ở Trường An có kèm theo bài thơ : Chiết mai phùng dịch sứ Ký dữ lủng đầu nhân Giang Nam vô sở hữu Liêu tặng nhất chi xuân (Bẻ mai gặp trạm sứ Gởi cho người bạn thân Giang Nam không vật lạ Kính tặng một cành xuân) Xin kể thêm ra đây những vần "thơ mai" được ưa chuộng hồi xưa. Sương phủ cành mai năm giục hết Ngày xuân con én lại đưa thoi (Tản Đà- Năm hết hữu cảm) ...Đất nước miền Nam Nước lành đất tốt Nắng thơm mưa ngọt Vàng son thay đổi hai mùa Mùa vàng Tết mùa dân tộc Mùa son mùa Tết học trò * Mùa vàng hoa mai hoa cúc Mùa son hoa phượng hoa vông Hoa cúc hoa mai vàng rỡ Hoa vông hoa phượng đỏ hồng... (Đông Hồ - Vàng son hoa nở hai mùa) ...Mái tranh nhè nhẹ vương tơ khói Nắng đọng cô liêu vẳng tiếng gà Muôn cánh mai vàng muôn cánh bướm Tưng bừng yến tiệc náo làng hoa Mái đầu giữ lại hồn xuân rụng Giọt lệ rơi theo nhịp ngón ngà... (Đông Hồ - Thanh Minh) ...Nụ hồng rải lối liễu tơ phai Vườn cũ rêu lan, cỏ mọc dài Bên gốc mai già, Xuân vắng vẻ Âu sầu thiếu nữ khóc hoa mai (J. Leiba - Mai rụng) ...Đâu rồi dãy phố hoàng mai ấy! Trời ba bữa nắng bốn đêm mưa Đâu dáng thùy dương, thành quách cũ Đâu tà áo lụa đế đô xưa Sóng xô một buổi tan khuê các Khói dậy vài phen nát liễu bồ (Thùy Khanh - Tết Cố Đô Thời Vàng Son) Đời nhà Hồ, Lê Cảnh Tuân đi sứ sang Trung Hoa vào dịp Tết, nhớ quê hương, ông đã làm một bài thơ có đoạn: ...Quy kỳ, hà nhật thị, Lão tận cố hương mai Tạm dịch: Ngày nào về quê cũ Mai già cỗi hết rồi Tương tợ Lê cảnh Tuân, thi nhân Việt Nam hải ngoại cũng nhớ quê hương, cũng làm thơ "mai" để tỏ bày sự nhung nhớ. Tuy nhiên trong hai loại hoa Xuân phổ thông nhất, đào được dùng làm chất liệu trong thơ văn tương đối nhiều hơn mai, có lẽ do người Việt hải ngoại cư ngụ trên những phần đất ôn đới nhiều hoa đào. Nét chung của những bài "thơ mai" ở hải ngoại là bâng khuâng nhớ nước, mênh mang nhớ nhà : ...Chiều âm thầm sương muối Mây phong kín lối về Bước xuân chiều vời vợi Lữ thứ sầu lê thê... * Bao mùa mai nở trắng Trắng lối mòn tâm tư Xuân không về phố lạ Cũng chẳng về ngõ xưa!... (Tuệ Nga - Tìm Xuân ...Sáng mùa xuân chim hót Bâng khuâng mây nhớ nhà Sáng mùa xuân chim hót Trắng vườn đóa mai hoa... (Tuệ Nga - Sáng Mùa Xuân) Ngày Tết, nhiều người thân ở xứ người nhưng hồn gởi về cố hương, nơi có cha, có mẹ, có cành mai nở vàng ...Mẹ ngồi bên bếp lửa Tóc bạc, bánh chưng xanh Cha ngồi bên hương án Mai nở vàng trên cành... (Trần Mộng Tú - Xuân) Người hồi tưởng ngày xuân thời niên thiếu với đầy đủ sắc màu, màu áo mới, sắc mai vàng, câu đối đỏ... ...Em thơ áo mới đi trong ngõ Lũ trẻ đùa vui đốt pháo xuân Hạnh phúc trên từng câu đối đỏ Cành mai vàng nụ nở đầy sân... (Thụy Khanh - Mùa Xuân Sẽ Đẹp) Trong ký ức, hình ảnh sinh động của những ngày gần Tết ở quê nhà như cảnh lặt lá mai, không thể nhạt nhòa: ...Tháng chạp nếp thơm vừa kết gié Khắp cây vú sữa trái căng tròn Em về lặt lá cành mai cỗi Là lúc rau cần điểm lộc non... (Hồ Trường An -Quê Hương) Cành mai trụi lá trong cánh thơ xuân từ quê hương gây thật nhiều cảm xúc: ...Trên cánh thiệp...một cành mai trụi lá Cắm bơ vơ trong một chiếc độc bình Anh đang tưới mồ hồi trên đất lạ Mà xót em một kiếp sống điêu linh... (Lưu Văn Giỏi - Thiệp Xuân Đến Muộn) Và cảnh xuân có mai, thật thanh bình trên quê hương ngày cũ: ...Mùa xuân nào đó trong mây biếc Gió lùa qua cửa, thoảng hương cau Vườn ai thấp thoáng mai vàng nở Bát ngát trời xanh chẳng đổi màu... (Tạ Tỵ - Xuân Hành) Tuyết trắng, mai vàng, hai hình ảnh, hai đoạn đường đời tương phản của một người thơ: ...Tuyết phủ mênh mông trắng mái ngoài Thấy mình ngơ ngác giữa xuân khai! Hỏi đâu một khoảng đời xuân cũ Nắng ấm theo vàng những cánh mai... (Vân Nương - Xuân Khai) Có người thơ nhân cách hoa mai, ví những đóa hoa mai nở rộ ngày xuân như thiếu nữ cười cợt trong sương: ...Mùa mới chan hòa hương thoảng bay Hằng Nga hiu quạnh khóc trong mây Bướm ghen cánh mỏng hoen màu phấn Nức nụ hoa đời đất trổ mai * Nàng xuân cởi áo đua nhan sắc Xoãi bước vân du khắp đó đây Tao nhân cạn chén tranh khoa bút Nàng mai cười rộ tắm sương dầy... (Mặc Huy - Mai Nở) Trong ký ức của thi nhân, có câu chuyện hái hoa tặng nàng, nhưng nàng đã không giữ cành hoa đó và đã cất bước sang ngang: Vói tay ngắt đóa mai vàng Phân vân chẳng biết tặng nàng nên không! Nhớ xưa tặng đóa hoa hồng Tơ vương chúm nụ chút lòng tình si ......... Em xưa không giữ cánh hồng Người xưa nay đã theo chồng sang ngang Quê xa giờ đã Xuân sang Nhẹ tay ngắt cánh hoa vàng gởi em ......... Xuân này sót một gốc mai Vàng hoa cánh rũ, như ai không tình Gửi em cả lá lẫn cành Thay hoa hồng cũ để dành làm duyên Một mai quê hết ưu phiền Vàng mai nở rộ đất thiêng em về... (Song Thi - Mai Vàng) Nhựt Bản có thơ hài cú, ngắn gọn nhưng thường súc tích. Bài thơ dưới đây của một người thơ Việt Nam ở hải ngoại, gồm mười hai tiểu đoạn, mỗi đoạn đều có mai, gợi hình, gợi tình, gợi cảm trong những thời gian, không gian rất đặc thù. Đầu xuân ngâm hài-cú Bắt được trong mười bảy vần thơ Mười bảy đóa hoa mai * Xuân về trên phương Bắc Sao hết nhớ đào lại nhớ mai Kìa! Kìa! Hoa tuyết bay! * Trời giá kinh sợ én Vườn tuyết riêng mai hé nụ cười Xuân lấp ló đâu đây * Bất chấp trời lạnh giá Sương búa, tuyết cưa, gió lắc lư Điềm nhiên mai nở hoa * Có mai nên cốt cách Có tuyết thêm sáng lạn tinh thần Xuân đủ mười phần xuân * Ngắm mai lại nhớ cúc Ngồi dưới khóm trúc mộng bên lan Đường lên đồi quanh quanh * Dương liễu phơi sắc thắm Mai khoe rực rỡ vẻ xuân tươi Yêu hai, đau một đời * Trong mai in sắc tuyết Trong tuyết rơi phấp phới mai bay Yêu một mà tình hai * Ta cùng người tống biệt Chẳng cần đàn tiễn với rượu đưa Nhớ mùa mai nở hoa * Mai rơi trên tuyết trắng Tuyết hóa bùn đen dưới chân người Rơi đâu cũng là rơi * Dù ta múa gậy trúc Nội lực, võ công mức thượng thừa Thua quyền em mai hoa * Gốc mai già vừa hẹn Cúc chưa tàn rụng tình đã xa Chưa hết một kỳ hoa (Hoàng Xuân Thảo - Thập Nhị Mai Hoa) Hình ảnh cô gái xuân hong những sợi tóc thơm mùi bồ kết bên cội mai vàng nở hoa thật êm đềm, thanh thoát: ...Đầu mùa xuân đất trời vui với nắng Nụ mai vàng e ấp nở trong sân Em xõa tóc bay cho nắng thật gần Hong khô nghìn sợi thơm mùi bồ kết Rộn rã làm sao những ngày gần Tết... (Viễn Du - Nắng Xuân phai) Ngày xuân trên quê hương ngày cũ, trong khung cảnh gia đình êm ấm, cành mai là hình ảnh quen thuộc không thể thiếu, ngày nay ở hải ngoại, có xuân nhưng thiếu tất cả: ...Tìm đâu cho được cành mai ấy Chồng bánh chưng xanh, pháo đỏ hiên Đâu cảnh khói hương bay nghi ngút Cả nhà xum họp lễ gia tiên... (Phạm Kim Thư - Tết Tha Hương) ...Còn ai đợi Tết, mong Xuân Lấy ai chúc tụng, ân cần chúc ai Tìm đâu giò thủy, cành mai Đi đâu hái lộc cầu tài đầu năm... (Bách Nam - Tâm Sự Trong Ngày Xuân) ...Hoa cúc cười khoe áo ý vàng Mai gầy duyên dáng tuổi xuân sang Mượt nhung thược dược da xinh quá Gió thở hương thơm những dặm đàng... (Lê Ngọc Hồ - Chợ Hoa Ngày Trước) ...em mặc áo vàng về ngang đường nhỏ sớm mai lộng gió đồi tà tung tăng ....... anh ngỡ hoa vàng bên đường xuân nở... (Nguyên Nghĩa - Bên Đường Xuân) Thi nhân ví von tình trúc mai và tình yêu đôi lứa : ...Xuân xưa cô nhỏ thương anh Trong phong giấy đỏ đựng tình trúc mai Xuân nay cô nhỏ thương ai Mà sao tóc rối bay ngoài song thưa... (Trịnh Y Thư - Xuân Khúc)
Tôi yêu VN
Tôi yêu VN
Trả lời 15 năm trước
Hằng năm cứ vào dịp cuối năm, khi mùa Xuân nơi cuối ngõ và tân niên sắp trở về là mùa hoa mai lại rộ nở. Mỗi lần khi Xuân về ba tôi dẫn tôi ra chợ hosa Saigon, những năm xưa dó chợ hoa ngày Tết chạy dài trên đường Nguyễn Huệ từ khúc đường Lê Lợi thẳng về gần bờ sông Saigon. ... ... Chợ hoa thì gồm đủ loại hoa từ các nơi mang về, hoa mai xem như đóng vai trò chính vào dịp Tết trong mỗi gia đình, rồi cuối cùng ba và tôi mang về ít nhất một nhành mai mà ông cẩn thận chọn. Kỷ niệm và nguồn gốc hoa mai: Ở xứ Mỹ đã lâu mà cái may cho tôi được định cư ngay tại quận Cam có phố Saigon Nhỏ nên mỗi dịp Tết đến, hương Xuân vẫn đong đầy quang phố, ví dụ ta đi từ khu vực chợ ABC đi đọc trên đường Bolsa hướng về góc Brookhurst xong quẹo trái về khu vục chợ Đồng Hương, tâm hồn của người lữ khách từ phương xa sẽ ấm lòng khi chính tay minh lựa chọn một cành mai chiếu thủy hay một chậu mai tứ quí vừa ý. Tôi nhớ ba tôi chỉ chọn nhành mai có nhiều búp thì minh mới chưng lâu trong cả tuần lễ Tết nhất để đón lộc may. Nếu muốn nụ mai sơm nở, chúng ta chỉ cần hơ lửa gốc mai, thế là hôm sau hoa mai nở rộ, lý do ba giải thích khi hơ lửa nóng, nhựa trong thân cây sẽ tăng độ chuyển dịch về ngọn để các búp mai buộc nở hoạ Những lộc lá non trên cành hoa mai cũng đươc người thưởng ngoạn mai như ba tôi chú ý nhiều. Màu xanh lục của lá non có màu lam như ngọc từ trong những búp hình móng gà tỏa rạ Những chùm lá non này đã đượm màu cho những chùm hoa vàng thêm ý nghĩa hơn trong vẻ đẹp. Tôi nhớ có thấy hoa mai 6 cánh tại VN. Loại thông thường là 4 hay 5 cánh không quí bằng, dĩ nhiên trị giá bán không thể so sánh với mai 6 cánh được. Giữa loài hoa mai mà con người cũng định giá bằng những tiêu chuẩn khác nhau khi ta có dịp bàn thảo về các nhà trồng mai hay thưởng ngoạn hoa mai. Ba tôi có người bạn đồng sự rất say sưa với cây kiểng, mỗi khi ông bàn về cây kiểng với ba tôi tôi nghe như ông mang cả triết lý hay quan niệm dịch lý của phương Đông là đưa mai từ vũ trụ quan vào nhân sinh quan của truyền thống tạp tục của dân tộc. Tôi nhớ có lần tôi hỏi ba tôi vì sao tôi mang tên của loài hoa ngày Tết thì ba tôi giải thích ông rất thích hoa mai, những loại mai quí, và rồi tôi hân hạnh với cái tên "Ngọc Mai" mà ba tôi đã đặt cho tôi. Khi tôi viết bài này tôi nhớ lại những ân tình vô giá mà ông đã dành cho tôi. Trở về chuyện Tết nhất đầu năm, chúng ta hãy nhớ lại kỷ niệm xưa nào đó ngó lên bàn thờ gia tiên có lư hương đồng bóng loáng, có mâm ngũ quả, có bánh chưng hay bánh tét, có mâm mứt, có trà mạn sen, có cặp dưa và có nhành mai ngày Tết và hỡi bạn còn nhớ hương thơm của mai khi tỏa hoa cho lộc may đầu năm ? Thật vậy, hoa mai rất thơm. Đặc biệt khi tiết trời đầu năm càng lạnh, khiến cho mai càng tỏa hương thơm ngát. Chính cái khứu giác đó làm cho ta trân quí mai hơn. Tôi tra cứu sách thực vật học về nguồn gốc của hoa mai và được biết như sau: Tên Việt: mai vàng Tên Hoa: hoàng mai Tên Anh: Vietnamese mickey-mouse plant Tên khoa học: Ochna integerrima Họ: Ochnaceae Mai có các loại như mai tứ quý (Ochnaceae serrulata, quế diệp hoàng mai (Ochnaceae kirkii Oliv. Heima), mai chiếu thủy (Wrightia religiosa). Mai và đào chính ra cùng dòng họ, nhưng về sau các nhà thực vật học nghiệm thấy đào (peach) hay mơ (apricot), mận (plum hay prune) và anh đào (cherry) là loại ra quả, nên tách riêng dòng họ mai ra. Mai có nhiều màu như: hoàng mai, hồng mai, và bạch mai. Ở VN người ta gọi hồng mai là hoa đào hay mơ, nở hoa dịp đầu xuân. Miền bắc có nhiều đào và mợ Tại miền nam, chỉ có vùng cao nguyên lâm viên Dà Lạt thích hợp cvho đào và mợ Cây đào hay mơ như đã nói chỉ trồng được ở miền Bắc, là loại hoa đặc biệt của tết Nguyên đán. Nhiều người chuộng chơi hoa đào tết vì hoa đào có màu đỏ sẽ mang lại sự may mắn trong năm. Đào được phân loại có 4 giống: Giống "đào bích" có màu hồng thẫm, sai hoa là một loại đào dùng để cắm chơi trong các ngày tết. "Đào phai" hoa màu hồng nhạt cũng sai hoa và thường được trồng để lấy quả. "Đào bạch" ít hoa hơn, tương đối khó trồng. Các loại đào này đều có hoa kép. Giống "đào thất thốn", cây thấp nhỏ, hoa nhỏ và nhiều màu, màu đỏ thẫm thường được trồng vào chậu uốn thành các dạng thế. Về loại mai vàng tại miền nam có nhiều. Nếu như hoa đào, chi mai là đặc sản của miền bắc vào ngày tết, thì hoa mai vàng lại là đặc sản của miền nam. Mai vàng thuộc họ hoàng mai, là một loại cây rừng. Cây mai vàng cũng rụng lá vào mùa Đông, thân, cành mềm mại hơn cành đào. Hoa mai vàng mọc thành chùm và có cuống dài treo lơ lửng bên cành, ở nách vệt cuống lá và hơi thưa. Hoa màu vàng, có mùi thơm, e ấp và kín đáo. Mai vàng còn có giống sau khi cho hoa còn kết quả màu đỏ nhạt bóng như ngọc, là mai tứ quí và nhị độ mai. Mai trồng để lấy hoa vào dịp tết Nguyên đán được trồng từ hạt hay triết cành. Có thể trồng mai vàng ngoài vườn, vào bồn hay vào chậu đều được. Mai ưa ánh sáng và đất ẩm. Người miền Nam thường chơi hoa mai vàng vào những ngày tết. Còn giống hoa nước gọi là mai chiếu thủy, cây lá nhỏ, hoa nhỏ mọc chùm trắng và thơm, thường trồng vào núi đá non bộ, ra hoa mùa xuân, cây và cành được uốn tỉa lại thành cây thế. * Hoa mai trong văn chương VN: Ngày Xuân là dịp người thi sĩ nâng bút, người họa sĩ vung cọ dể thi họa. Tôi truy lục được một số thơ văn tiêu biểu cho bài viết biên khảo này như sau: 1) Với Quách Tấn: Thi sĩ Quách Tấn vốn yêu hoa mai và ông đã viết về loài hoa này như sau: "Mai là một đề tài rất thông dụng. Thi nhân dùng để tượng trưng cho niềm tiết tháo, cho lòng tinh khiết của mình. Thói đa tình cũng thường biểu lộ trong thợ Chúng ta đã thấy rõ những điểm ấy trong bài thơ Mai chúng ta đã được đọc. Và nhân đọc thơ Mai, chắc các em cũng như tôi không khỏi nghĩ luẩn quẩn: - Mai kết bạn cùng tùng, trúc, luôn làm đại biểu cho giới nam nhi. Liễu luôn đại biểu cho giới phụ nữ. Còn Mai, khi thì đàn ông, khi thì đàn bà. Như thế có phải Mai là Đức Quán Thế Âm Bồ Tát của loài thực vật có sắc, có hương ? - Phi thị, thị phi cần chi phải biện bạch. Xem thơ mà tìm được cái thú do nhận thức, do tưởng tượng, do suy tự.., đó là đạt được mục đích. Bởi đối với chúng ta, xem thơ, nói chuyện thơ, không có mục đích nào khác hơn là hưởng thú, hưởng thú để di dưỡng tính tình, đẻ tăng tiến trên đường học vấn. Nhưng không nên lý luận suông mà sanh chán. Bấy nay đã đem Mai của cổ nhân ra làm quà cho các em, tuy chưa được bao lăm, song các em đã biết qua mùi vị. Bây giờ tôi xin gửi đến các em một ít "cây nhà lá vườn". Xuân Giáp Dần (1974), nhân khóm Mai trong vườn, trong tháng giêng, tháng hai nở lác đác, sang tháng ba mới nở vun cành, tôi cao hứng ngâm được một luật: "Giếng ngọt Giang Nam một khóm già Xuân ngoài sáu chục nhánh trĩu hoa Tình Xuân còn đợi duyên công chúa Hương muộn càng say giấc Tố Nga Mộng ngấm sương khuya hồn đọng ngọc Vần gieo gió sớm bút trao già Hỡi người thức trắng đêm thương nhớ Tiếng địch thành cao vọng bến xa" Tứ tuy không thoát khỏi phạm vi ảnh hưởng của cổ nhân, nhưng tình cảm chân thiết, nên chép ra lòng không mấy ngại ngùng. Gần đây, nhân thấy một người hàng xóm vất nhánh mai hết thời nơi xó nhà bếp, tôi cảm tác được bốn vần: "Trước Tết Mai là hoa Sau tết Mai là củi Trước bao nhiêu nâng niu Sau bấy nhiêu hất hủi Nâng niu Mai chẳng mừng Hất hủi Mai không tủi Nghìn trước ngẫm nghìn sau Khe trong lồng bóng núi." Nhìn qua thì an nhiên tự tại, nhưng chíp chắp vẫn thấy chua chát ngậm làm ngon, làm ngon để giữ lòng được an nhiên tự tại. Tôi nhận thấy người cũng như mình, xưa cũng như nay, nói đến MAI chỉ vì mình mà nói, chớ chưa từng thấy thi nhân nào vịnh Mai vì Mai. Đối với Mai như thế kể cũng phụ phàng quá ! Song Viên Mai lại nói: "Thơ vịnh vật mà không có ký thác thì chẳng khác lời đùa của trẻ em..., thì thơ kia là Mai hay Thi Nhân đâu còn là hai nữa, mà người đọc chúng mình còn phân biệt Ngã, Nhân. Thơ vịnh Mai là thế. Thơ vịnh các vật khác cũng thế.", Quách Tấn. 2) Với Vũ Hoàng Chương: Nhà thơ Vũ Hoàng Chương cũng cho nhiều thơ về hoa Mai như: "Cao sâu từng nhập bóng cây già Cây vẫn thân xưa bóng chẳng nhòa Vườn trải băng sương trăm thức cỏ Xuân còn thúy vũ một cành hoa Lòng nghe nắng ấm say đôi chút Cánh để men hồng nhuốm phớt qua Vang tiếng chim xanh về hót đấy Bồng lai hẳn nhớ kẻ đi xa" (bài "Tết Đề Mai", VHC) "Rồng lên một bóng u hoài Ôi thôi từng khúc ngã dài tâm tư! Chín giao thừa, tám năm dư Cành mai trắng mộng đêm trừ-tịch xuông..." ("Cành Mai Trắng Mộng", VHC) "Ngàn mai lối tuyết đêm đông lạnh Hai gã say sưa lạc nẻo về Đắm giấc mơ tình trên nệm tuyết Quanh người âu yếm lá mai che" hay, "Tuyết tan mai rụng còn đâu nữa Dĩ vãng tìm đâu một chút ghi Chăn gối đêm xưa nơi vực thẳm Điêu tàn mang cả ái ân đi" rồi, "Mai Tuyết là hai nàng bạc mệnh Lấy xuân làm mộ nắng làm tang Nâng niu đưa tới nguồn say đắm Chỉ một đêm đông gió phũ phàng." ("Hận Rừng Mai", VHC) 3) Với Sương Nguyệt Anh: Khi viếng Điện Núi Bà hay Linh Sơn Thánh Mẫu, nơi thắng cảnh thiên nhiên rất hùng vỹ, uy nghi, trước những hàng mai trắng đang trổ hoa mừng xuân, nữ sĩ Thụy Khuê Sương Nguyệt Anh cảm tác hai bài thơ tiêu biểu là "Thưởng Bạch Mai Cảm Đề" và "Linh Sơn Nhất Thụ Mai" như sau: "Non Linh đất phuớc trổ hoa nhân Riêng chiếm vườn hồng một cảnh xuân Tuyết đượm nhành tiên in sắc trắng Sương pha bóng nguyệt ánh màu ngân Mây lành gió lạnh nương hơi chánh Vóc ngọc mình băng hắt khói trần Sắc nước hương trời nên cảm mến Non linh đất phước trổ hoa thần. ("Thưởng Bạch Mai Cảm Đề") Và bài thơ Đường làm bằng hán tự khi xuân vịnh về tại Linh Sơn mà nữ sĩ Thụy Khuê đã cảm tác: "Quỳnh tư ngọc cốt bản thiên chân Tịnh độ cô liêu viên tục trần Noãn nhập ám hương xuân dật từ Hàn xung sơ ảnh nguyệt tà thần Tuyết trung tự khước lưu phong vận Phong ngoại ưng liên đạp tuyết nhân Thừa hứng mạc hiếm sơn thủy viễn Đồng lai dữ tử phú dương xuân". ("Linh Sơn Nhất Thụ Mai") Bài thơ trên được thi sĩ Hi Đạm chuyển ngữ sang Việt ngữ: "Ngọc quỳnh cốt cách trời ban Đất tịnh trơ vơ lánh thế gian Ấm áp hương đầm xuân buổi sớm Lạnh lùng bóng nhạt nguyệt đêm tàn Nghĩ thân ánh tuyết hơi sương đượm Thương kẻ hài sương gót tuyết chan Mến cảnh nước non xa chớ ngại Cùng lên ngâm vịnh tứ xuân tràn." 4) Với Cao Bá Quát: Thơ ông ca ngợi hoa mai như sau: "Thập tái luân giao cầu cố kiếm Nhất sinh đê thứ bái mai hoạ" (Mười năm chu du tìm gươm cổ Cả đời chỉ cúi lạy hoa mai). Cao tiên sinh cúi đầu lạy hoa mai một kiếp đời trân quí hoa mai. 5/ Với Nguyễn Du: Nguyễn Du tiên sinh nhìn bộ đồ trà có cây mai làm đề tài. Nổi tiếng trong đương thời là bộ chén dĩa trà"Mai hạc" có câu thơ nôm trích trong truyện Kiều của Nguyễn Du: "Nghêu ngao vui thú yên hà Mai là bạn cũ, hạc là người quen." Cây mai ở bộ tách uống trà này vẽ cành mai uốn cong rất nhiều hoa nở và một con chim hạc đứng trên bờ đá. Bộ trà mang màu men xanh ngọc và đề câu thơ chữ Hán "Hàn mai xuân tín tảo", tức là cành mai mùa lạnh báo tin xuân sớm về. Thật ra văn hóa ấm trà còn nhiều lắm, tôi đọc tài liệu đâu dó mà nay đã quên. Nói chung trong văn hóa các loại sành sứ có dùng biểu tượng của hoa mai. Tính chất thanh nhã của loài hoa này đã đi vào văn hóa của dân tộc VN. Nghệ thuật hội họa cũng chọn mai làm bao đề tài cho mùa Xuân hay cho ngày Tết. Thơ văn hay hội họa xoay quanh 4 loài kiểng quí, hay nôm na là "tứ quí", mà hoa mai đã dân đầu: Mai, Lan, Cúc, Trúc. Các nhà Nho thường trang trí bộ tranh họa ngày xưa thời nho học thì hoa mai xuất hiện nhiều trong các bộ tranh vẽ qua nhiều kiểu khác nhau như mai bên hoa cúc, mai xen trong cành trúc hay mai lan song cặp,... bên cạnh là những dòng thơ ngắn bằng hán tự trong nét thư họa bay bướm và tất cả nói lên ý nghĩa cao quí của mùa Xuân về với chúng tạ Phải chăng hoa mai đã phô sắc diễm kiều, hoa mai đã đóng góp một sắc thái văn hóa dộc đáo cho dân tộc VN. Sự rực rỡ của màu hoa mai đang nở rộ trong ba ngày Tết thêm lá non nẩy lộc tươi mát mới là điềm thịnh vượng, phát lộc, phát tài và nó còn bao hàm ý nghĩa của sự hạnh phúc hay sung túc cho gia đình hay cho một đoàn thể hay một tổ chức thương mại nào đó nhân dịp đầu năm, khởi sự cho một chu kỳ mới của con người. Người người làm ăn phát đạt sung mãn của năm mới đang đến với xa hội nói chung. Thi ca về hoa Mai còn nhiêu, tôi xin buớc sang lãnh vực âm nhạc. Ngày Xuân mới hay ngày Tết về làm phơi phới thiên nhiên, làm xôn xao không gian qua vai trò của âm nhạc. Âm nhạc về hoa mai: "Bông mai vàng thuở nàng còn trẻ Trên lối đi về lắm kẻ đợi mong Bây giờ tình đã sang sông..." ("Lý Bông Mai" - Kim Tuấn & Trương Quang Tuấn) "Con biết bây giờ mẹ chờ tin con Khi thấy mai vàng nở rộ bên sông..." ("Xuân Này Con Không Về" - Duy Khánh) "Mùa xuân... tung tăng trên phố phường Nhánh mai vàng... khoe sắc đưa hương" ("Bên Nhau Mùa Xuân", Lê Quốc Thắng) "Anh cho em mùa xuân, Nụ hoa vàng mới nở..." ("Anh Cho Em Mùa Xuân", Nguyễn Hiên) Nhạc mừng Xuân mới hay mang âm hưởng vui tân niên có hoa mai còn nhiều lắm. Ta đã đi từ thơ Quách Tấn, Vũ Hoàng Chương, Sương Nguyệt Anh, Cao Bá Quát, Nguyễn Du đến âm nhạc Xuân của Nguyễn Hiền, tất cả đều nói đến nét đẹp của mùa Xuân kèm theo vẻ thanh tao của hoa mai, vì hoa mai đã hòa nhập vào nếp sống của dân gian. Hoa mai mặc nhiên góp phần cho văn hóa xã hội thăng hoa giá trị tâm hồn chúng ta vậy. * Tóm lại, hoa mai góp mặt tại quê hương VN đem lại nếp sinh động trong tâm hồn văn hóa Việt tộc, mai đến rồi đi, rồi trở lại theo chu kỳ của mùa Xuân, của những ngày Tết mới của năm, mai đi từ vũ trụ quan của thiên nhiên đến góp phần vào nhân sinh quan trong hồn dân tộc, mai là biểu tượng đẹp đẽ, hài hoà trong lòng văn hóa Việt. Mai là nguồn vui cho mọi người chúng ta nói chung khi mùa Xuân về. Với riêng tôi, Mai là loài hoa tôi mang tên và bài viết này như là những lời ân tình trân quí nhất của tôi kính gởi đến ba má tôi với lời chúc mừng đầu năm. oOo
Tôi yêu VN
Tôi yêu VN
Trả lời 15 năm trước
Hoa Mai, với miền Nam nước Việt, nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới rất thích hợp môi trường cho hoa Mai đơm bông nẩy lộc mỗi dịp Xuân về Tết đến. Khác với miền Bắc, khí hậu có phần nào lạnh hơn, thích hợp cho hoa Đào khoe sắc. Đào đỏ, mai vàng. Màu đỏ thăm tươi biểu tượng cho sự vui mừng; màu vàng tượng trưng cho sự cao thượng vinh hiển cao sang. Tại nước Việt màu vàng còn tượng trưng cho Vua (thời phong kiến). Màu vàng thuộc hành Thổ trong ngũ hành- Thổ nằm ở vị trí Trung Ương, và màu vàng cũng tượng trưng cho nòi giống Việt. Không ngạc nhiên dân Việt chuộng mai vàng cho ngày đầu năm tại phương Nam. Nói đến hoa Mai sách vở và trong dân gian chia Mai làm mấy loại: Khánh khẩu mai: Mai trồng ở vùng núi Khánh Khẩu (Có lẽ ở bên Tàu) Hà Hoa mai: Cánh mai giống cánh hoa sen ôm tròn vào nhụỵ Đàn Hương mai: Mai vàng màu sậm, nhiều hoa, hương thơm nồng, nở sớm. Ban Khấu mai: Cánh hoa cong cong, không nở xòe như các loại khác. Cẩu Đăng mai: Hoa nhỏ không có hương thơm. Không biết từ lịch sử nào trong dân gian có những phân chia như vậy về Mai. Tuy nhiên, theo sự thông tục bình thường, người chơi mai, mua mai chỉ chú đến 2 loạị Mai Tứ Quý, nở bốn mùa có năm cánh, bông to, và một loại Mai có mười cánh, bông nhỏ hương thơm. Khi chọn mua một cành mai về trưng trong ba ngày Tết, người mua thường để ý các điểm sau đây: - Những cành mai có dáng đẹp, với các hình dáng một gốc “lão mai” gốc to, da sần sùi, mọc rong rêu càng tốt, nhánh khẳng khiu và có thể có những hình thể như: Chân quỳ, Hạc bay, Phụng Hoàng… Ngoài những nét trên, người mua mai còn chú trọng đến sự phân chia các nhánh trên một gốc mai. Nhánh to, nhánh nhỏ, sự sắp xếp các nhánh. Có thể phân chia tên gọi tùy sự phong phú của các tay chơi mai chuyện nghiệp. Nhìn chung có các điểm cần chú ý khí lực một nhành mai: Các cành phân chia thứ lớp, bông rải đều, nhánh to khỏe, nhánh uyển chuyển, nụ bụ bẫm, lá non vừa nhú. Ngoài ra những người chơi mai chuyên môn còn phân biệt thêm nhiều thứ phụ khác nữa mà chỉ có các nhà ấy biết mà thôi. Thí dụ như Nhụy Âm Dương, Cành Tứ Quý. Nhụy âm đương là chỉ đạo vợ chồng phu phụ, cành từ quý chỉ bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông… Đặc biệt là các nhà nho học chơi mai rất công phu. Một cành mai nở không đúng vào dịp Tết, mai vừa nở đã rụng, hoặc các nhánh phân bố không hợp cách là xui xẻo cả năm (Người chơi mai tin như vậy). Nói chung do sự nhân cách hóa mà con người đã đặt vào cây mai khi đem bày trong nhà trong ba ngày Xuân. Phong tục á Đông nói chung, Việt nam nói riêng rất trọng sự tôn ti trật tự, trên dưới trong ngoài thành nề nếp. Và mỗi cuộc chơi đều mang theo nhiều ý nghĩa cao siêu. Từ những nhu cầu như thế cho nên ngoài những cành mai bình thường bày bán trong các chợ tết, những cành mai này cắt từ những cây mai trong vườn, bó lại bằng lá dừa và mang ra chợ bày bán, cốt mua về cho có hương thơm, có màu vàng trên bàn thờ cho tăng thêm không khí tết. Các chủ nhân các gốc lão mai thường bỏ công ra chăm bón những cành mai rất đạt tiêu chuẩn yêu cầu của các bậc danh nho đòi hỏi. Tất nhiên các gốc mai này giá đáng bạc vạn. Trồng mai trên đất vườn phải là thứ đất đen, đất thịt nhưng không giữ nước để tránh úng thủy. Mai trồng trên các luống vồng cao, có khoảng cách vừa đủ đề cây tăng trưởng. Mỗi năm vào rằm tháng 10 Âm Lịch phải ngắt hết lá để dồn nhựa cho các nhánh ra hoa. Tuốt lá không đúng ngày sẽ ảnh hưởng đến ngày hoa nở. Khi cắt nhánh đem ra chợ phải đốt gốc. Cách đốt gốc cũng góp một phần không nhỏ vào việc giữ cho hoa nở bền hơn. Ngoài các loại mai vàng kể trên, tại lục tỉnh còn một loại mai trắng, còn có tên gọi là Nam Mai- Cây Nam Mai chính thực là cây gì? Đó là cây Mù U. “Nhánh mù u con bướm vàng không đậu, vì xa em mà thành điệu nhớ não lòng”. Mù u bông trắng, năm cánh, lá mù u to bản dày kích thước chừng bàn tay người lớn. Thân mu u là thân mộc, mù u có trái tròn không ăn được, hột mù u ép làm dầu thắp đèn, nhiều khói ít sáng. Cứ mỗi dịp Xuân về bất cứ con người Việt Nam nào, nhắc đến cây Mai là nhắc đến ngày tết cổ truyền dân tộc, nhắc đến bành dày bánh chưng, cây nêu tràng pháo, thịt mỡ dưa hành.
Vespa
Vespa
Trả lời 15 năm trước
Người ta từng gọi tên của một quốc gia bằng một loài hoa, dù loài hoa đó không là tài sản riêng của đất nước ấy mà hiện diện ở hầu khắp thế giới. Hoa mai ở Việt Nam thì không như thế, dù cái tầm của mai thì dư sức đạt đến điều đó. Bungari là đất nước hoa hồng, Hà Lan là xứ sở của hoa tuylip, cũng như hoa anh đào được coi là biểu tượng của xứ Phù Tang. Cũng là hoa, là lá, là cỏ cây như bao loài thảo mộc khác, nhưng những loài hoa ấy mang trên mình sứ mệnh của một đất nước, chuyển tải cái hồn của cả dân tộc. Người Nhật từng tôn sùng hoa anh đào là kuni no hana (quốc hoa) cũng với ý nghĩa ấy. Hoa mai ở Việt Nam thì không như thế, dù cái tầm của mai thì dư sức đạt đến điều đó. Ấy là tôi “nghĩ hộ” cho hoa mai vậy, chứ bản thân hoa mai chắc cũng đã hài lòng với các “tước hiệu”: sứ giả của mùa xuân, loài hoa cao quý, kẻ song hành với các nhà thơ... mà bao thế hệ con Rồng, cháu Tiên dành tặng cho mai. Cũng như hoa đào ngoài Bắc, hoa mai đến với dân Việt Nam mỗi năm chỉ một lần vào dịp xuân về, nhưng sức sống của mai trong lòng người thì không chỉ giới hạn trong vài ba ngày Tết mà trở nên trường cửu. Người ta ngóng trông mai suốt cả năm ròng nên khi cái Tết qua đi, hầu như không ai muốn rời bỏ hoa mai ngay lập tức mà còn cố vương vấn, níu kéo mai ở lại với họ thêm đôi ba bữa nữa. Tôi cũng vậy. Có lần, một người bạn ngoài Bắc vô thăm Huế, ghé nhà tôi chơi. Tết đã qua được gần một tháng, song trên bàn làm việc, tôi vẫn còn chưng một cành mai, và hoa thì không còn lấy một nụ. Bạn tôi thắc mắc: “Hoa đã rụng hết sao anh chưa vứt bỏ?”. Tôi cười bảo: “Anh có biết hai câu kết trong bài Cáo tật thị chúng của Mãn Giác thiền sư: 'Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận. Ðình tiền tạc dạ nhất chi mai' không? Vẫn biết là thiền sư có ý dạy rằng “đừng có nghĩ xuân tàn thì hoa rụng hết, bởi đêm qua trước sân vẫn có một nhành mai” để nói về cái vòng chu chuyển tất yếu của thiên nhiên và sinh mệnh. Nhưng sao tôi vẫn nghĩ hơi khác một chút. Ðã tàn xuân mà thiền sư trông thấy mai. Ấy mới là sự lạ. Phải chăng có cành mai nở muộn, hay chỉ là lối ẩn dụ của cách nói “xuân rày tiếp nối xuân kia”. Tôi đồ rằng thiền sư đã nhìn thấy sự trường cửu của mùa xuân nơi một cành mai tàn có thực trước chùa mà nói vậy. Cành mai này hẳn là không có hoa rồi, nhưng sư Mãn Giác đã nhận ra thông điệp của mùa xuân kế tiếp, của thế hệ kế tiếp nơi cành mai ấy mà truyền bảo cho đệ tử. Tôi giữ cành mai tàn trong nhà cũng là mong được nhìn thấy sự trường cửu của mùa xuân trong căn phòng của mình vậy”. Bạn tôi đáp: “Người Huế các anh thi vị cuộc sống quá. Dân Bắc chúng tôi, sau Tết là ném ngay cành đào lên chiếc xe rác chạy ngang trước cửa cho nó rảnh nhà. Hơi đâu mà...”. Anh bỏ lửng câu nói, nhưng tôi đoán anh đang cười thầm suy nghĩ có vẻ lẩn thẩn của tôi. Mà đâu chỉ một mình tôi có lòng với mai. Thử ngẫm mà xem có loài hoa nào được văn chương nước Việt nhắc đến nhiều như hoa mai. Mai đi vào “thơ thiền” của sư Không Lộ thời Lý, có mặt trong “thơ thần” của Nguyễn Trãi thời Lê. Hình ảnh của hoa mai cũng được thi hào Nguyễn Du mượn để tả về nét đẹp quý phái, đoan trang của chị em Thúy Kiều: “Mai cốt cách, tuyết tinh thần. Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười”. Tản Ðà thì dùng hình ảnh “xương mai một nắm hao gầy” để nói lên nỗi niềm của mình trong lời thề non nước. Ngay như Nguyễn Ðình Chiểu, khi đôi mắt của ông không còn nhìn được sắc vàng rực rỡ của mai, thì hình ảnh về loài hoa xuân ông từng yêu quý vẫn được ông ghi lại trong ký ức và được vẽ ra bằng một nét bút tài hoa: “Hữu tình thay ngọn gió đông. Cành mai nở nhụy, lá tòng reo vang”. Và khi muốn nói về cuộc hội ngộ đầy chất thi vị, tao nhã giữa đôi trai tài gái sắc Vân Tiên - Nguyệt Nga, Nguyễn Ðình Chiểu lại mượn hình ảnh của mai để so sánh: “Mai hòa vận điểu, điểu hòa vận mai”. Rồi Thanh Hải, Chế Lan Viên, Lê Văn Thảo ... những văn, thi sĩ thời đánh Mỹ, giữa những đau thương, khốc liệt của chiến tranh vẫn có những vầng thơ, những áng văn đằm thắm, trữ tình viết về hoa mai. Chừng đó thôi cũng nói lên cái địa vị cao quý của hoa mai trong lòng thi nhân Việt Nam. Song theo thiển ý, có hai câu thơ, tương truyền là của Chu Thần Cao Bá Quát, xứng đáng là những ngôn từ đẹp nhất, trân trọng nhất mà người ta có thể viết ra để xưng tụng hoa mai: ”Thập tải luân giao cầu cổ kiếm Nhất sinh đê thủ bái mai hoa”. (Mười năm chu du tìm gươm cổ Cả đời chỉ cúi lạy hoa mai). Hoa mai với riêng tôi cũng đầy ắp những nỗi niềm. Trong bước đường phiêu lãng của mình, tôi có nhiều kỷ niệm với mai. Ðó là những ngày tôi là một sinh viên nghèo, không đủ tiền xuôi Nam ăn Tết cùng gia đình, đành ở lại ký túc xá, kiếm cành mai làm bạn, ngồi uống rượu suông, chờ mùa xuân mang thêm cho mình một tuổi. Ðó là những ngày theo chân bè bạn về quê người ăn Tết, ngắm nhìn vườn mai vàng rực như muốn dát vàng lên đồi cát trắng Phong Thu. Ðó là lúc tôi ngồi ngắm trăng nơi vườn mai nở muộn trong Hoàng Thành Huế, rưng lòng trước cái đẹp mờ ảo của đêm nguyên tiêu, mà ngâm ngợi bài Nguyệt mai - một bài cổ thi có trên chiếc dĩa trà sứ men đồ men lam Huế, tôi đã thuộc nằm lòng từ cái ngày đầu tiên theo nghiệp khảo cứu đồ xưa: “Mai hoa đắc nguyệt cánh thiêm thần Nguyệt lý mai hoa sắc dũ chân Quế điện lung linh hoa lộng ảnh Hoa chi diêu duệ nguyệt xâm nhân Mê ly nguyệt để hoa xâm ngọc Tịch mịch hoa gian nguyệt tuyệt trần Ngã ái mai hoa kiêm ái nguyệt Nhất mai nhất nguyệt lưỡng giai xuân” Cũng vì mai, mà tôi từng liều lĩnh dấn thân vào cuộc bút đàm với các bậc cao minh trong làng cổ ngoạn về gốc gác hai câu thơ: “Nghêu ngao vui thú yên hà. Mai là bạn cũ, hạc là người xưa”. Thơ của ai đây? Của Nguyễn Du như người đời từng gán ghép, hay của Ðịnh Viễn Quận Vương, hoàng tử thứ 6 của vua Gia Long, hoặc của Ðông Các đại học sĩ Ðinh Phiên, người đã phụng mệnh vua Gia Long làm phó sứ cho Cần Chánh đại học sĩ Nguyễn Xuân Tình sang Thanh năm 1819, như một giả thuyết đang gây tranh luận. Song cái kỷ niệm đáng nhớ nhất là khi tôi đứng dưới chân lâu đài Osaka vào ngày 6/3/1998 trong một rừng mai muôn hồng nghìn tía. Hôm ấy, cô Junko Kusaka, một người bạn Nhật, biết tôi thích mai nên rủ tôi đến chân thành Osaka để ngắm hoa. Tôi hào hứng theo chân cô, những tưởng là sẽ được ngắm một rừng mai vàng rực như ở chốn quê nhà sau một cái Tết vắng bóng mai vàng. Tôi hồi hộp bao nhiêu khi thấy hai chữ Mai lâm (Rừng mai) ở lối vào vườn mai, thì càng thất vọng bấy nhiêu khi trước mắt là một rừng đầy mai đỏ và mai trắng mà không một bóng mai vàng. Hóa ra cái tôi thèm muốn, cái tôi nhớ nhung và cái tôi tản mạn nãy giờ là hoàng mai, là mai vàng xứ Huế chứ không phải một thứ mai nào khác. Ừ nhỉ! Họ hàng mai vốn có nhiều loại, nhưng ta chỉ nặng lòng với chỉ mình ngươi. Mai vàng ơi!