Cần tìm người giúp đỡ phân tích tác phẩm rừng xà nu?

Ai có thể giúp em phân tích tác phẩm Rừng xà nu của nhà văn Nguyễn Trung Thành với? Khổ lắm, đau lắm, vất vả lắm em mới hiểu được mấy cái nhân vật trong ấy mà giờ cô giáo em bắt phân tích cả tác phẩm mới đau chứ.

Đỗ Xuân Trường
Đỗ Xuân Trường
Trả lời 9 năm trước

Phân tích tác phẩm “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành. Cây xà nu trong tác phẩm của Nguyễn Trung Thành đã trở thành một biểu tượng của Tây Nguyên, của những con người quyết không chiệu lùi bước, quyết đứng lên để bảo tồn sự sống. Dưới đây là những phân tích hay về tác phẩm này.

Nhà thơ Nguyên Ngọc (Nguyễn Trung Thành) là người có duyên với Tây Nguyên. Cả hai cuộc chống Pháp và chống Mỹ Nguyên Ngọc đã sống gắn bó với mảnh đất hùng vĩ và kiên cường này. Hai tác phẩm chính làm nên sự nghiệp văn học của Nguyên Ngọc là “Đất nước đứng lên”“Rừng xà nu” được coi là một điểm son trong văn học Việt Nam thời chống Mỹ, là bản anh hùng ca về cuộc khởi nghĩa quật cường của đồng bào Tây Nguyên đánh Mỹ. Câu chuyện diễn ra ở làng Xôman, một góc Tây Nguyên hùng vĩ. Ở đó có những rừng xà nu bạt ngàn và người dân strá bất khuất, kiên cường hết lớp này đến lớp khác đang nối nhau cùng đánh Mỹ.

Tác giả đã lựa chọn một loại cây họ thông mọc nhiều ở rừng núi Tây Nguyên gỗ và nhựa đều rất quý, có sức sống mãnh liệt và dẻo dai, rất gần gũi và thân thiết với đời sống của người Tây Nguyên để tượng trưng cho phẩm chất và sức mạnh, cho tinh thần bất khuất của dân làng Xôman nói riêng và các dân tộc Tây Nguyên nói chung. Hình ảnh cây xà nu đã tạo nên những liên tưởng bất ngờ và thú vị trong lòng người đọc. Lấy rừng xà nu làm nền cho câu chuyện, nhà văn đã tạo được một không khí rất Tây Nguyên, bởi giữa cây và người có những nét tương hợp kì lạ. Theo tác giả rừng xà nu là loại cây “hùng vĩ và cao thượng, man dại và trong sạch, vừa thanh nhã vừa rắn rỏi, tưởng như đã sống tự ngàn đời còn sống đến ngàn đời sau”.

“Làng ở trong tầm đại bác…” Truyện của Nguyễn Trung Thành mở đầu là như vậy. Chỉ trong chưa đầy mười chữ mà đã dựng lên được cả một tư thế của sự sống trong sự đối diện cùng cái chết, của cái tồn sinh trong vòng đe dọa của sự hủy diệt bạo tàn, cái mở truyện thật gọn gàng, cô đúc mà vẫn đầy uy nghi, tầm vóc. Vì thế thiên nhiên trong “Rừng xà nu” cũng là một thứ thiên nhiên dưới tầm đại bác. Nó là đối tượng của sự tàn phá và hủy diệt. Nó đau đớn bởi “cả rừng xà nu hàng vạn cây không có cây nào không bị thương”. Nhưng nó hào hùng ngay cả trong đau đớn “những cây bị chặt đứt ngang nửa thân mình”, chúng “đổ ào ào như một trận bão”.

Nhưng đó chưa phải là điều quan trọng nhất. Điều quan trọng nhất ở đây vẫn là làng ở trong tầm đại bác… Và cây xà nu cũng tương tự như thế, có thể có cây có nhiều cây xà nu bị đại bác chặt đứt làm đôi. Nhưng dù có thế rừng xà nu vẫn sinh sôi, vẫn sống như chính sự tồn tại bền bỉ và kiêu hãnh của dân làng Xôman. Có loại xà nu mà đại chỉ có thể để lại trên thân thể cường tráng những vết thương chóng lành ra, tràn trề, thơm ngào ngạt, long lanh nắng hè gay gắt rồi dần dần bầm lại, đen và đặc quện thành từng cục máu lớn. Cũng có cây gục ngã. Song “cạnh một cây mới ngã gục, đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời”. Bản năng tự tồn tại sự thèm khát vươn tới bầu trời và ánh sáng đã khiến rừng cây ấy chiến thắng sự tàn phá của đạn bom “nắng trong rừng rọi từ trên cao xuống từng luồng lớn thẳng tắp, lóng lánh vô số hạt bụi vàng từ nhựa cây bay ra, thơm ngỡ ngàng”.

“Rừng xà nu” đó còn là kiểu ẩn dụ về chính con người, những con người sống dưới tầm đại bác. Và cũng như xà nu thân thể và trái tim họ đầy thương tích. Và cũng có đời người giống như những cây xà nu nào đó bị cái chết chặt đứt ngang giữa đời xuân. Song con người Xôman, con người Tây Nguyên, con người Việt Nam trong những ngày đánh giặc vẫn sống, bền bỉ, kiêu hùng, đầy khao khát trong niềm ham muốn mãnh liệt ánh sáng mặt trời, trong tư thế phóng lên để tiếp lấy nguồn sống trong ánh nắng. Khúc lịch sử Xôman được cụ mết kể trong một đêm dài bên bếp lửa cũng gần giống với rừng xà nu trong đầu tác phẩm. Đó là một chuỗi dài của những đau thương mà tiêu biểu nhất ở đây là cuộc đời của Tnú và Mai.

Tnú và Mai được nhà văn hào phóng đưa lại cho khá nhiều vẻ đẹp của con người lí tưởng. Với Mai đó là sự duyên dáng, linh lợi, giọng nói trong lanh lảnh và con tim thắm thiết, thủy chung. Còn với Tnú đó là sự khỏe mạnh với bộ ngực rộng rãi và hai cánh tay chắc khỏe như lim, là sự bất khuất can trường đã được thử thách qua tra tấn dã man và mấy năm trời tù ngục.

Tnú cường tráng như một thân xà nu lớn chảy trong huyết quản anh là dòng máu anh hùng của xứ sở Tây Nguyên truyền lại từ Đam San, Xinh Nhã. Chứa đầy trong ngực anh là sức mạnh mênh mông và hoang dại của núi rừng. Anh thừa gan góc đến bướng bỉnh, thừa kiêu hãnh đến giàu tự ái. Anh là người không biết đến sợ hãi, không biết đến khuất phục, cho dù sự tàn bạo có hiện hình trong mũi súng, hay lưỡi dao chém ngang dọc trên lưng…Ngay từ nhỏ Tnú đã rất gan dạ, dám đi tiếp tế cho cán bộ, dám đi liên lạc cho cán bộ từ xã lên huyện. “Nó không thích lội chỗ nước êm, cứ lựa chỗ thác mạnh mà bơi ngang, vượt lên mặt nước, cưỡi lên thác băng băng như một con cá kình”. Bởi Tnú hiểu “Qua chỗ nước em thằng Mỹ - Diệm hay phục, chỗ nước mạnh nó không ngờ”. Sức mạnh Tnú còn hun đúc bởi một tình yêu lớn của một người con gái luôn luôn hiền dịu, nhịn nhường. Vậy mà với bằng ấy cái có, Tnú cũng không cứu sống được Mai và đứa con trai của mình khỏi bị kẻ thù sát hại. Vợ anh và đứa con chưa đầy tháng của anh đã chết dưới cây gậy bằng sắt của bọn giặc hung bạo. Cho dù Mai đã hết sức bảo vệ con bằng đức hi sinh tuyệt vời của người mẹ và tất cả sự dẻo dai của người con gái sinh ra ở núi rừng. “Mai thét lên một tiếng. Chị vội tháo tấm địu, vừa lật kịp đứa con ra phiá bụng lúc cây sắt giáng xuống trên lưng …Cây sắt thứ hai đập vào trước ngực Mai, chị lật đứa bé ra sau lưng. Nó lại đánh sau lưng, chị lật đứa bé ra trước ngực…”. Lúc đó, Tnú đứng cạnh một gốc cây vả. Anh đã bứt hàng chục trái mà không hay. Lòng căm thù đã dâng lên trong anh cực độ. Tnú lao vào lũ giặc…Nhưng anh không thể giằng được vợ con ra khỏi bàn tay của lũ ác nhân. Dẫu cho lòng căm thù đã biến “hai con mắt anh bay giờ là hai cục lửa lớn”, và anh đã xông vào chúng như một sức mạnh hùm thiêng. “Anh không biết đã làm gì chỉ thấy thằng lính giặc to béo nằm ngửa ra giữa sân, thằng giặc tháo chạy vào nhà ưng”. Thế nhưng, “Tnú không cứu được mẹ con Mai” Vì sao vậy? Vì Tnú chỉ có tay không giữa quân thù đầy vũ khí. Và khi chỉ có tay không thì Tnú không cứu được chính đời anh. Hình ảnh mười ngón tay Tnú rừng rực cháy lửa xà nu như mười ngọn đuốc không chỉ có ý nghĩa tố cáo tội ác quân thù hay nói lên lòng dũng cảm của người cách mạng mà còn nói lên lên một chân lí sâu sắc và tàn nhẫn khi một Tnú chỉ có tay không ngay thứ nhựa xà nu thân thiết, cái khối chất thơm ngào ngạt và như đọng nắng quê hương kia cũng có thể trở thành ngọn lửa hủy diệt chính những bàn tay vẫn hằng chăm sóc, vun trồng cho nương rẫy.

Tnú không cứu được vợ con … “Nhớ không Tnú, mày cũng không cứu sống được vợ mày. Còn mày thì chúng nó bắt mày, trong tay mày chỉ có hai bàn tay trắng, chúng nó trói mày lại. Còn tau thì lúc đó tau đứng sau gốc cây vả. Tau thấy chúng nó trói mà bằng dây rừng. Tau không nhảy ra cứu mày. Tau cũng chỉ có hai bàn tay không!” Những lời nói ấy của cụ Mết như chứng minh cho một quy luật không thể chiến đấu với quân thù chỉ bằng tay không và lòng căm thù mù quáng. Dân làng đã đi tìm vũ khí và đã quay về với những lưỡi mác và cây rựa được mài bằng đá Ngọc Linh. Lúc đó, lửa xà nu sẽ tắt trên bàn tay Tnú. Lửa xà nu chỉ còn soi xác giặc chết ngổn ngang. Núi rừng Xôman sẽ ào ào rung động. “Tiếng chuông nổi lên…và lửa cáy khắp rừng”… “Nghe rõ chưa các con, rõ chưa. Nhớ lấy ghi lấy. Sau này tau chết rồi, bay còn sống phải nói lại cho con cháu chúng nó cầm súng mình phải cầm giáo…”. Đó là chân lí lớn của cách mạng miền nam phải dùng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng.

Nguyên ngọc đã từng nói đại ý “Rừng xà nu”“Truyện của một đời và được kể trong một đêm”. Nhưng xa hơn, đó cũng là câu chuyện của một thời, một dân tộc, một đất nước mà tiêu biểu ở đây là hình ảnh những thế hệ dân làng Xôman nối tiếp nhau cùng đứngđậy chiến đấu.

Cụ Mết tượng trưng cho lịch sử, cho truyền thống của dân làng Xôman. Cụ là cây xà nu đại thụ giữa rừng xà nu bạt ngàn. Tuy già nhưng ông cụ vẫn quắc thước như xưa “Râu bây giờ đã dài tới ngực và vẫn đen bóng mắt vẫn sáng và xếch ngược, vết sẹo ở má bên phải vẫn láng bóng. Ngựccăng như một cây xà nu lớn”. Ông cụ là linh hồn của làng Xôman. Lịch sử của làng qua lời kể đêm đêm của cụ thắm sâu vào tim óc của các thế hệ. Cụ là chiếc cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, là pho sử sống của làng. Tấm lòng của cụ Mết đối với đảng trước sau như một . Cụ từng nói với dân làng “Cán bộ là Đảng, Đảng còn, núi nước này còn”. Lời cụ đơn giản, rõ ràng như một chân lí. Chính cụ đã lãnh đạo dân làng tự phát vùng lên giết giặc tự cứu lấy mình. Người đọc không thể nào quên hình ảnh hào hùng của người thủ lĩnh già “Cụ mết chống giáo xuông sàn nhà, tiếng nói vang vang thế là bắt đầu rồi. Đốt lửa lên!” Lời nói của cụ đốt cháy lên ngọn lửa căm thù trong lòng mỗi người dân Xôman đối với bọn giặc tàn ác, thôi thúc họ vùng lên cầm vũ khí bảo vệ bản làng, bảo vệ quyền làm người tự do… Ở cụ, yêu ghét rõ ràng, minh bạch. Cụ Mết thương dân làng hết mực sống cuộc đời gắng bó máu thịt với quê hương và con người quê hương.

Sau cụ Mết là Tnú, Mai và cả Dít cô bí thư chi bộ kim chính trị viên xã đội làng Xôman. Ba năm trước ngày Tnú ra đi. Dít “còn là một cô bé không có áo mặc, đêm lạnh không ngủ…”. Vậy mà khi Tnú trở về cô bé ấy đã đảm trách những công việc trọng yếu nhất của làng Xô man. Sự trưởng thành kì lạ của Dít không phải là ngẫu nhiên mà là một quá trình tự rèn luyện qua nhiều thử thách, Lúc còn nhỏ Dít là một đứa bé lanh lợi, rất gan dạ. Lần ấy, Dít bị giặc bắt “Chúng để con bé ở giữa sân, lên đạn tôm xông rồi từ từ bắn từng viên một, không bắn trúng, đạn chỉ sướt qua tai xém tóc, cày đất quanh hai chân nhỏ của Dít. Váy nó rách toạt từng mảng. Nó khóc thét lên nhưng đến viên đạn thứ 10 thì nó chùi nước mắt, từ đó im bặt. Nó đứng lặng giữa bọn lính, cứ mỗi viên đạn nổ, cái thân hình mảnh dẻ của nó lại quật lên một cái nhưng đôi mắt nó thì vẫn nhìn bọn giặc bình thản lạ lùng…”. Không chỉ gan góc, Dít còn là một cô bé gan nghị, chứng kiến cái chết đau thương của chị Mai, Dít lầm lì không nói gì cả, mắt ráo hoảnh trong khi mọi người, cả cụ già điều khóc. Cứ thế Dít lớn lên cùng với cuộc đấu tranh của dan làng Xôman. Trở thành người lãnh đạo cuộc chiến đấu của buông làng. Dít cũng tỏ ra là người có bản lĩnh, có sức thuyết phục quần chúng. Gặp lại Tnú, Dít không khỏi xúc động nhìn anh ấy rất lâu với “đôi mắt mở to bình thản trong suốt”. Âý vậy nhưng chị không quên trách nhiệm của mình khi hỏi “đồng chí về có giấy không?” khi tuyên bố dứt khoát “ không có giấy về thì không được, ủy ban phải bắt thôi”. Rồi sau khi xem kỹ giấy của Tnú chị lại buồn tiếc “ Sao anh về có một đêm thôi?”. Con người Dít là như vậy đó gan góc, cương vị nhưng cũng không kém phần tha thiết yêu thương, đành rằng bề ngoài tưởng như chỉ có lạnh lùng, bình thản…

Tnú, Mai, Dít là thế hệ thanh nên tiêu biểu của làng Xôman. Từ lòng căm thù họ đến với cuộc sống của dân tộc, chính trong cuộc chiến đấu đó họ trưởng thành. Sự trưởng thành của họ có cội nguồn một mặt là do họ tự vượt mình qua những thử thách lớn lao, mặc khác là sự dìu dắt của cách mạng, của cha ông.

Không chỉ có lớp người như Tnú, Lớp sau Tnú như bé Heng cũng lớn lên, lớn lên cùng cuộc chiến đấu ác liệt của làng Xôman. Với nhân vật bé Heng Nguyễn Trung Thành chỉ phát họa bằng vài ba đường nét mêu tả ngoại hình nhưng đủ tạo ấn tượng sâu sắc cho người đọc. Tuổi của bé Heng lẽ ra là tuổi phải đến trường với những trang sách, với những trò chơi vui nhộn. Nhưng đất nước còn giặc bé cũng phải góp sức mình vào cuộc chiến đấu của quê hương. Tuy còn bé, bé Heng đã có dáng vẻ “một người lính thực sự”. Nó đội một chiếc mũ sụp xin được của một anh giải phóng quân nào đó, mặc một chiếc áo bà ba dài phết đít, vẫn đóng khố, súng đeo chéo, vượt qua hố chông trở thành người liên lạc như Tnú ngày xưa. Thật là tự hào và tin tưởng với lớp người như pé Heng. Lớp người ấy đang lớn lên, trưởng thành, xứng đáng với thế hệ cha anh.

Đến cuối truyện, hình ảnh cánh rừng xà nu lại trở về “Những rừng xà nu nối tiếp chạy đến tận chân trời”, với “vô số những cây con đang mọc lên”, bất chấp đại bác đêm qua lại bắn. Ta nghe thấy gì từ cái rồi sẽ được Nguyên Ngọc gọi là “Một vĩ thanh cứ xa mờ dần và bất tận” ấy nếu không phải là sức sống vô hạn và không thể gì tàn phá của một dân tộc thương đau là chiến thắng của tuổi trẻ, là lời hứa hẹn của tương lai. “Rừng xà nu” là câu chuyện của một người nhưng qua đó ta thấy số phận của một dân tộc. Đó là bức tranh hoành tráng, hoành tráng trong hình ảnh với vóc dáng vạm vỡ cao cả của núi rừng của con người và hoành tráng trong âm hưởng với lời văn đầy nhịp điệu, khi vang động, khi tha thiết, trang nghiêm./