Đi xe hơi số tự động có thích hơn ko?

tun cua di
tun cua di
Trả lời 13 năm trước

Vài năm trở lại đây, những loại xe có số tự động lắp ráp ở Việt Nam ngày càng nhiều. Nhiều đời xe có thể đặt số tự động hoặc số tay tuỳ chọn. Nhưng không phải ai cũng "sướng" với số tự động...

Anh Hải, nhân viên văn phòng, người đang lái một chiếc Ford Laser 1.8 số sàn kể trong một cuộc nhậu: "Mình vừa mới học một bài học về hộp số". Mấy người bạn cùng nghe trong quán cà phê tưởng là một kinh nghiệm gì "dọc đường thiên lý", hoá ra chỉ là chuyện "chỉ đạo đường lối", theo cách nói vui của anh.

Anh Hải kể, hôm đó, thứ bảy, anh chở vợ con đi ăn sáng rồi đi chơi lòng vòng như thường lệ. Vợ anh là kế toán trưởng ở một công ty, không biết lái xe. Từ khi mua xe, ở nhà anh là "cán bộ đường lối" duy nhất. Lên xe, tự nhiên vợ hỏi: "Xe số tự động là hao xăng phải không anh?". Anh hơi ngạc nhiên, không biết vợ hỏi để làm gì. Anh giảng giải cho vợ, thật ra thì cũng mỗi người mỗi ý. Về nguyên tắc, giống như đi xe máy, có số nhỏ, số lớn, số có lực kéo mạnh để lên dốc hay đề-pa thì tốc độ không cao và ngược lại. Hộp số gồm một dãy bánh răng để thay đổi cơ cấu truyền lực từ máy sang bánh xe. Số có thể vào bằng tay hoặc tự động. Số tự động lại có loại truyền thống và loại vô cấp.

Vợ anh giải thích: "Sếp bên cơ quan em mới duyệt mua một chiếc Camry 3.0 số tự động. Giờ phải thay đổi định mức xăng khoán cho tài xế. Ví như 100 cây số đường thành phố là bao nhiêu lít, đường trường là bao nhiêu lít. Chẳng biết hao như thế nào mà ông tài xế cứ luôn miệng nói hộp số tự động chạy thì tiện lợi, lái thì sướng nhưng hao lắm". À thì ra là chuyện đó. Anh hồn nhiên nói: "Hết xăng thì đổ ở cây xăng đàng hoàng. Bảo tài xế ghi hoá đơn tài chính đem về nộp, việc gì phải quản lý". Vợ anh lên giọng: "Anh đúng là gà tồ. Cây xăng là nơi dễ ghi hoá đơn nhất. Anh đổ 30 lít, bảo họ ghi 40 lít, có cây xăng nào từ chối không? Làm tài chính mà cứ tin người như anh thì sạt nghiệp".

Hoá ra câu hỏi của vợ anh Hải cũng không chỉ có một đáp số. Mỗi người lái xe đều có cách nói riêng.

Anh Cường, người vừa đổi chiếc Honda Arcord đời những năm 80 sang một chiếc Toyota Previa hào hứng nói: "Sướng quá, bây giờ mình mới biết chạy xe số tự động nó sướng như thế nào. Lái xe số sàn, phải để chân trái thường trực trên côn đạp tới rồi lui liên tục, tay phải luôn luôn túc trực trên "củ số", giờ thì coi như một tay, một chân được giải phóng. Có ông bạn mình đang chạy Lexus bảo xe số tự động là xe paragame vì chỉ cần một tay một chân là chạy được".

Đa số nguồn xe có hộp số tự động là xe nhập nguyên chiếc. Vài năm trở lại đây, những loại xe có số tự động lắp ráp ở Việt Nam ngày càng nhiều. Thậm chí, nhiều đời xe có thể đặt số tự động hoặc số tay tuỳ chọn. Dải lựa chọn nhiều khiến người lái có cơ hội dùng xe số tự động nhiều hơn. Nhưng không phải ai cũng "sướng" với số tự động như anh Cường.

Anh Dũng, một doanh nhân thì than thở: "Số tự động thì sướng thật nhưng hao xăng quá". Thường ngày anh lái chiếc Ford Escape 3.0 chở con đi học rồi đi làm. Phần lớn giờ lăn bánh của xe đúng giờ cao điểm trong thành phố. "Ông tưởng tượng được không, ít có lúc nào xe tôi vượt quá được 20 km/giờ. Xe không qua được số 2. Cứ đề-pa, nhích một chút, chưa kịp tăng tốc lại phải thắng. Hao xăng quá thể", anh Dũng phân trần.

Anh Quang, làm việc cho một công ty hội chợ, đã trải qua nhiều loại xe trước khi sắm một chiếc Mazda Premacy máy 1.8 có số tự động nói: "Nói xe số tự động hao xăng hơn xe số tay là không hoàn toàn chính xác. Phải so sánh xe cùng đời, cùng dung tích, thậm chí tương đương số kilômét đã đi thì mới có thể kết luận được. Tôi thấy chạy xe số tự động thì xăng hao hơn thật nhưng không đáng kể".

Anh Quang giải thích: "Người chạy xe nhà thì cẩn thận, tìm cách vận hành đúng để giữ xe. Một vài tài xế chạy xe chùa thì chẳng quan tâm đến chuyện đó. Đi taxi thì biết, có lắm lúc họ làm biếng sang số, cứ ép ga đến mức xe rung bần bật. Thực tế việc sang số nào người ta không chỉ dựa vào tốc độ, vòng tua, đoạn đường lúc đó đông hay vắng mà cả trạng thái tâm lý lúc đó nữa".

Được hỏi về cảm giác khi chuyển từ xe số sàn dùng tay sang xe số tự động, anh Quang hào hứng: "Thao tác ít hơn thì đỡ mệt mỏi hơn là đương nhiên. Người lái chưa cứng lắm khi đi số sàn hay bị giật thì chuyển sang số tự động sẽ êm hơn. Nhưng tôi thấy có người vẫn khoái số sàn. Mấy bạn trẻ ở công ty tôi bảo thao tác lái xe với số sàn dùng cả hai tay, hai chân trông vẫn đã hơn. Giống như chạy xe máy có tay côn mới ra dáng đàn ông chứ".

Trở lại chuyện của anh Hải, anh bảo: "Vợ tôi quản xe ác lắm. Ngoài chuyện theo dõi nhắc bảo dưỡng đúng định kỳ, mua bảo hiểm đúng ngày còn cả chuyện nhắc nhở trục trặc nữa. Xe đang chạy, nghe tiếng kêu lạ là vợ tôi gặng hỏi tìm cho ra nguyên nhân, yêu cầu đi chỉnh sửa liền". Anh nói thêm, "cô ấy hứa rồi, sắp tới, nếu giá xe xuống thêm chút nữa, cô ấy sẽ duyệt đổi cho tôi chiếc Mondeo 2.5. Lúc ấy lái xe được giải phóng một tay một chân".