Bé không ăn được phô mai và không uống được sữa do dị ứng?

Bé trai nhà tôi gần 7 tháng nặng 7,8 ký, cao 67cm. Cháu uống sữa công thức vào là mẩn đỏ quanh miệng, có hôm cho uống nhiều thì các nốt đỏ xuất hiện khắp người. Tôi đã không cho cháu uống sữa ngoài nữa mà vắt sữa để nhà cho cháu uống. Vừa rồi tôi có cho cháu ăn thử phomai thì các chấm đỏ lại cũng xuất hiện. Cho tôi hỏi, với cân nặng và chiều cao như vậy liệu cháu có bị còi không? Có loại thực phẩm nào thay thế cho sữa không? Không uống được sữa tôi sợ sau này cháu sẽ phát triển thua bạn bè cùng lứa tuổi. Xin chuyên gia cho tôi lời khuyên.

Nguồn: webtretho

Phạm Thùy Linh
Phạm Thùy Linh
Trả lời 13 năm trước

Chào bạn! Bạn nên tìm hiểu rõ xem trẻ bị ứng sữa ntn nha để có cách phòng chống:

Những biểu hiện của tình trạng dị ứng sữa

Những triệu chứng của tình trạng dị ứng sữa bò nói chung thường xuất hiện trong vòng 6 tháng tuổi đầu tiên và sẽ thuộc 1 trong 2 kiểu biểu hiện: Phản ứng dị ứng nhanh hoặc chậm. Trong đó biểu hiện phản ứng dị ứng chậm là thể lâm sàng thường gặp.

- Kiểu biểu hiện phản ứng dị ứng nhanh thường xảy ra đột ngột với các biểu hiện như: ói mửa, thở khò khè, nổi ban đỏ, mặt sưng phù, hay nặng hơn là phản ứng phản vệ toàn thân. Có những trẻ nhạy cảm với sữa đến mức chỉ dùng khăn có dính sữa lau miệng hay uống chung ly của trẻ khác có dính ít sữa còn sót lại cũng gây nên phản ứng dị ứng.

- Biểu hiện phản ứng dị ứng chậm thường nhẹ, không rõ ràng. Những triệu chứng gợi ý tình trạng dị ứng có thể là: trẻ bứt rứt khó chịu, quấy khóc thường xuyên, ói mửa, đau bụng, đi cầu phân lỏng (có thể có ít máu trong phân), chậm tăng cân và tăng trưởng không đạt mức bình thường. Thể lâm sàng này thường khó chẩn đoán vì những biểu hiện triệu chứng trên cũng có thể gặp trong nhiều bệnh lý khác. Hầu hết trẻ em ở thể bệnh này sẽ hết tình trạng bất dung nạp với sữa vào lúc 2 tuổi.

Cần phân biệt những triệu chứng của bất dung nạp Lactose với dị ứng sữa bò. Bất dung nạp Lactose thường có biểu hiện triệu chứng là: chướng bụng, đầy hơi, đau bụng và tiêu chảy do không tiêu hóa được đường Lactose có trong thành phần sữa.

Chẩn đoán bệnh ra sao?

- Nếu những triệu chứng xảy ra rõ ràng, nhất là ở thể phản ứng dị ứng nhanh, việc chẩn đoán thường không khó, nhưng nếu là thể phản ứng dị ứng chậm thì khó hơn vì có thể nhầm với những bệnh lý khác.

- Tình trạng bứt rứt khó chịu và quấy khóc ở trẻ là biểu hiện bình thường, bất kỳ trẻ nào cũng có thể có, nhưng nếu xảy ra quá nhiều thì có thể có một sự bất thường nào đó. Vì không thể chắc được đây là những quấy rối bình thường của trẻ hay là bệnh lý, và có phải do dị ứng sữa bò hay do một tình trạng nào khác hay không? Do đó tốt nhất nên đưa trẻ đi khám bác sĩ để có được chẩn đoán chính xác. Tại phòng khám, để xác định chẩn đoán, các bác sĩ sẽ thăm hỏi kỹ lưỡng về tiền sử dị ứng của gia đình bạn, khám bệnh, đồng thời sẽ làm những xét nghiệm đặc hiệu cho trẻ.

- Xét nghiệm phân có thể giúp xác định nguyên nhân gây ra các triệu chứng. Phân của trẻ bị dị ứng sữa bò thường có lẫn máu. Trong khi đó phân của trẻ bị bất dung nạp Lactose lại có tính acid và chứa thành phần đường không tiêu hóa được.

- Xét nghiệm thử phản ứng dị ứng trên da được thực hiện bằng cách tiêm một ít protein có trong sữa bò vào dưới da để tạo ra phản ứng miễn dịch. Nếu có dị ứng thì sẽ thấy nổi một đốm đỏ, cứng ở chỗ tiêm mà thông thường hay được gọi là nổi mề đay. Tuy nhiên, test này vẫn chưa phải là đặc hiệu hoàn toàn vì có rất nhiều trẻ nhỏ bị dị ứng với sữa bò vẫn cho kết quả âm tính, và nhiều trẻ lớn hơn không bị dị ứng sữa lại cho kết quả dương tính.

Ðiều trị và phòng ngừa

Nguyên tắc điều trị dị ứng sữa bò chủ yếu là tránh tác nhân gây dị ứng và thay đổi lối sống, việc dùng thuốc cần phải có chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ. Vấn đề chăm sóc và phòng bệnh cho trẻ là vô cùng cần thiết.

1. Tránh tác nhân gây dị ứng và thay đổi lối sống:

- Ngưng sử dụng sữa bò cho trẻ. Nếu con bạn bị dị ứng thuộc kiểu phản ứng dị ứng nhanh, cần chuyển sang sử dụng sữa đậu nành vì trong đó cũng khá đầy đủ những thành phần dinh dưỡng cần thiết cho trẻ.

- Nếu đã chuyển sang sử dụng sữa đậu nành nhưng triệu chứng vẫn không hết thì có thể con bạn đồng thời cũng bị dị ứng với thành phần protein có trong sữa đậu nành. Ở thể phản ứng nhanh, chỉ có 8%-15% trẻ nhỏ bị dị ứng với protein của sữa đậu nành, nhưng ở thể phản ứng chậm lại chiếm tỷ lệ khá cao là khoảng 50%.

Lúc này, bạn phải chuyển sang sử dụng những loại thực phẩm có thành phần protein ít gây ra phản ứng dị ứng. Những loại protein này đã được xử lý đặc biệt để hạn chế tối đa việc gây dị ứng, tuy nhiên giá thành của chúng thường đắt gấp ba lần so với sữa bò. Có thể sử dụng một số sản phẩm sau: sữa gạo (rice milk), sữa hạnh nhân, những sản phẩm ghi ngoài nhãn là Non-dairy hay Pareve (sản phẩm không chứa sữa như: kem, chocolate, pho mát, sữa chua)...

- Thời gian sử dụng sản phẩm ít gây kích ứng dị ứng ít nhất phải là 2 tháng, cũng có khi phải kéo dài đến 12 tháng. Sau thời gian này, cần cho trẻ dùng lại sữa bò để xem trẻ có dung nạp được hay chưa? Nếu vẫn còn dị ứng thì lại dùng tiếp sản phẩm thay thế và cứ mỗi 3-6 tháng lại cho trẻ dùng lại sữa bò để kiểm tra vấn đề dung nạp.

- Có thể chuyển sang cho trẻ bú mẹ nếu trẻ còn nhỏ và mẹ còn sữa, tuy nhiên chế độ ăn của mẹ phải được thiết lập bởi một bác sĩ chuyên về dinh dưỡng để có thể đảm bảo đầy đủ các thành phần dinh dưỡng cần thiết. Cần lưu ý rằng các protein có trong sữa bò có thể đi qua sữa mẹ, vì vậy cần phải loại bỏ hết những thực phẩm có chứa sữa trong chế độ ăn của người mẹ.

2. Sử dụng thuốc:

- Các loại thuốc sử dụng khi có dị ứng cần phải theo chỉ định của bác sĩ. Các thuốc thường được dùng trong điều trị là: Cromolyn, Antihistamin, Ketotifen, Corticosteroid và các thuốc ức chế tổng hợp Prostaglandin. Epinephrine được sử dụng trong trường hợp bị phản ứng phản vệ cấp tính.

3. Phòng ngừa:

- Luôn luôn phải kiểm tra thành phần ghi trên nhãn sản phẩm trước khi sử dụng. Ngay cả với những sản phẩm đã dùng quen vẫn phải đọc lại vì nhà sản xuất có thể thay đổi thành phần của sản phẩm.

- Cần báo cho những người chăm sóc con bạn như người trông trẻ, cô giáo, ông bà... về tình trạng dị ứng của trẻ để họ tránh cho trẻ sử dụng sữa hay những sản phẩm có chứa sữa.
- Nếu cần, có thể dán một miếng giấy nhỏ lên những thực phẩm có chứa sữa.

- Phải ghi rõ tiền sử dị ứng của con bạn trong những hồ sơ liên quan.

- Chuẩn bị sẵn một số thuốc chống dị ứng tại nhà để dùng khi cần thiết. Ở một số nước đã có loại Epinephrine được định liều sẵn trong một ống tiêm nhỏ nhằm có thể sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.

- Nếu con bạn bị phản ứng phản vệ cấp cần phải nhanh chóng đưa trẻ đi bệnh viện ngay.