Cách nấu bột cho bé ăn dặm?

Bé nhà mình được 6 tháng tuổi mình muốn nấu bột cho bé mà không biết bé mới tập ăn bột thì mình nấu như thế nào. Xin tư vấn cho mình nhé.

Nguồn: webtretho

tun cua di
tun cua di
Trả lời 13 năm trước

Chào bạn,

Tháng đầu tiên tập ăn dặm bạn nên cho bé ăn bột ngọt. Mua bột bán sẵn tại các siêu thị. Pha theo liều lượng hướng dẫn trên bao bì. Có thể pha cùng sữa bé đang uống. Nguyên tắc là những bữa đầu pha loãng, gần như sữa, sau đó đặc dần. Khi bạn thấy bé đã khá quen với món bột ngọt, bạn bắt đầu chuyển qua bột mặn.

Những thực phẩm thường dùng ban đầu của giai đoạn bột mặn là thịt heo, cá đồng, trứng, đậu hũ. Với thịt bò, lươn, tôm, cua nên cho ăn sau vì dễ gây dị ứng. Bạn có thể chọn các loại rau như mồng tơi, rau đay, bầu, bí, bồ ngót... để nấu cùng. Liều lượng cho 1 chén bột của bé là: 2 muỗng rau (đã xắt nhuyễn), 1 muỗng thịt, 2 muỗng dầu ăn. Rau và thịt nấu chín, nêm nhạt, xay nhuyễn. Quấy bột chín, cho rau thịt đã xay vào trộn đều. Tắt bếp cho dầu ăn vào. Tùy theo sức ăn của bé mà bạn gia giảm nhiều hay ít mỗi bữa.

Chúc bé mau ăn, chóng lớn.

Thân mến.

Nguồn: webtretho

mùa xuân
mùa xuân
Trả lời 13 năm trước

Bột dùng để nấu cháo cho trẻ có thể sử dụng bột gạo xay, các loại bột ăn liền đóng gói sẵn, hoặc là nấu cháo thật nhừ (có thể rây nhuyễn). Chị có thể xay gạo thành bột để nấu cho bé ăn, sau khi vo gạo để làm khô nhanh chi có thể sấy hoặc rang. Nhưng nếu có điều kiện, chị nên mua các loại bột gạo, ngũ cốc đã được đóng gói sẵn (với thương hiệu có uy tính). Bột gạo, ngũ cốc được sản xuất công nghiệp sẽ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đủ dinh dưỡng và chỉ cần pha nước ấm (bột gạo xay cần phải nấu chính) là có thể cho bé ăn.

Một bát cháo phải có đủ 4 nhóm thực phẩm là bột, đạm, vitamin & khoáng chất và chất béo.

- Đạm thì ngoài thịt, cá, tôm, cua, trứng (giai đoạn dưới 1 tuổi chỉ sử dụng lòng đỏ, không sử dụng lòng trắng) còn có thể dùng các loại đậu như đậu hũ, đậu hũ non, đậu nành, đậu xanh…

- Vitamin & khoáng chất thì sử dụng các loại rau củ. Màu càng đậm càng nhiều vitamin (rau dền, mồng tơi, cải ngọt, rau ngót, bó xôi, bí đỏ, cà chua, cà rốt,…). Lưu ý là các loại thực phẩm này không nên nấu lâu, nếu không sẽ mất chất.

- Chất béo thì có thể sử dụng từ dầu ăn, dầu đậu nành, dầu mè, dầu hướng dương,…

Công thức như sau:

- 200ml nước

- 10g đạm (thịt/cá…) (khoảng 2 muỗng càfê) – băm nhuyễn (nếu sử dụng trứng thì ½ lòng đỏ trứng gà hoặc 2 lòng đỏ trứng cút)

- 10g rau/củ (khoảng 2 muỗng càfê) – băm nhuyễn

- 5g dầu ăn (khoảng 1 muỗng càfê)

- ½ muỗng càfê nước mắm (luôn luôn nêm nhạt cho bé)

Cách chế biến

+ Thịt, cá sau khi băm nhuyễn thì tán trong nước nguội trước cho tan đều (không cho thẳng vào nước sôi).

+ Tiếp đến cho bột vào rồi bắc lên bếp, quấy đều tay cho đến khi bột chín.

+ Cho tiếp rau củ, dầu ăn và nước mắm vào, đậy nắp đến lúc sôi trở lại thì tắt bếp. Dầu và nước mắm có thể cho vào ngay sau khi tắt bếp

(Nếu sử dụng trứng thì phải đánh trứng với rau cho tan đều rồi cho vào sau khi bột chín)

Khi bé được chín tháng thì có thể sử dụng gấp đôi lượng thực phẩm (lúc này không cần băm nhuyễn lắm) cũng với 200ml nước để có chén bột đặc hơn. Nếu bé không quen ăn đặc thì có thể làm như sau: Lấy 1 nhúm giá khoảng 20g (1 nắm tay) xay ra cùng với 200ml nước, lược bỏ cái rồi dùng nước này nấu bột như bình thường.

* Nhu cầu dinh dưỡng của trẻ từ 6 – 12 tháng tuổi:

- Năng lượng: 100 Kcal/kg/ngày

- Protein: 2,5 – 3g/kg/ngày

- Lipid: 3 – 4g/kg/ngày

- Glucid: 10 – 12g/kg/ngày

Trẻ ở tuổi này bắt đầu có những thay đổi như mọc răng, bò hay bị các bệnh nhiễm trùng hô hấp, tiêu hóa … nên trẻ có những giai đoạn biếng ăn tâm lý do đó phải kiên trì và biết cách chế biến thức ăn cho hợp khẩu vị của trẻ và tập một thói quen ăn uống tốt.

Tất cả các trẻ phải được ăn dặm trong giai đoạn này bằng các thực phẩm có sẵn tại địa phương.

Ngoài thức ăn là bột đặc hay cháo đặc, có đủ 4 nhóm thức ăn trên, 2 – 3 chén/ngày, kèm thêm 6 – 8 lần bú mẹ hay sữa nhân tạo.

Ngoài ra, trẻ cần được cho ăn thêm trái cây: chuối, đu đủ, … nhưng chú ý không ăn quá nhiều và nên ăn sau khi bú hoặc sau khi ăn bột/cháo.

Cần lưu ý: Khi thay đổi chế độ ăn từ lỏng sang đặc hoặc cho trẻ ăn thức ăn mới, luôn phải tập dần cho trẻ làm quen, số lượng cũng phải tăng dần từ ít đến nhiều.

Chúc bé hay ăn chóng lớn!

Bui Thu Phuong
Bui Thu Phuong
Trả lời 13 năm trước

Trong giai đoạn trẻ từ 4- 6 tháng tuổi, sữa mẹ là phương pháp dinh dưỡng lý tưởng nhất đối với trẻ. Cho trẻ bú mẹ càng nhiều càng tốt. Nếu sữa mẹ đầy đủ và chất lượng tốt thì các bà mẹ nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, tức là chỉ nên cho trẻ ăn dặm khi bước sang tháng thứ 7. Trong trường hợp mẹ ít sữa, trẻ chậm tăng tăng cân có thể tham khảo thực đơn ăn cho trẻ từ 4 – 6 tháng tuổi như sau:

Nước dưa hấu
Nguyên liệu:

Ruột dưa hấu 100g

Đường trắng 10g

Cách làm:


Cho ruột dưa hấu vào bát, dùng thìa dầm nát, lọc lấy nước. Cho thêm chút đường trắng vào, khuấy đều là được.

Nước cam ( quýt) tươi

Nguyên liệu:

Cam (quýt) tươi

Đường trắng, nước ấm vừa đủ.

Cách làm:

Rửa sạch cam, quýt, bổ thành hai nửa, cho vào máy xay sinh tố ép lấy nước, cho thêm chút nước ấm và đường trắng khuấy đều.

Nước cà chua
Nguyên liệu:

Cà chua tươi

Đường trắng và nước ấm vừa đủ.

Cách làm:

Rửa sạch cà chua, chần qua nước sôi rồi bóc vỏ, bỏ hạt, ép lấy nước. Cho đường trắng vào, khuấy đều với nước ấm là được.

Nước rau dền
Nguyên liệu:

Rau dền 100g

Muối tinh một ít

Nước 100ml

Cách làm:

Rửa sạch rau dền, thái vụn.

Đặt nồi lên bếp, đun nước sôi, cho rau dền vào, thêm chút muối tinh, đun khoảng 5- 6 phút, bớt lửa om tiếp 10 phút, lọc bỏ xác rau và nước cặn là được.

Nước rau muống
Nguyên liệu:

Lá rau muống tươi non 100g

Muối tinh một ít.

Nước 100ml

Cách làm:

Rửa sạch rau muống, thái vụn.

Cho nước vào đun sôi, cho rau muống vào, thêm muối tinh đun 5 – 6 phút, tắt lửa, ninh thêm 10 phút, đổ nước ra là có thể uống.

Bột rau củ

Các loại rau củ như rau cải, bí đỏ, bí xanh, cà rốt, rau muống…., chọn khoảng 50 – 100g thật tươi non, rửa sạch, ngâm qua nước muối rồi thái vụn. Cho nửa bát nước to vào nồi đun sôi, bỏ rau củ vào đun lửa to, sôi khoảng 6 -7 phút rồi ngừng, đổ canh và rau vào máy xay nhuyễn rồi lọc bỏ xơ, thêm chút muối hoặc đường là có thể ăn.

Khoai tây, cà chua
Nguyên liệu:

Khoai tây 100g

Cà chua 1 quả

Nước, đường trắng (hoặc muối tinh) vừa đủ.

Cách làm:

Khoai tây rửa thật sạch, loại bỏ những chấm đen (nếu có), cho 120ml nước vào đun cho chín nhừ, rồi nghiền nhuyễn.

Cà chua trần qua nước sôi, sau đó rửa lại bằng nước lọc, bóc vỏ, bỏ hết hạt, thái nhỏ rồi cho vào nồi đun nhỏ trong 2 phút. Xay nhuyễn.

Bí xanh, khoai tây, hoa lơ xanh
Nguyên liệu:

Bí xanh, khoai tây, hoa lơ xanh mỗi thứ 50g

Nước, đường trắng (hoặc muối tinh) vừa đủ.

Cách làm:

Gọt vỏ khoai tây, thái nhỏ, cho vào nồi đun chín nhừ. Sau đó cho bí xanh, hoa lơ xanh vào đun tiếp 10 phút nữa. Vớt ra để nguội rồi xay nhuyễn, lọc qua rây. Thêm sữa hoặc chút đường, muối tinh rồi bón cho bé.

Cà rốt, hoa lơ trắng
Nguyên liệu:

Cà rốt và hoa lơ trắng mỗi thứ 50g

Nước, đường trắng (hoặc muối tinh) vừa đủ.

Cách làm:

Cà rốt gọt vỏ, thái nhỏ, đổ nước sôi vào đun trong 10 phút. Sau đó thêm hoa lơ trắng vào đun tiếp 10 phút nữa. Vớt ra để ráo rồi xay nhuyễn, lọc qua rây, thêm chút đường hoặc muối tinh là có thể dùng được.

Cà rốt - Đậu Hà Lan
Nguyên liệu :

Cà rốt 200g

Đậu Hà Lan 40g

Nước, đường trắng (hoặc muối tinh) vừa đủ.

Cách làm:

Đổ nước sôi vào nồi, cho cà rốt vào đun trong 15 phút. Sau đó thêm đậu Hà Lan và đun tiếp trong 5 phút. Xay nhuyễn thêm chút đường hoặc muối tinh vừa đủ rồi cho bé ăn.

Xúp cà rốt, củ cải, khoai tây
Nguyên liệu:

Cà rốt 40g

Củ cải trắng 40g

Khoai tây 40g

Nước, đường trắng (hoặc muối tinh) vừa đủ

Cách làm:

Cà rốt, củ cải trắng, khoai tây rửa sạch, thái nhỏ. Cho nước vào nồi rồi cho toàn bộ rau vào đun đến khi rau nhừ. Vớt ra xay nhuyễn rồi lọc qua rây, thêm đường hoặc muối tinh vừa đủ là được.