Giúp mình với! Bé nhà mình hiếu động quá!

Bé nhà mình được 5 tuổi rồi, sang năm vào lớp 1 nhưng cháu nghịch lắm, lại được ông bà chiều nên lại càng nghịch, không lúc nào chịu ngồi yên một chỗ trừ khi sốt li bì, chứ tâm 38,5 độ vẫn nghịch như thường, ra lớp các cô giáo cũng kêu nghịch lắm. Nhìn con chơi thì vui nhưng cháu nghịch quá, cũng mệt. Cô giáo khuyên mình nên cho bé đi học đàn để rèn luyện tính cách cho bé, cho bé đỡ nghịch hơn. Mình có tìm hiểu và cũng thấy báo nói vậy nhưng không biết thế nào? Nên cho bé học Organ hay Piano đây? Còn việc tìm trung tâm nữa chứ. Mọi người ai có kinh nghiệm gì chỉ mình với, mình ở Cầu giấy. Cảm ơn mọi người!

Ngô Minh Thảo
Ngô Minh Thảo
Trả lời 13 năm trước

Thực ra mỗi trẻ trong giai đoạn phát triển biểu hiện một tính cách khác nhau. Có bé khá hiếu động và nghịch ngợm như con bạn, nhưng cũng có những bé lầm lì ít nói, ít thể hiện cảm xúc. Trong trường hợp của bé nhà bạn thì đó cũng là một cách biểu hiện tự nhiên của bé mà thôi. Thực ra như mình thấy bé có tính cách sôi nổi, hoạt bát là những bé dể hòa nhập với cuộc sống và những bé đó thường rất dễ bộc lộ tình cảm của mình một cách rõ ràng, và lớn lên bé sẽ là một người sống tình cảm. Bản cũng có thể dựa theo sự biểu lộ tình cảm của bé để biết bé đang cần gì và muốn gì. Còn về việc bạn muốn hạn chế tính hiếu động của bé bằng việc cho bé đi học đàn thì thực tế bạn cần hỏi xem bé có thích thú với việc đó không, ít nhất bạn hãy khơi dậy cho bé niềm yêu thích học đàn, học nhạc chẳng hạn để tránh trường hợp bé không thích mà bị ép buộc thì sẽ có những phản ứng không tốt ở bé.

tun cua di
tun cua di
Trả lời 13 năm trước

Mình đã tham khảo sách báo và quyết định kiên nhẫn để chiến đấu với ông con! Hạn chế tối thiểu thời gian xem tivi, mua rất nhiều đồ chơi xếp hình (hơi tốn kém tý!), loại càng phức tạp càng tốt vì ông con nhà mình rất thích xếp hình, nhưng phải là loại xếp hình có thể phát huy tính sáng tạo chứ loại xếp thành bức tranh nó xếp vài lần là chán (hôm kia bố nó đi công tác về mua cho nó bức tranh xếp hình rõ to, qua vài lần tỉ mẩn thì những lần sau nó chỉ cần cầm một miếng bất kỳ là đặt đúng chỗ luôn, k cần phải mày mò từ góc như bố mẹ, choáng!). Khi nào chán xếp hình thì chuyển sang vẽ, xếp giấy (mua mẫu ở nhà sách cho nó mày mò). Cho tham gia các hoạt động thể thao như bơi, tập đánh bóng bàn...Học bài thì phải kèm không rời một phút, luôn nhẹ nhàng, giải thích củ tỉ mọi thắc mắc của nó, lắm lúc muốn điên và thú thực cũng rất mệt mỏi các mẹ ạ! Điều đáng mừng là sau hơn 2 tuần áp dụng thấy có tiến bộ rõ rệt, bớt hiếu động hơn, học hành tập trung hơn.
Vài điều chia sẻ với các mẹ, mẹ nào có cách j hay thì chia sẻ thêm nhé!

pq
pq
Trả lời 13 năm trước

Bé nhà em cũng vậy, cũng chuẩn bị học lớp 1, và không còn nghi ngờ gì nữa, cháu đã có triệu chứng của tật tăng động giảm tập trung. Em cũng chưa cho cháu đi khám nhưng gần đây áp dụng cách của riêng mình thấy có chút hiệu quả: cương nhiều hơn nhu. Nhưng em đã mất khá nhiều thời gian và đã phải tạm nghỉ mấy tháng hè ở nhà cùng bé.

Về học, em ép bé học với cường độ lớn và giám sát chặt chẽ, giờ giấc đều đặn, thưởng phạt phân minh, không nhượng bộ. Từ chỗ cháu không thể ngồi yên nổi 3 phút để học, giờ đã có thể ngồi liền tù tì 2-3h để học, không xong bài thì không cho nghỉ. Tinh thần tự giác và học độc lập lên đáng kể: có hôm thích đi chơi nên tự giác bật đèn học sớm để xong sớm. :Battin ey:Như vậy, cháu đã quen với cường độ học tập và phát huy được nếp học này. Sau đó, khi đã viết thông, vì chưa hoàn toàn tập trung nên em đặt hạn mức thời gian cho mỗi trang viết, cháu đã buộc phải tập trung hơn, không ngọ nguậy nhiều, giả vờ uống nước hay đi vệ sinh nữa.:cool:


Về thói quen xấu, em đã ngầm quy định, nếu nhảy nhót, nói leo ...khi nhà có khách hoặc ra nơi công cộng, mẹ cảnh báo mà không nghe, thì khi khách về sẽ phải nằm lên giường... ăn roi, còn nếu ngoan sẽ được thưởng (Đi bơi, ăn bánh Hamberger, nghe nhạc hoạt hình được down về chỉ có ở máy tính của mẹ...):cool: Hình phạt sẽ tương tự nếu đi học về sách rách, mất đồ dùng, vở bẩn...bất kể lí do gì.


Nói chung là cách làm của em hơi thép! Bố mẹ nào thép và hơi kỷ luật một chút mới áp dụng được. Em cũng đã tìm mọi cách rồi mà không được, đã có lúc bố phải đỏ mắt vì con nghịch quá cô dạy thêm không cho học nữa (cách đây 5 tháng: học hành nguệch ngoạc, phá lớp,...cô còn kết luận là cháu không thể học được)! :Sad: Giờ, sau 4 tháng mẹ ở nhà kèm, đã đọc được truyện, làm toán tốt trong vòng 100, biết theo kỷ luật (đôi khi vẫn quên nhưng luôn tự nhắc nhở phải nhớ). Bắt đầu đi học, cô giáo mặc dù vẫn hơi kêu nghịch,nhưng cô cũng khen nhiều (học tốt,nhanh trí), trộm vía, thật mừng quá!

lu mo
lu mo
Trả lời 13 năm trước

Con mình cũng giống bạn này, năm nay cũng đi lớp 1. Nghịch nhưng nhát lắm, học cũng nghênh ngang, viết được vài chữ thì nào đi uống nước, nào đi vệ sinh. Mình thấy cô giáo của con mình khuyên là nếu chúng nó hiếu động quá thì nên cho con học vẽ hoặc học đàn để trầm bớt đi. Cô cũng cho mình địa chỉ học vẽ tốt nhưng bận quá vẫn chưa đến hỏi được. Chắc cũng phải cho cậu ấy học cái gì đó cho bớt nghịch đi. Bạn đưa cháu đi học ở các trung tâm hoặc nhà văn hóa nhé.

roi biet
roi biet
Trả lời 13 năm trước

Đừng lo ngại nếu con bạn có những biểu hiện quá hưng phấn, như vận động thường xuyên và không có mục đích, túm lấy và ném các đồ vật, đu đưa chân, vung vẩy tay... Không phải bé có trí tuệ kém hơn so với bạn bè, mà chỉ kém tập trung hơn và nhanh nhẹn hơn. Đó là sự quá hiếu động.

Làm thế nào để xác định con bạn là đứa trẻ quá hiếu động, hay chỉ đơn giản nó là đứa bé sống động và hoạt bát? Bởi vì không hiếm khi trái tim thiên vị của người mẹ có cảm giác như vậy. Trẻ hiếu động có một số biểu hiện sau: dễ hưng phấn, tích cực vận động, có xu hướng thay đổi đột ngột tâm trạng và biểu hiện cảm xúc thái quá, không tập trung, rối loạn phối hợp vận động, khó khăn trong học tập.

Những triệu chứng này thể hiện trong tình trạng hưng phấn, còn khi bình tĩnh trở lại, trẻ có thể cư xử hoàn toàn bình thường. Nhưng đó là những giây phút hiếm hoi. Trong toàn bộ thời gian còn lại, đứa trẻ vận động thường xuyên và không có mục đích. Đôi khi bé nói luyên thuyên không nghỉ, mà nội dung các câu nói gây lo ngại do có quá nhiều tưởng tượng và quá ít logic.

Trong đầu trẻ thường xuyên xuất hiện những ý tưởng nào đó, thường là những ý tưởng khó tin nhất. Nhưng hành động của nó lại vượt trước ý nghĩ và đứa trẻ lao vào làm một cái gì đó mà không suy tính hết. Từ đó nảy sinh các hành động "côn đồ" làm cha mẹ và thày cô không chịu nổi. Ngoài ra, trẻ rất hay đánh nhau, bởi chúng thường nói những điều không được suy nghĩ cẩn thận, xúc phạm đến bạn cùng trang lứa - đứa trẻ nói trước, sau mới suy nghĩ. Nguyên nhân gây lộn cũng có thể khác, chẳng hạn những bé quá năng động này cố tiến tới vai trò thủ lĩnh, nhưng ý tưởng của chúng không thu hút và không nhận được sự ủng hộ của bạn bè. Bởi vậy theo thời gian, trẻ sẽ chỉ còn lại một mình vì không ai muốn kết bạn với nó.

Sự học tập kém cỏi của trẻ quá hiếu động không phải vì khả năng trí tuệ thấp, mà vì chúng khó tập trung sự chú ý vào một môn học nào đó. Những lỗi trong bài tập không phải do không hiểu mà do sự không chú ý. Học sinh quá hiếu động khó tổ chức bản thân bởi vậy chúng luôn luôn không kịp làm một cái gì đó và bị xao lãng. Còn thầy cô lại tưởng rằng nó cố ý không nghe giảng.

Các nhà tâm lý cho rằng những em bé như vậy dường như bơi theo dòng nước. Điều đó có nghĩa là ý nghĩ của chúng lộn xộn, tự đến và đi theo hoàn cảnh bên ngoài. Ví dụ, chúng nhìn thấy con chó ngoài sân và xao lãng bài chính tả. Do sự "thiếu kỷ luật" trong tư duy và phát ngôn nên vốn từ của những trẻ này nghèo nàn. Chúng gặp khó khăn hơn trong việc định nghĩa chính xác các đồ vật và hiện tượng, đặc biệt chật vật với tư duy trừu tượng, như không gian và thời gian. Nếu cha mẹ không chú ý đến điều đó có thể xảy ra sự suy giảm thứ cấp trong phát triển trí tuệ. Đáng tiếc là điều đó xảy ra khi ban đầu chỉ số thông minh của em không hề thấp hơn bạn bè cùng lứa.

Chữa trị thế nào?

Hội chứng quá hiếu động đòi hỏi sự chữa trị tổng hợp, thêm vào đó đa số trường hợp thuốc không chiếm vai trò chủ đạo. Cần bắt đầu từ việc vạch ra cách quan hệ đúng đắn của cha mẹ và thày cô đối với trẻ, sao cho trẻ có cảm giác ấm cúng trong tâm hồn. Không bao giờ được làm cho trẻ trở thành người bị xua đuổi khỏi tập thể - vì điều đó có khả năng "kết liễu hoàn toàn" nó, gây ra trong lòng trẻ hàng loạt mặc cảm và nỗi tức giận, làm cho vấn đề nghiêm trọng hơn, và trong trường hợp cuối cùng càng làm phát triển tính hung hăng và giận dữ.

Cần tạo cho trẻ một không khí yên tĩnh trong nhà. Trong phòng của bé không ai cao giọng, không bật tivi và không có ai quấy rầy. Cần thu dọn hết những gì làm nó xao lãng, như đồ chơi, chiếc xe đạp yêu thích... Khi đến giờ bé cần đi ngủ, tất cả nên đi ra khỏi phòng, tắt đèn và giữ yên lặng. Trong phòng của trẻ không nên có những màu sắc sặc sỡ - tốt hơn nên chọn màu trang nhã cho tường và đồ gỗ. Đồ chơi nên chọn loại "không hung hăng".

Cố gắng để con bạn có một thời gian biểu trong ngày nghiêm ngặt, trong đó thời gian cho dạo chơi và những trò chơi yên bình phải nhiều hơn, thời gian xem tivi ít hơn. Không nên cho trẻ chơi các trò trên máy vi tính.

Nên ra ngoài trời và có nhiều hoạt động thể lực hơn. Sẽ là lý tưởng nếu tất cả thời gian rỗi đứa trẻ ở ngoài thiên nhiên. Nhưng những trò chơi gây nhiều cảm xúc như bóng đá, tennis không hòa toàn cần thiết. Nên chọn những hoạt động thể lực đều đặn như bơi, chạy bộ. Cố gắng để trẻ chơi đến mức buổi tối nó thiếp đi nhanh chóng do mệt. Tất nhiên điều đó dễ đạt được hơn với những trẻ chưa đến tuổi đi học. Nếu có khả năng chọn trường, hãy chọn lớp có không hơn 15 học sinh. Sẽ rất tốt nếu mỗi học sinh được ngồi riêng một bàn.