Đánh giá chi tiết Dell XPS 15 ?

thuy linh
thuy linh
Trả lời 13 năm trước


Cũng như các nhà sản xuất khác, Dell cũng tiến hành nâng cấp các dòng laptop của mình lên nền tảng Sandy Bridge, XPS 15 cũng không phải là ngoại lệ. Mặc dù doanh số của các dòng laptop Sandy Bridge nói chung là không cao như mong đợi nhưng điều này hoàn toàn không liên quan gì đến chất lượng của các dòng laptop này. Mà thực ra, các dòng laptop Sandy Bridge rất đáng mua khi số tiền phải bỏ thêm là không nhiều so với các laptop thế hệ trước đây.

XPS 15 sử dụng Sandy Bridge cũng giống vậy, được nâng cấp lên với nhiều ưu điểm rất đáng chú ý. Và chúng ta sẽ cùng đi vào chi tiết để có một đánh giá tốt hơn.

Cấu hình chi tiết chiếc Dell XPS 15 được thử nghiệm như sau:

  • Intel Core i7-2630QM (4×2.00GHz 6MB L2)
  • Chipset HM67
  • 6GB DDR3 bus 1333MHz
  • HDD 640GB 7200rpm
  • LCD 15.6-inch, độ phân giải 1920 x 1080
  • NVIDIA GeForce GT 525M 1GB DDR3
  • Pin 6-cell 56Whr
  • Wi-Fi b/g/n
  • DVD+/-RW
  • Hệ điều hành Windows 7 Home Premium 64-bit
  • Giá tham khảo (tại thời điểm viết bài): 27.950.000 đồng

So với dòng Dell XPS 15 được phát hành cuối năm ngoái sử dụng các bộ xử lý Clarksfield thì dòng XPS 15 với bộ xử lý Sandy Bridge này không có khác biệt lớn nào về thiết bên ngoài, vẫn là phong cách bề mặt bạc và viền đen quen thuộc. Phụ kiện đi kèm Dell XPS 15 khá đơn giản chỉ gồm vài quyển sách hướng dẫn, đĩa driver và một sạc. Tất cả đều chỉ gồm 2 màu trắng và đen, phù hợp với màu của máy.

Nhìn sơ qua thì rất khó phân biệt XPS 15 với những người anh em là XPS 14 và XPS 17 vì phong cách rất giống nhau. Chất liệu mặt trên máy được làm bằng nhôm màu bạc có độ nhám không cao lắm và phần rìa ngoài là nhựa giả nhôm cùng màu.

Mặt dưới của máy vẫn được dùng nhựa màu bạc để hài hòa với mặt trên của máy. Nổi bật chính là loa Subwoofer và phần pin 6-cell màu đen. Phần nắp ở mặt sau có thể mở ra khi có nhu cầu thay bộ nhớ RAM hoặc ổ cứng của máy. Một điểm có tính thẩm mỹ cao đó là các con ốc phần mặt sau đều có cùng màu với phần xung quanh. 4 chân kê được phân bố ở 4 góc để tạo khoảng cách giữa mặt dưới với mặt bàn, tuy nhiên theo ý kiến cá nhân thì 4 chân này nên cao thêm khoảng 1 hoặc 2 mm để tạo hiệu quả cao hơn về tản nhiệt và loa Subwoofer.

Chất liệu nhựa và nhôm cả mặt trong và mặt ngoài máy đều rất ít để lại dấu vân tay. Bẩn thì đôi khi nhưng rất dễ chùi sạch bằng khăn mềm.

Bên phải của máy là ổ quang, các cổng âm thanh và một cổng USB 2.0 kiêm eSATA. Mặt sau góc phải lần lượt là cổng DisplayPort, HDMI và Gigabit Ethernet. Vị trí đặt 3 cổng này rất phù hợp với chức năng của chúng vì khi đó người dùng sẽ không bị vướng các dây kết nối. Phía trên góc này là biểu tượng XPS có khả năng phát sáng khi máy hoạt động. Điểm đặc biệt của cổng USB 2.0 này là hỗ trợ công nghệ Sleep and Charge do đó bạn có thể sạc cho các thiết bị di động qua cổng USB này ngay cả khi máy đang ở chế độ Sleep.

Về phía bên trái của máy là khe tản nhiệt, 2 cổng USB 3.0 màu xanh, khe khóa máy và cổng cắm sạc. Ở mặt trên là 2 đèn báo sạc và ổ cứng. Khe thẻ nhớ được dời vào ngay đối diện người dùng rất thuận tiện khi gắn và tháo thẻ nhớ. Các loại thẻ nhớ được hỗ trợ là SD/MMC/MS Pro …

Kích thước của XPS 15 là 38 x 26.4 x 3.8 cm và khối lượng là 2.83 kg (bao gồm cả pin 6-cell). Độ dày của máy không thay đổi suốt chiều dọc. Nhìn chung thì XPS 15 khá lớn và nặng nên không phù hợp để mang vác đi nhiều nơi hoặc để lên đùi khi sử dụng. Chất lượng build của XPS 15 khá chắc chắn, không có thành phần nào ọp ẹp và nói chung được Dell chú trọng khá kỹ vào ngay cả các chi tiết nhỏ.

Bàn phím và touchpad

Bàn phím của Dell XPS 15 giờ đây đã là chiclet thật chứ không còn là giả chiclet như trước đây. Tuy nhiên, bề mặt các phím sần sùi chứ không trơn nhẵn như bàn phím chiclet của các hãng khác. Kích thước của phím cũng nhỏ hơn so với các bàn phím chiclet thông thường, nhưng bù lại khoảng cách giữa các phím lớn hơn. Độ nảy của bàn phím là khá tốt, không có hiện tượng flex. Hành trình của phím gần 2mm. Nếu so cảm giác gõ với loại bàn phím giả chiclet trước đây của XPS 15 thì rõ ràng loại bàn phím chiclet này có cảm giác tốt hơn hẳn.

Với kích thước 15.6-inch thì có lẽ nhiều người sẽ cần bàn phím số tuy nhiên cá nhân tôi lại không nghĩ vậy vì 2 vấn đề. Thứ nhất là không nhiều người sẽ cần dùng đến bàn phím 10 số này và thứ hai là nếu thêm vào thì kích thước phím và khoảng cách giữa các phím sẽ bị thu hẹp lại khá nhiều. Đó là chúng ta còn chưa xét về mặt thẩm mỹ.

Các phím chức năng ở dãy trên cùng của bàn phím thay đổi so với trước đây, mặc định bây giờ thì các phím này sẽ kích hoạt dãy phím Function Fx, và kết hợp với Fn sẽ cho các chức năng màu vàng. Phía trên là dãy 3 phím cảm ứng quen thuộc và 2 đèn báo dành cho chế độ sạc và Wi-Fi, đèn báo dành cho phím Caps Lock được chuyển lên ngay phím này. Phím nguồn của XPS 15 thì hơi cứng, đôi khi khó cảm giác được phím nhấn ăn hay chưa, tuy nhiê may mắn là chúng ta chỉ phải sử dụng phím này 1 lần mỗi khi sử dụng.

Touchpad của XPS 15 có kích thước khá lớn 9,9 x 5,6 cm và được thiết kế khá đơn giản. Chất lượng của phần di rất tốt, nhạy và chính xác. Phần touchpad hỗ trợ cảm ứng đa điểm lên đến 3 điểm và hỗ trợ các gesture (được thiết lập bằng phần mềm). 2 phím chuột trên touchpad nhẹ và cảm giác ấn rất tốt. Touch pad có thể được tắt hoặc bật bằng phím chức năng (Fn + F3). Nói chung nếu bạn chê touchpad của XPS 15 này thì hẳn bạn là một người rất khó tính

Màn hình và loa

Màn hình của Dell XPS 15 rất đáng nhận được một lời khen. Với độ phân giải cao (Full HD) nên chất lượng hình ảnh hiển thị rất mịn. Góc nhìn về 2 phía ngang của màn hình khá tốt, góc nhìn về phía dưới và phía trên không tốt bằng tuy nhiên vẫn có thể chấp nhận được. Mặc dù độ phân giải Full HD là một tùy chọn, người dùng phải trả thêm 150 USD để có độ phân giải cao hơn mức thông thường (1366 x 768) tuy nhiên đây là một khoản tiền rất đáng để bỏ ra.

Độ sáng của màn hình được chia là 16 mức, ở mức sáng nhất thì độ sáng khá tốt, có thể làm việc tốt ở phòng làm việc vào ban ngày. Còn trong điều kiện sử dụng ở ngoài trời thì “hơi đuối” một tí.

Phần màn hình của XPS 15 có độ dày khá mỏng tuy nhiên rất chắc chắn, khó bị vặn vẹo và hình ảnh không bị ảnh hưởng khi tác động vào mặt sau của màn hình. Góc mở tối đa của phần màn hình so với phần dưới vào khoảng 135o, nếu đặt trên bàn làm việc thì góc mở tối đa này có thể đáp ứng được hầu hết nhu cầu của người dùng.

Khớp nối của màn hình tuy được thiết kế giống với Dell XPS 14 nhưng lại tỏ ra khá chắc chắn mặc dù tính thẩm mỹ không được cao lắm. Lực cần thiết để mở nắp ra không lớn và do phần thân dưới chắc chắn nên có thể thực hiện chỉ bằng một tay mà không cần giữ phần thân dưới của máy lại.

Hệ thống loa của Dell XPS 15 tỏ ra khá hoành tráng với loại 2.1 được trang bị bởi JBL. Phần Subwoofer được đặt ở mặt dưới của máy. Công suất tổng của cả hệ thống loa này là 20W (2x4W + 12W Subwoofer), rất khá khi so với các laptop khác. Về thực tế, chất lượng âm thanh của XPS 15 rất khá, thể hiện được tốt các dải âm trầm và trung, điểm mà thông thường các hệ thống loa của laptop rất kém. Tuy nhiên, dường như do cách thiết kế mà cảm giác âm thanh hơi bị “bí”, nguyên nhân là do các lỗ để thoát âm được thiết kế quá ít. Một điểm còn thiết sót của hệ thống loa này là khi mở âm lượng ở mức tối đa thì âm thanh có hiện tượng vỡ. Nhưng nhìn chung, so với các laptop khác thì loa của XPS 15 là tốt hơn hẳn.

Chất lượng âm thanh qua tai nghe của XPS 15 cũng rất tốt, âm lượng lớn và các dải âm đều được thể hiện đầy đủ. Nếu dùng để nghe nhạc, mức âm lượng chỉ khoảng 20% là đã nghe khá to.

Webcam được trang bị kèm theo XPS 15 có khả năng ghi hình và video lên đến độ phân giải 1600 x 1200 với chuẩn H.264. Chất lượng của webcam này nhìn chung là tốt trong điều kiện ánh sáng đầy đủ và có thể dùng để truyền hình ảnh thông qua SkypeHD. Trong điều kiện ánh sáng yếu thì tất nhiên chúng ta không nên mong đợi gì nhiều.

Pin và thời gian sử dụng

Pin được đi kèm với XPS 15 mặc định là loại Li-ion 6-cell có dung lượng 56Whr. Pin được trang bị đèn báo dung lượng còn lại và là cùng loại được sử dụng trên XPS 14. Tuy nhiên, thời gian sử dụng pin tỏ ra khá ấn tượng nếu so với hiệu năng mà XPS 15 mang lại.

Các phép thử được chúng tôi thực hiện như sau:

  • Chơi game: Chúng tôi tiến hành cho chạy liên tục ứng dụng 3DMark cho đến khi máy tự động tắt và ghi lại thời gian, màn hình được chỉnh độ sáng tối đa và sử dụng tai nghe khi chơi game.
  • Lướt web: Một trình duyệt được mở lên với khoảng 10 tab, 1 tab được mở 1 trang nghe nhạc online (âm thanh ở mức 25%), các tab còn lại được tự động refresh sau mỗi 1 phút để giả lập trạng thái lướt web người dùng, độ sáng màn hình được chỉnh ở mức 10/16.
  • Xem phim: Đoạn phim trailer MADAGASCAR : ESCAPE 2 AFRICA với độ phân giải 720p được mở ở chế độ lặp lại bằng Quicktime, thời gian được ghi nhận lại với độ sáng màn hình 100%.

Thời gian lướt web của XPS 15 là hơn 2 tiếng, nếu giảm độ sáng màn hình thì có thể lâu hơn nữa. Trạng thái thử nghiệm của chúng tôi sẽ khác với điều kiện thực tế một chút (khắc nghiệt hơn) do đó nếu bạn nhận được thời gian dùng pin lâu hơn từ 10 đến 15 phút khi lướt web hoặc xem phìm thì điều này là hoàn toàn bình thường.

Các phép thử trên được thực hiện đến khi máy tính tự động tắt ở mức pin 10% (được thiết lập trong hệ điều hành). Thời gian sạc của máy vào khoảng 120 phút (từ mức 10% đến mức 100%). Ở phần đầu cắm sạc cũng được trang bị đèn led báo nguồn (một nét đặc trưng của Alienware được Dell mang lên dòng XPS).

Nếu so với các dòng máy giải trí khác thì thời gian sử dụng pin của XPS 15 là khá tốt. Nếu bạn lựa chọn pin 9-cell khi mua máy, thời gian sử dụng sẽ được cải thiện thêm đáng kể. Nguyên nhân chính của việc này là do sử dụng nền tảng Sandy Bridge có mức tiêu thụ điện năng trung bình thấp hơn so với các thế hệ trước.

Nhiệt độ hoạt động

Phần tản nhiệt của Dell XPS 15 được thiết kế khá tốt về cả hiệu năng lẫn tính thẩm mỹ. Khe tản nhiệt bên hông trông rất ngầu, bao gồm 3 khe có độ rộng tương đối. Và đặc biệt khe tản nhiệt nằm ở phần xa người dùng nên không gây ảnh hưởng.

Chúng tôi thử nghiệm đo nhiệt độ một vài vị trí khi thực hiện tác vụ chơi game trên Dell XPS 15 và nhận được kết quả khá tốt. Với nhiệt độ môi trường là 27oC thì nhiệt độ phần phía trái của máy chỉ hơi ấm lên, phần bên phải của máy hoàn toàn mát và nhìn chung là không gây khó chịu lên phần tiếp xúc của bàn tay với máy. Ở các khe tản nhiệt, nhiệt độ lúc này lần lượt là 45oC và 40oC cho các khe ở bên trái và bên dưới máy. Còn nhiệt độ các tấm đồng bên trong khe tản nhiệt bên trái rơi vào khoảng 55oC.

Khi sử dụng thông thường, nhiệt độ của máy mà người dùng có thể cảm nhận được là không khác nhiệt độ môi trường nhiều lắm, ngay cả khi làm việc lâu.

Như thường lệ, chúng ta cùng xem nhiệt độ của CPU và GPU khi bị stress sẽ tăng đến mức nào.

Nhiệt độ của các nhân CPU lên khoảng 77oC, mức trung bình nếu so với các dòng laptop khác.

Nhiệt độ GPU khi stress khoảng 5 phút là 91oC, nhìn chung là ngang với nhiệt độ của GT 425M.

Tuy vậy, các mức nhiệt độ trên chỉ nhằm để tham khảo vì trên thực tế rất hiếm khi máy phải rơi vào trạng thái hoạt động nặng như trên.

Về phần độ ồn, do phần tản nhiệt có tác dụng tốt hơn so với các thế hệ trước nên đồng thời độ ồn cũng tăng. Dù vậy, mức độ ồn chỉ đáng chú ý khi máy chạy các ứng dụng nặng về đồ họa và sử dụng trong không gian yên tĩnh. Còn nếu sử dụng ở các điều kiện khác thì độ ồn này khó cảm nhận hơn.

Nếu bạn hỏi có cần phải trang bị hệ thống tản nhiệt bên ngoài cho XPS 15 thì câu trả lời là không. Dell XPS 15 có thể hoạt động tốt mà không cần thêm giải pháp tản nhiệt nào, đặc biệt là khi sử dụng trong phòng có nhiệt độ thấp (20-25oC).

Hiệu năng

XPS 15 được trang bị bộ xử lý Sandy Bridge là Core i7-2630QM với 4 core 8 thread có mức xung là 2.0 GHz, khi Turbo Boost được kích hoạt, mức xung sẽ đạt 2.9 GHz. TDP của Core i7-2630QM vẫn là 45W tuy nhiên thực tế thì công suất khi sử dụng thấp hơn so với các bộ xử lý Core i7 Mobile Clarksfield. Nhân đồ họa được tích hợp bên trong là Intel HD Graphics 3000 có mức xung 650 MHz.

Về mặt đồ họa ngoài, XPS 15 sử dụng GT 525M cùng dựa trên nhân GF108 (40nm) như GT 425M, điểm khác biệt duy nhất chỉ là mức xung cao hơn (600 so với 560 MHz). Do đó chúng ta có thể đoán được hiệu năng của GT 525M cũng chỉ nhỉnh hơn GT 425M một ít. GT 525M được trang bị 96 nhân shader, giao tiếp với 1GB bộ nhớ DDR3 900 MHz thông qua giao tiếp có độ rộng 128-bit. Các công nghệ quen thuộc như DirectX 11, OpenGL 4.0, PhysX, DirectCompute 2.1 đều được hỗ trợ trên GT 525M. GT 525 có TDP là 25W, tương đương với GT 425M do đó phù hợp được trang bị trên các laptop phục vụ nhu cầu giải trí.

Cần nói thêm rằng, XPS 15 được trang bị công nghệ Optimus cho phép chuyển đổi giữa nhân đồ họa Intel HD 3000 và GT 525M nhằm tiết kiệm điện năng.

Và sau đây là khả năng thực sự của XPS 15 với các phép thử. Đầu tiên là Cinebench R11.5 phiên bản 64-bit:


HD Tune Pro

Đánh giá nhiều mặt với PCMark Vantage 64-bit:

Các phép thử văn phòng quen thuộc của vozExpress:

Về mặt game, XPS 15 chỉ có thể cân được các game thông dụng ở độ phân giải thấp, còn nếu chạy với độ phân giải gốc (Full HD) thì chỉ có thể “kham nổi” các game nhẹ nhàng.

Xét một cách toàn diện, hiệu năng của XPS 15 là khá tốt, hơn hẳn so với các laptop thông thường và nhỉnh hơn so với các laptop dành cho giải trí khác. Không có gì phải phàn nàn về mặt này của Dell XPS 15.

Gallery
Dell XPS 15 - 001 Dell XPS 15 - 001a Dell XPS 15 - 003 Dell XPS 15 - 004 Dell XPS 15 - 005 Dell XPS 15 - 006 Dell XPS 15 - 007 Dell XPS 15 - 008
Dell XPS 15 - 009 Dell XPS 15 - 011 Dell XPS 15 - 012 Dell XPS 15 - 013 Dell XPS 15 - 015 Dell XPS 15 - 017 Dell XPS 15 - 018 Dell XPS 15 - 019
Dell XPS 15 - 020 Dell XPS 15 - 022 Dell XPS 15 - 023 Dell XPS 15 - 024 Dell XPS 15 - 024a Dell XPS 15 - 027 Dell XPS 15 - 028 Dell XPS 15 - 029
Dell XPS 15 - 032 Dell XPS 15 - 034 Dell XPS 15 - 035 Dell XPS 15 - 036 Dell XPS 15 - 039 Dell XPS 15 - 040 Dell XPS 15 - 041 Dell XPS 15 - 042
Dell XPS 15 - 042a Dell XPS 15 - 042b Dell XPS 15 - 043 Dell XPS 15 - 044 Dell XPS 15 - 045 Dell XPS 15 - 046 Dell XPS 15 - 047 Dell XPS 15 - 051
Dell XPS 15 - 052 Dell XPS 15 - 052a Dell XPS 15 - 053 Dell XPS 15 - 056 Dell XPS 15 - 058 Dell XPS 15 - 059 Dell XPS 15 - 060 Dell XPS 15 - 061
Dell XPS 15 - 062 Dell XPS 15 - 064 Dell XPS 15 - 067 Dell XPS 15 - 068 Dell XPS 15 - 069 Dell XPS 15 - 070 Dell XPS 15 - 071 Dell XPS 15 - 072

Kết luận

Thực sự mà nói thì Dell XPS 15 rất đáng để xem xét mặc dù có mức giá hơi cao. Chất lượng build của XPS 15 khá tốt và thiết kế nhìn chung là tạm được (thực tế nhiều người không thích kiểu thiết kế này). Nhìn chung thì XPS 15 có thể phù hợp với hầu hết nhu cầu của người dùng, chỉ trừ những người có nhu cầu di chuyển nhiều. Qua những gì đánh giá, Dell XPS 15 sẽ tỏ ra là một đối thủ khá nặng ký của Macbook Pro 15-inch đến từ Apple và các dòng máy multimedia của các hãng khác.

Ưu điểm

  • Hiệu năng cao
  • Màn hình chất lượng tốt
  • Chất lượng build tốt
  • Thời gian sử dụng pin khá

Nhược điểm

  • Thiết kế mặt trong hơi nhàm chán
  • Nặng, không phù hợp để di chuyển
  • Giá cao