Đánh giá ưu, nhược điểm của việc ép xung theo kernel Lehto và Titan?

tun cua di
tun cua di
Trả lời 13 năm trước

Trước hết, về vấn đề ép xung (overclock - OC), chúng ta đã hiểu bản chất hay mục tiêu của nó là tăng tốc độ xử lý, giúp các ứng dụng chạy nhanh và mượt mà hơn, do vậy kéo theo hệ quả là pin tốn hơn, máy nóng hơn và giảm tuổi thọ hơn so với mặc định.

Cùng một quy trình đó, nếu muốn tăng thời gian của máy và bảo vệ máy trước nỗ lực xử lý của con chip, chúng ta cũng có phương pháp giảm xung (underclock -UC). Máy chắc chắn sẽ bền hơn, đỡ tốn pin nhưng lại chậm chạp và giật khi xử lý.

Tôi không muốn bàn lại vấn đề hay quan điểm là có nên ép xung hay không. Cái đích của bài viết này không gì khác ngoài so sánh các phương pháp ép xung chính hiện nay, phương pháp nào thỏa mãn hơn và phục vụ tốt hơn cho sứ mệnh của việc ép xung.

Như chúng ta đã biết, để ép xung, người ta phải flash kernel điểu chỉnh xung nhịp, hiện nay phổ biến hơn cả vẫn là kernel của Lehto và kernel của Titan. Tôi sẽ so sánh dựa trên hệ quả mà nó mang lại cho máy: Độ thuận tiện khi tiến hành ép xung, Khả năng xử lý, Nhiệt độ máy, mức tiêu hao pin để đi tới kết luận của cá nhân tôi về sự lựa chọn kernel nào là phù hợp cho tới thời điểm này.

Về độ thuận tiện khi tiến hành ép xung:

-Kernel Lehto: sau khi download kernel về máy, ta có thể tiến hành cả theo cách dùng flasher 3.5 hay ép xung trực tiếp từ máy. Có rất nhiều phiên bản điều chỉnh mức ép xung theo các giải từ 600 - 1150mhz. Khi tháo pin, reboot máy thì N900 cũng vẫn mặc định là đã được ép xung. Thao tác mất khoảng 5 phút, từ việc download kernel đến tiến hành ép xung thành công.

-Kernel Titan: để ép xung theo kernel của Titan, việc phổ biến hiện nay là download và install 2 phần mềm power-kernel-settings và Enhanced kernel for power user từ kho Extras-testing, bản thân kernel Titan có các mức mặc định là: default (max 600mhz), ideal (max 850mhz), ulv, lv, xlv (max 600mhz), nên để điều chỉnh đúng xung nhịp max mà mình mong muốn, chúng ta phải vào X-Terminal thao tác lệnh (hoặc dùng Queen Beecon hay Command Widget để lưu các lệnh đã xử lý). Do vậy, thời gian tiến hành lâu hơn của Lehto. Điều đáng chú ý là khi ta tháo pin hoặc reboot, việc ép xung sẽ mất đi, máy trở về xung default, muốn ép xung lại, ta phải thao tác lệnh trong X-terminal hoặc click vào widget. Điều này khá rối rắm, tuy nhiên nó lại có cái hay là cho ta sự lựa chọn nên dùng mức ép xung trong từng thời điểm hợp lý (ví dụ: đi công tác xa không có thời gian dùng máy, ta để ở default để tiết kiệm pin, còn khi thi thố duyệt web với ipad thì ta để ở mức 1150mhz - tôi đã thắng Ipad 3G khi thi đấu tốc độ duyệt web ở mức xung 1150mhz và chỉ thảm bại khi để ở mức 600mhz, tôi dùng kernel Lehto).

Do vậy, có thể đánh giá, nếu muốn giữ ổn định mức xung tối đa và không mất thời gian điều chỉnh thì Lehto sẽ là lựa chọn. Còn nếu muốn điều chỉnh các mức xung tối ta trong từng thời điểm (giống như thay đổi các profile trong symbian) thì lựa chọn là Titan

Về khả năng xử lý:

Tôi sẽ đánh giá dựa trên thực nghiệm giữa 2 máy N900, 1 máy dùng Lehto, 1 máy dùng Titan (cả hai đều ép max 850mhz) và dựa trên phần mềm Conky.

-Duyệt web: kernel Lehto tỏ ra nhanh hơn hẳn khi kéo đủ trang 24h.com.vn về máy với thời gian 9 giây, trong khi đó để làm việc này Kernel Titan mất tới 13 giây (tôi mở Conky ở 2 máy lên check và nhận ra rằng: Lehto hầu như luôn giữ xung ở 850mhz khi kéo trang web, còn Titan chỉ thỉnh thoảng mới nhích lên 850mhz và hầu hết giữ ở 600mhz).
Bên cạnh đó, kernel Titan dẫn đến một hiện tượng thỉnh thoảng không nhận 3G và wifi mặc dù vẫn hiện cột sóng đầy đủ.

-Mở đa ứng dụng: cùng mở 10 ứng dụng như nhau thì thời gian hoàn tất của Lehto vẫn nhanh hơn khỏang 20%.

-Độ nhạy của cảm ứng: Rõ ràng khi sử dụng kernel Titan, máy luôn bị lag khi dùng cảm ứng, nhấn vào conky tôi thấy phải đến 3 giây sau chương trình mới mở, trong khi đó Lehto cho ra ngay kết quả, vào photo xem ảnh cũng chịu tình trạng đó. Thậm chí độ nhạy của cảm ứng còn thua xa một máy N900 nguyên bản. Khá buồn vì điều này, tôi tìm đến phần mềm screen calibration bug fix nhưng việc cải thiện là không rõ rệt cho lắm. Kernel Lehto thì luôn đảm bảo cho máy độ trơn mượt tuyệt vời khi xử lý.

Về nhiệt độ máy

Tôi dùng phần mềm cpufreqUI để đo tổng cộng 20 lần trong 10 phút khi 2 máy đang làm việc cường độ cao rồi chia trung bình, ra được kết quả thực nghiệm là: máy dùng kernel Titan có nhiệt độ trung bình là 39,5 độ, máy dùng kernel Lehto có nhiệt độ trung bình cao hơn: 43 độ. Từ đó, không còn nghi ngờ gì nữa, kernel Titan an toàn cho máy hơn.

Khi 2 máy quay trở lại chế độ chờ trong 10 phút, sau khi tháo hết pin,làm nguội máy, set up lại kernel, tôi đo lại nhiệt độ và thấy rằng, về cơ bản, nhiệt độ tương đương nhau, dao động trong khoảng 30 đến 32 độ.

Về mức tiêu hao pin
Cùng hoạt động một cách "hết công suất" máy với kernel Titan thọ được tận 6h47' còn máy với kernel Lehto đã buông súng ở thời gian 5h32'. Tôi không tiến hành đo ở chế độ chờ, một phần vì nó quá mất thời gian, và một phần là bởi tôi tin rằng khi không phải làm việc, do chỉ chạy ở mức 125mhz - 250mhz thì thời gian sẽ không chênh lệch nhau là mấy.

Kết luận mở:
Vậy là, sau khi tiến hành thực nghiệm, đánh giá các tiêu chí như đã trình bày ở trên, tôi nhìn lại 2 chiếc Nokia N900 trên mặt bàn lộn xộn và bừa bộn của mình, mắt hoa đi và đầu liên tưởng tới 2 chiếc xe máy trong cùng một vỏ bọc: một chiếc xe ga chạy êm, bốc nhưng tốn xăng và một chiếc xe số Honda Dream bền bỉ, tiết kiệm nhưng hơi "đau đít" khi ngồi lâu.