10 “chuẩn mực vàng” để hưởng bách tuế thọ sinh như nào?

chuyengia
chuyengia
Trả lời 16 năm trước
Mọi người ai cũng bảo rằng “sức khỏe là vàng”, nên càng phải có những nguyên tắc “chuẩn mực vàng” nhằm giữ gìn cái “vốn vàng” ấy để hưởng bách tuế thọ sinh - bách niên giai lão với bạn đời, đoàn viên với cháu con, họ tộc. Tại Di tích lịch sử văn hóa Di Hòa Viên ở thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) có một số vị đại lão y sư hồng hào tráng kiện - sẵn sàng tư vấn miễn phí cho du khách về những “chuẩn mực vàng” để gìn giữ sức khỏe mà các vị đã trải nghiệm tích tụ được qua gia bảo. Xin trân trọng giới thiệu để bạn đọc tham khảo. Các đại y sư này nói: Thầy thuốc tốt nhất là do chính bản thân mình. Tâm tính tốt nhất là sự yên tĩnh ôn hòa. Vận động tốt nhất là thể dục đi bộ thoải mái, sống đạm bạc, điều độ hơn là dùng thuốc men. Hãy quên đi đau buồn quá khứ. Vui thanh thản hôm nay, hướng về tương lai tươi đẹp. Các vị đại y sư đưa ra thuyết: Tuổi đời con người có thể hưởng “bách tuế thọ sinh”, ít nhất có thể sống đến 100 tuổi, và dài nhất có thể đến 175 tuổi. Tuổi thọ con người đã được giới khoa học lão khoa thừa nhận là 120 tuổi. Vậy để sống sao tới khi đến tuổi 70 - 80 mà không có bệnh tật gì, và đến 90 hoặc ngoài 90 mà vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Đó chính là chiếc chìa khóa của sức khỏe đang trong tay của mỗi người và sử dụng nó như thế nào cũng là tùy thuộc chủ thể từng người. Mười “chuẩn mực vàng” sau đây chính là sự hành xử của bản thân đối với chính mình, đó là: 1. Không lãng phí sức lực, đừng dùng nhiều sự ráng sức của bản thân để sử dụng vào những việc không đâu một cách quá mức mà không có ý nghĩa gì thiết thực. Việc gì cũng đều có giới hạn của nó, nếu dùng lực quá sức một cách lãng phí mỗi lúc một ít, lâu ngày nó sẽ tích tụ lại cho con người chóng già, chóng yếu, ảnh hưởng đến tuổi thọ và dễ sinh bệnh tật. 2. Không ăn uống quá độ đến bội thực, bắt bộ máy tiêu hóa phải làm việc quá nhiều mà không kịp tiêu thụ. Không gặp đâu ăn đó, ăn “cho vui” - hãy ăn đúng vào giờ ăn của mỗi buổi, ăn vừa no, uống vừa đủ giải khát, chớ quá chén, quá ly. Trong thức ăn nên có các loại thực phẩm chế biến từ rau quả, củ sẽ mang lại cảm giác dễ chịu, chống được lão hóa và hệ thống tiêu hóa không phải hoạt động quá sức, sinh ra chứng đau dạ dày. 3. Không thức quá khuya, dù công việc hôm sau có gấp đến mấy bạn cũng thu xếp để hoàn tất trước 11 giờ đêm. Hãy đi ngủ ngay sau đó. Nếu việc chưa xong, thì sáng hôm sau dậy sớm để tiếp tục tốt hơn là thức làm quá khuya (trừ những người phải làm ca đêm). Ngủ quá muộn sau nửa đêm, hôm sau bạn có ngủ cả buổi cũng không bù lại được. Thức quá khuya là nguy cơ dẫn đến chóng già trước tuổi và dễ hao mòn sức khỏe. 4. Không mặc quần áo quá chật khi đi ngủ. Trong lúc ngủ nếu bạn mặc đồ ngủ hoặc phụ trang bên trong quá dày, quá chật sẽ làm cho hệ thống tuần hoàn máu khó lưu thông, có thể sinh ra tai biến, hoặc dễ gặp những cơn ác mộng, như người ta nói là bị “bóng đè”, như vậy sáng hôm sau sẽ rất uể oải khi thức dậy. Cho nên, thường người ta khuyên phụ nữ không nên mặc đồ nịt ngực khi đi ngủ. 5. Không xem phim, tranh, ảnh gây cảm giác sốc trước khi đi ngủ. Hình ảnh trực quan đọng lại trong đầu óc dễ làm cho ta xúc động mạnh, hoặc hồi hộp, lo âu, căng thẳng, ảnh hưởng đến thần kinh khi bắt đầu ngủ. Những cảm xúc mạnh ấy có thể theo bạn vào trong giấc ngủ, nó sẽ tái hiện lại khiến cho bạn kinh hãi phải thức giấc, mất ngủ. Nếu có điều kiện thì tốt nhất nên ru giấc ngủ bằng sách báo vui, thoải mái, hoặc nhạc nhẹ nhàng, êm dịu. 6. Đừng quên tập thể dục mỗi buổi sáng. Đó là liều thuốc bổ không mất tiền mua. Thể dục buổi sáng làm bạn thêm sảng khoái, dễ chịu để bước vào bữa điểm tâm ngon miệng và bắt tay vào một ngày làm việc có năng suất cao. Nếu không, bạn sẽ khó tránh khỏi sự mệt mỏi trong công việc và mất linh hoạt, năng động tỉnh táo, sáng suốt trong xử lý tình huống. Thể dục đều đều, là bài thuốc tăng thêm tuổi thọ - một bí quyết sống lâu mà ai cũng có thể thực hiện được. 7. Không đọc sách báo khi đang di chuyển, kể cả khi ngồi trên ô tô, tàu hỏa, máy bay, tàu thủy hoặc đi bộ. Ham đọc sách báo là đức tính tốt, nhưng không nên tranh thủ thời gian khi đang đi lại bằng cách đọc sách báo. Vì rằng dù đi bộ, hay ngồi trên phương tiện vận tải nào, lúc đó bạn đều ở trong trạng thái rung động. Nếu bạn xem, đọc thì bắt buộc đôi mắt của bạn phải dao động để thích ứng, như vậy dễ làm cho mắt bị mệt mỏi, thị lực sẽ giảm sút, dẫn đến dễ bị choáng váng, đau đầu, chóng mặt. 8. Không quá phiền muộn, lo âu, chớ suy tư quá nhiều vào những việc không đâu dễ gây căng thẳng tâm lý và thần kinh. Hãy biết sống vui, thanh thản, biết chủ động hành xử để bỏ qua những chuyện rắc rối, phức tạp, phải biết biến hữu sự thành vô sự. Lo âu thái quá đều dẫn đến ức chế gây mất bình tĩnh, khi xử lý công việc sẽ không chính xác và dễ tạo môi trường cho các loại virut tấn công, kẻ xấu khiêu khích. Muốn vậy bạn hãy sống bao dung, vị tha, bỏ qua thù hận, đơn giản hóa sự việc, nhìn cuộc sống qua lăng kính màu hồng. 9. Không mất cảnh giác với những triệu chứng thay đổi bất thường của cơ thể. Tùy theo trạng thái và thời gian, không gian trong hoạt động..., nếu bạn cảm giác có xuất hiện triệu chứng không bình thường trong cơ thể mình, thì hãy đến tham kiến ngay bác sĩ, đừng coi thường, dễ dẫn tới phát triển nặng hơn. Theo nguyên tắc y học và lời khuyên của các thầy thuốc thì căn bệnh mới phát sinh nếu thầy thuốc biết được sớm bao giờ cũng dễ chữa trị hơn là để quá muộn. 10. Không đắm say tình dục quá mức. Dù lúc trẻ hay đến lúc trung niên, hoặc có tuổi, nếu biết sử dụng tình dục hợp lý như một nhu cầu cần thiết bình thường, thì tình dục có ý nghĩa tích cực đối với cơ thể, tăng thêm hưng phấn dễ chịu, giải tỏa được những căng thẳng mệt mỏi, làm dịu cơ thể khi tiết ra hormon. Nhưng nếu thái quá trở thành đam mê tửu sắc “hoang dâm vô độ” thì trái lại, nó là liều thuốc độc gây hại sức khỏe và suy nhược cơ thể.