Đánh giá Nikon D7000

Trong tiểu luận này tôi sẽ nói về 3 phần: Cân nhắc quyết định mua, Chọn thời điểm mua / nơi bán và giá cả và Trải nghiệm sử dụng máy. Có thể vẫn tiếp tục cập nhật khi có thêm thông tin.

Cân nhắc quyết định nâng cấp


Chiếc D90 đã theo tôi chinh chiến ngót nghét 2 năm với vài chục ngàn shot và đã đến lúc nâng cấp, cho dù nó vẫn đang họat động hoàn hảo. Công nghệ luôn tiến bộ và công nghệ cập nhật luôn hỗ trợ cho việc ra hình đẹp hơn và giảm bớt khâu hậu kỳ. Chờ đợi bản nâng cấp thì lâu nhưng cũng tương đối nhanh kể từ khi
Nikon D7000 được công bố tháng 9 năm 2010, chỉ sau một thời gian ngắn VIC Việt Nam đã phục vụ hàng chính hãng với vài chục $ đắt hơn hàng xách tay, cái giá cho sự yên tâm hơn như vậy là cũng chấp nhận được.



Phố Ông Đồ - Tamron 17-50 tại 50mm, f3.5 1/160s ISO 100


Danh mục so sánh tính năng D7000 và D90 (mượn đỡ của anh Thom Hogan – cảm ơn)
 


(cảm ơn nvsp18 đã dựng bảng giùm)
“Em có vài ước ao, em có vài khát khao”, nhu cầu cá nhân tôi muốn phiên bản nâng cấp sẽ nhỉnh hơn chiếc D90 hiện tại ở các điểm sau:
- Chụp thiếu sáng tốt hơn
- Có 2 khe cắm thẻ (an tâm hơn nhiều khi chụp sự kiện)
- Đo sáng, cân bằng trắng và lấy nét đúng và ổn định hơn
- Quay phim tốt hơn

Và rõ ràng ước ao và khát khao đó đều nằm ở trong chiếc D7000. Tại thời điểm mua, đầu tháng 1 năm 2011, ngoài D7000 tôi còn có các lựa chọn: D700 và D300s , 2 chiếc này thuộc loại “chiếu trên” tuy nhiên là một người ham thích công nghệ mới (và không thực sự nhiều tiền), tôi vẫn nghiêng về D7000.



Hội hoa Tao Đàn - Nikon 80-200mm tại 105mm, f5.6 1/320s ISO 1000

Tôi đọc hầu hết các đánh giá chi tiết về Nikon D7000, có thể kể tới là Thom Hogan (byThom), Cameralabs.com, dpreview. Ken rockwell và các nhận định của người dùng từ dpreview.com – hầu hết đều là tích cực tuy nhiên có 3 điểm cần lưu ý:


- Nhạy với rung tay: cái này chính xác khi số megapixel càng cao, đòi hỏi phải chú ý hơn vào kỹ thuật chụp và phụ kiện

- Hot pixel: thật hư chưa biết, có thể có hơi hơi nhiều ở những lô đầu, Nikon đã có bản firmware để đối phó và có lẽ không quá đáng sợ nếu hầu như không phơi sáng lâu,
- Front/Back focus: đề cập ở đánh giá của cameralabs.com, tuy nhiên cái này nếu có xảy ra thì AF fine tuning cũng xử lý được

Sau khi tổng hợp các thông tin có sẵn, Kết luận ban đầu là: NÊN MUA



Bến Bình Đông - f3.5 1/6s ISO1000 - không mang tripod - tựa vào thành cầu

Trải nghiệm mua

Với giá MSRP USD 1199 và vào khoảng hơn 1300$ khi mới về VN, cộng với tỷ giá đô cao là một cái giá khá chát, tôi đành hoãn binh một chút, liên tục kiểm tra các website bán hàng ở HCMC và gọi điện. Hi vọng sẽ giảm được 1 chút an ủi về tinh thần, trước tết Nguyên Đán.


Tại thời điểm ngày 7/1/2010, khi Mr. Nam Airblade mua được thân máy D7000 với giá 1250 ở Ngọc thì tôi quyết định theo tay luôn. Không may là Ngọc bán giá đó chạy như tôm tươi và hết hàng chỉ vài giờ trước khi tôi động thủ. Cùng ngày, Liêm Nga: bán với giá 1270, Khánh long khoảng 1280 và Vĩnh Hùng …. Khà khà …. 1260 – tuy là bóc trong bộ kit cùng 18-105mm để bán riêng nhưng là máy mới, ai thèm quan tâm. Dĩ nhiên vẫn là hàng VIC bảo hành đàng hoàng – OK Duyệt luôn


Mua hàng chính hãng thì cứ chỗ nào bán rẻ nhất thì mua, bởi đằng nào cũng bảo hành chính hãng chứ không cần hậu mãi của cửa hàng. Hàng xách tay Nikon gần đây chênh lệch giá khoảng vài chục $, thôi thì mua của anh VIC cho thêm chút yên tâm.


Khâu kiểm tra hàng cũng đơn giản, bao quát các phụ kiện đi kèm, lắp pin chụp thử, đủ sáng đúng nét, thế là tiền ra.



Đường hoa Nguyễn huệ - Nikon 85mm 1.8 tại f3.5 1/160s ISO 100

Trải nghiệm sử dụng, thấy gì nói nấy, nhớ ra lại bổ sung thêm

Nhìn chung thao tác của D7000 không khác nhiều so với D90. Tuy nhiên tôi cũng hơi bỡ ngỡ ban đầu vì chưa đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng: ví dụ như không tìm ra cách chỉnh điểm lấy nét vì nó tích hợp ngay vào vị trí AF/MF ở mặt trước góc dưới phải của máy; hoặc chụp một hồi chỉ lôi card 1 ra copy hình mà không để ý là ở chế độ overflow khi đầy card1 máy nhảy qua card2.


Màu sắc:
tôi có cảm giác màu da có vẻ “dịu” hơn D90 – sau này đọc kỹ lại đánh giá của Thom Hogan thì thấy nói kênh màu đỏ có vẻ hơi yếu hơn, có lẽ đây là lý do chăng.

Vấn đề mất nét do rung:
cái này đã được “tây” nói nhiều trên các forum, tuy biết trước nhưng tôi cũng không tránh khỏi một chút thất vọng ban đầu, một số hình rõ ràng là mất nét do ảnh hưởng của rung tay. Để giải quyết vấn đề này chỉ còn cách là rèn luyện cách cầm và bấm máy chắc / nâng tốc độ chụp lên gấp 1,5-2 lần tiêu cự / tăng cường sử dụng monopod mọi lúc và đặc biệt khi ánh sáng đã kém lý tưởng. Đây rõ ràng là một sự “suy đồi” về lối sống – khi việc chụp buộc phải “nghiêm túc” nếu còn muốn sử dụng hình. Dĩ nhiên đây là một sự nâng cấp cần thiết khi tiến sâu hơn vào con đường nghiện ngập.

Nếu đã khống chế được tác nhân gây mất nét, thì tại ISO 100 hình ra rất chi tiết, không bị mềm mềm như D90. Nhiễu ở Iso cao: không không thể so với Fullframe, nhưng với 16mp mà mức độ nhiễu tốt hơn D90 khoảng 1 khẩu thì cũng quá tốt rồi.



Cafe bến Bình Đông - Tamron 17-50mm 17mm f3.5 1/25s ISO 6400



Nhược điểm của các ống kính thường thường, không thấy rõ ở D90 sẽ lộ ra ở D7000 – vụ này tây cũng đã đồn và nêu rõ trong Đánh giá của Thom Hogan. Độ phân giải cao của cảm quang làm những khuyết điểm cố hữu như viền tím, sharpness của ống kính phổ thông trở nên hữu hình hơn. Tớ buộc phải cho em 18-200mm đi vì lý do này, trước khi rước em D7000 về, cho dù khá thích sự tiện dụng của nó.


Bánh xe chế độ có thêm U1 U2 để lưu sẵn vài chế độ chụp mà không cần phải chỉnh đi chỉnh lại khi chuyển. Đây là một tính năng khá tiện dụng, tôi có gán U1 là cho ống Tamron 17-50 và U2 là cho Nikon 80-200mm, nhằm thiết lập các mức ISO tự động khác nhau, tuy nhiên thực tế sử dụng vẫn nhớ lẫn lộn U nọ với U kia 


Một “nhược điểm” nho nhỏ là bởi D7000 có tương đối nhiều điểm lấy nét nên việc chuyển vị trí điểm nét đơn sẽ tốn thêm một ít cú bấm nữa – nhiều chưa hẳn là tốt với vài ứng dụng cụ thể như chụp chân dung chẳng hạn


Quay phim: đã có chức năng Flicker reduction với 2 tần số nháy 50Hz và 60Hz để khỏi trùng với tần số của đèn neon, hiện tượng bị nháy khi quay dưới đèn neon đã được giảm thiểu, không khó chịu như chiếc D90 nữa. Về tự động lấy nét, đừng hi vọng nhiều vào auto focus vì nó làm việc khá chậm.


Sơ bộ kết luận:

Nikon D7000 là bản nâng cấp khá mạnh từ D90, đòi hỏi người sử dụng nó phải tương đối lưu ý về kỹ thuật chụp / các ống kính. Và khi các yếu tố về kỹ thuật đã được thỏa mãn thì chất lượng hình của D7000 có thể nói là khỏi chê. Tuy nhiên với giá hơi cứng như hiện nay, nó chưa lý giải được việc nâng cấp từ D90 đối với khá nhiều tay máy.


Thiên thần - Tamron 17-50mm tại 30mm f8.0 1/160s thiết lập 4 đèn và 1 hắt sáng.

Các đánh giá D7000 đã tham khảo


http://www.dpreview.com/reviews/nikond7000/

http://www.bythom.com/nikond7000review.htm

http://www.kenrockwell.com/nikon/d7000.htm

http://www.cameralabs.com/reviews/Nikon_D7000/

http://www.photographyblog.com/revie..._d7000_review/


Theo starnt tinhte.vn

Còi lười
Còi lười
Trả lời 12 năm trước

Nikon D7000 - so sánh với các anh em

Dựa vào trang bị và mức giá của D7000, có thể xếp chiếc DSLR mới này vào khoảng giữa Nikon D90 và D300s, ngang ngửa với đối thủ 60D của Canon.

Nikon D7000 nằm trong khoảng giữa hai phiên bản D90 và D300s, nhằm cạnh tranh với Canon 60D. Ảnh: Dpreview.
Nikon D7000 nằm trong khoảng giữa hai phiên bản D90 và D300s, nhằm cạnh tranh với Canon 60D.
Ảnh: Dpreview.

Nikon D7000 có thiết kế khá giống model D90. Tuy nhiên, thân máy hơi nặng hơn một chút do được làm từ hợp kim Magne thay cho nhựa tổng hợp Polycarbonate. Đĩa xoay chọn chế độ có thêm một cấp nằm ở phía dưới với lẫy khóa tương tự như dòng cao cấp D300s, giúp chọn nhanh các chế độ chụp và hẹn giờ mà không phải thông qua menu ngữ cảnh trên màn hình LCD. Mặt sau máy cũng có một vài cải tiến nhỏ. Phím xem lại ảnh được chuyển lên phía trên, gần sát với nút xóa để tiện cho việc điều khiển bằng ngón tay cái. Phím Live View trên D90 lại được thay bằng tổ hợp phím - lẫy gạt to và nhạy hơn với nhiệm vụ chuyển nhanh giữa chế độ xem ảnh sống/ngắm qua viewfinder và chế độ quay phim/chụp ảnh. Màn hình LCD vẫn giữ nguyên kích cỡ lớn 3 inch và độ phân giải cao 921.000 điểm ảnh nhưng không có khả năng lật xoay giống như "đàn em" D5000 hay đối thủ trực tiếp Canon 60D.

Máy hỗ trợ khe cắm thẻ nhớ đôi tương thích hoàn toàn với định dạng SD/SDHC/SDXC thông dụng. Có thể dùng hai thẻ song song để chống tràn bộ nhớ, backup dữ liệu hoặc lưu riêng rẽ từng định dạng file (RAW, JPEG hoặc phim).

Một số thay đổi nhỏ tại hệ thống điều khiển ở mặt sau máy. Ảnh: Imaging Resource.
Một số thay đổi nhỏ tại hệ thống điều khiển ở mặt sau máy. Ảnh: Imaging Resource.

Kính ngắm quang là một trong những điểm cải tiến đáng giá nhất trên D7000. Mặc dù độ phóng đại vẫn giữ nguyên ở mức 0,94x như các dòng máy cũ D80, D90 nhưng độ phủ kính ngắm đã được nâng lên tới 100% khung hình, ngang ngửa model D300s và cũng nhỉnh hơn đối thủ Canon 60D (96%). Cơ chế lấy nét được xây dựng trên nền tảng cảm biến mới Multi-Cam 4800DX với 39 điểm nét, trong đó có 9 điểm cross-type cực nhạy nằm ở vùng trung tâm.

Máy vẫn hỗ trợ giải thuật bám đối tượng 3D tracking như D90 và tính năng AF fine-tuning dành cho việc hiệu chỉnh lấy nét trên ống kính như các dòng máy cao cấp khác của Nikon. Tốc độ lấy nét dựa trên cơ chế so sánh tương phản trong chế độ Live View cũng được cải thiện đáng kể. Ngoài ra, máy còn hỗ trợ nhận diện tới 35 khuôn mặt trong khung hình ngay cả khi đối tượng không hướng trực diện về phía camera.

So sánh kính ngắm của Nikon D7000 với một số dòng máy DSLR khác của Nikon và Canon. Ảnh: Dpreview.
So sánh kính ngắm của Nikon D7000 với một số dòng máy DSLR khác của Nikon và Canon.
Ảnh: Dpreview.

Cảm quang CMOS mới của D7000 có độ phân giải 16,2 triệu điểm ảnh, vượt qua ngưỡng 12 "chấm" từng thống trị dai dẳng trên các đời máy DSLR của Nikon như D300, D300s, D700, D3, D3s... Máy hỗ trợ dải ISO trong khoảng 100 tới 6400, mở rộng thêm mức H1 và H2 tương đương ISO với 12.800 và 25.600. Mặc dù sở hữu độ phân giải khá cao nhưng nhờ được trang bị vi xử lý hình ảnh Expeed 2 mà D7000 có thể đạt được tốc độ chụp liên tiếp lên tới 6 hình mỗi giây, ngang ngửa D300s đồng thời vượt qua D90 (4,5 hình/giây) và 60D (5,3 hình/giây). File ảnh thô xuất ra có thể được mã hóa dưới dạng 14 bit để tăng khả năng tái hiện màu sắc và dải tương phản động.

Ba điểm cải tiến quan trọng nhất trên Nikon D7000 là cảm biến, vi xử lý hình ảnh và hệ thống đo sáng. Ảnh: Nikon.
Ba điểm cải tiến quan trọng nhất trên Nikon D7000 là cảm biến, vi xử lý hình ảnh và hệ thống đo sáng. Ảnh: Nikon.

Trong đợt ra mắt của D7000, Nikon cũng giới thiệu một hệ thống đo sáng hoàn toàn mới. Độ phân giải cảm biến 3D Color Matrix Metering không dừng lại ở mức 420 pixel như trên D90 hay 1.005 pixel như dòng chuyên nghiệp D3/D3s mà đã vọt lên ngưỡng 2.016 pixel, lớn nhất trong số những máy ảnh của Nikon có mặt trên thị trường hiện nay. Cơ chế nhận diện khung cảnh giúp so sánh các thông tin nhận được từ môi trường với cơ sở dữ liệu lên tới 31.000 bức ảnh khác nhau nhằm đưa ra kết quả tính toán tối ưu về lấy nét, phơi sáng và cân bằng trắng. Tốc độ ăn đèn được giảm xuống 1/250 giây, thậm chí có thể giảm tiếp xuống còn 1/320 giây tại chế độ Auto FP.

Tương như D300s, người dùng có thể khai báo thông tin của 9 ống kính không chứa CPU (bao gồm các series AI, E, PC...) để từ đó, máy có thể nhận biết được tiêu cự và độ mở của ống kính mỗi khi lắp vào. Như vậy, một số tính năng căn bản của máy như đo sáng, phả flash TTL vẫn có thể hoạt động với những ống kính lấy nét tay đời cũ của Nikon.

Nikon D7000 hỗ trợ quay video ở độ phân giải Full HD 1080p, tốc độ quét 24 hình/giây. Máy còn cho phép gắn micro mở rộng để đạt được chất lượng âm thanh tốt hơn đồng thời loại bỏ tiếng ồn do cơ chế lấy nét trong ống kính gây nên. File video xuất ra được mã hóa theo chuẩn H.264/MPEG-4 AVC nên dung lượng khá nhỏ nhưng đòi hỏi máy tính xử lý phải có cấu hình tương đối cao. Trong quá trình quay, D7000 hỗ trợ thêm tính năng lấy nét toàn phần AF-F giúp liên tục theo dõi và lấy nét chính xác vào đối tượng chuyển động trong khung hình mà không cần phải nhấn nhiều lần nút nhá chụp.

Cân bằng điện tử giúp người dùng canh thẳng đường chân trời mà không cần dùng tới thước livo cơ học. Ảnh: Nikon.
Cân bằng điện tử giúp người dùng canh thẳng đường chân trời mà không cần dùng tới thước livo cơ học. Ảnh: Nikon.

Ngoài những thay đổi quan trọng trong cấu hình, Nikon D7000 còn được trang bị thêm nhiều tính năng phụ khác như hệ thống cân bằng điện tử (Electronic virtual horizon), bộ chỉnh sửa ảnh và video tích hợp, chế độ chụp U1, U2 giúp lưu các thiết lập cá nhân... Màn trập của D7000 có tuổi thọ cao, khoảng 150.000 lần so với 100.000 lần của D90. Pin lithium EN-EL15 đi kèm máy có thể chụp được hơn 1.000 kiểu ảnh theo thử nghiệm của CIPA.

Nikon D7000 sẽ được bán với mức giá đề nghị là 1.200 USD cho thân máy hoặc 1.500 USD cho bộ kit gồm thân máy và ống zoom 18-105mm VR. Mức giá này hiện cao hơn model D90 mới khoảng 300 USD.

Nguyễn Tất Việt check gia
Nguyễn Tất Việt check gia
Trả lời 12 năm trước

Hàng đẹp, nhưng mỗi tội giá vẫn còn hơn mắc, và không phải tay nghiệp dư nào cũng cầm nó lên mà chụp đẹp được.

Cảm ơn về REVIEW.

TM.Store