Người cao tuổi phải đối mặt với điều gì?

[:)][:)][:)]
chuyengia
chuyengia
Trả lời 16 năm trước
Trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, đến một lúc nào đó ta giật mình thấy sự già nua đang tiến dần. Đi bên cạnh tuổi già là biết bao điều lo toan, không phải cơm áo gạo tiền, không phải một mái ấm… mà chính là bản thân mình… [b] Sự suy yếu về thể chất[/b] Chỉ cần một biến cố nhỏ xảy ra cho sức khỏe, người cao tuổi cũng không thể chống chọi được như thời trẻ trung. Chính sự thay đổi cơ thể trong quá trình tích tuổi đã làm cho sức khỏe ngày càng giảm sút. Cơ thể lúc trẻ cao lớn, khỏe mạnh là thế nhưng khi về già thì thấp bé lại do cả chiều cao và cân nặng đều giảm. Sự mất chiều cao này có thể do hiện tượng loãng xương và cân nặng giảm do khối cơ và lượng nước trong cơ thể giảm. Người già xương cốt rệu rã. Nếu xương trẻ như cành cây non, dễ gãy khi bị chấn thương và cũng dễ lành, thì xương của người già lại chẳng khác gì cành gỗ mục, rất giòn và dễ gãy, nhưng lại khó lành. Chỉ cần gượng chân khi trượt một cái vỏ chuối, dù không té ngã cũng có thể dẫn đến gãy xương! Trẻ khôn ra, già lú lại. Sự giảm số lượng tế bào vỏ não và vi tuần hoàn não đã gây nên hiện tượng giảm trí nhớ ở người cao tuổi, dẫn đến lẩm cẩm và lú lẫn khi về già. Người già ăn uống, tiêu hóa khó khăn. Một số người cao tuổi khỏe mạnh thì có thể vẫn thấy thèm ăn, nhưng với người yếu hơn thì lại hay có cảm giác chán ăn do không thấy đói. Chán ăn, nhai nuốt khó do cơ nhai và xương hàm đều teo, răng thì lung lay và mất càng làm người già lười ăn hơn nữa. Như vậy lại càng dễ bị suy dinh dưỡng hơn. Các tuyến nước bọt cũng teo nên hoạt tính tiêu hóa của nước bọt giảm sút. Do đó, thức ăn cho người cao tuổi cần phải mềm để dễ nhai nuốt, nhưng không nên xay nhuyễn vì sẽ làm giảm mùi vị ngon của thức ăn. Trương lực và sức co bóp dạ dày cũng giảm dễ dẫn đến sa dạ dày, giảm bài tiết dịch vị nên tiêu hóa thức ăn kém. Nhu động ruột giảm nên dễ bị táo bón, táo bón kéo dài thì các vi sinh vật gây thối rữa trong ruột sẽ phát triển làm đầy hơi, đầy hơi lâu ngày sẽ đẩy cơ hoành lên cao gây khó thở, ảnh hưởng đến hoạt động của cơ tim. Như vậy, chỉ một bộ máy tiêu hóa kém hoạt động cũng đã gây ra biết bao phiền toái cho người cao tuổi. Không chỉ thế, sự dung nạp chất bột đường ở người cao tuổi cũng bị giảm nên dễ tăng đường huyết nếu chế độ ăn giàu bột đường nhất là các loại đường hấp thu nhanh. Men giúp ly giải mô mỡ cũng giảm hoạt động nên dễ có khuynh hướng thừa mỡ trong máu, tạo các mảng xơ làm cứng thành mạch gây ra cao huyết áp. Vì thế, người cao tuổi nên hạn chế chất béo, đặc biệt là mỡ động vật và nên thay bằng dầu thực vật. Khả năng tiêu hóa, hấp thu và tổng hợp chất đạm ở người cao tuổi kém, dễ xảy ra tình trạng thiếu đạm. Do đó, người cao tuổi nên ăn cá vì cá chứa nhiều đạm dễ tiêu hóa, lại có thêm một số acid béo cần thiết cho cơ thể có tác dụng bảo vệ. Ngoài ra, cũng nên thay đạm động vật bằng một số đạm thực vật như đậu nành và các loại đậu khác. Người cao tuổi cũng dễ bị thiếu nước do ít cảm thấy khát nước. Hoạt động tiêu hóa và hấp thu thường kém hiệu quả hơn lúc trẻ nên càng về già thì lại càng dễ bị suy dinh dưỡng. Đi kèm với suy dinh dưỡng là tình trạng thiếu sinh tố (như sinh tố C) và các chất khoáng, nhất là Canxi nên dễ bị loãng xương (trường hợp thường gặp ở phụ nữ mãn kinh), thiếu sắt gây ra thiếu máu. [b] Nỗi lo lắng về tinh thần[/b] Thời điểm bắt đầu nghỉ hưu, thường là giai đoạn chuyển đổi từ tuổi trung niên sang cao tuổi, nếu không được chuẩn bị chu đáo về mặt tinh thần thì người cao tuổi rất dễ bị sốc, vì không chỉ phải đối mặt với sự giảm sút sức khỏe bản thân rất rõ rệt mà còn phải chịu cảnh cô độc, luôn quanh quẩn trong nhà suốt ngày trong khi con cái đi làm vắng. Cảm giác không giúp ích cho đời, không làm ra tiền, lúc nào cũng chỉ đối mặt với bản thân, không biết nói chuyện với ai lại càng làm cho người già dễ cảm thấy tủi thân, bi quan, cuộc sống không còn ý nghĩa gì nữa. Nhiều cụ già đã không tránh khỏi hiện tượng trầm cảm do sự cô độc gây ra. Cũng thật may vì người Việt Nam vẫn còn tập quán sống chung nhiều thế hệ trong một nhà. Ông bà được gần gũi, truyền đạt những kinh nghiệm quý báu của mình cho con cháu, được bồng bế cháu trên tay nên cảm thấy lạc quan, yêu đời hơn. Sống dựa vào đồng lương của con cháu cũng là một nỗi buồn mà người già hay day dứt, dẫn đến chỗ không dám ăn vì sợ tốn kém của con. Từ cuộc điều tra tình trạng dinh dưỡng của người cao tuổi 2001 do Trung tâm Dinh dưỡng tiến hành đã cho thấy tỉ lệ người cao tuổi sống chủ yếu bằng thu nhập bản thân rất thấp (28,3%). Đây có thể là một trong những nguyên nhân khiến họ luôn lo âu và không thoải mái về tinh thần vì phải sống dựa vào người khác. Cuộc điều tra cũng cho thấy gần 50% người cao tuổi nói rằng họ luôn lo âu, lo cho việc làm ăn của con cái dù chẳng giúp được gì, lo cho hạnh phúc của con, lo cho sức khỏe bản thân… Chỉ khoảng 34% người cao tuổi thấy thoải mái hoàn toàn về tinh thần. Tục ngữ ta có câu “Muốn có tuổi cao niên, tránh ưu phiền hờn giận”. Điều này cũng đúng thôi vì sự hờn giận dễ làm huyết áp tăng cao, mà huyết áp tăng trong khi mạch máu không còn mềm dẻo nữa thì sẽ rất dễ vỡ, gây các tai biến tim mạch và có thể bị đột tử. Do đó, người cao tuổi nếu biết gìn giữ sức khỏe bằng chế độ ăn phù hợp, đi bộ thường xuyên, sống thanh thản, lạc quan thì sẽ kéo dài được tuổi thọ. Hiện tượng lão hóa không thể dừng lại theo thời gian, nhưng nếu biết vận dụng thời gian rảnh rỗi khi về hưu để tập thể dục ở các công viên, tham gia các sinh hoạt của người cao tuổi, đàm đạo, uống trà cùng các bạn già, chăm sóc cây cảnh thì chẳng những sức khỏe của người cao tuổi sẽ hồi phục, xương và cơ bắp chắc lại, mà tinh thần cũng sảng khoái và yêu đời hơn. Con cháu sẽ rất vui mừng vì ông bà sống thọ và khỏe mạnh cùng gia đình. [right] BS. Trần Thị Minh Hạnh[/right]