Rượu ngâm rễ cây thuốc phiện: 'Thần dược' từ đồn thổi?

[b]Các nhà chuyên môn khẳng định loại rượu được đồn thổi là đại bổ với đàn ông này có hại cho sức khỏe. Lượng ma tuý trong rượu chiếm tỷ lệ thấp, nhưng chắc chắn ảnh hưởng nhiều đến thần kinh người sử dụng.[/b] [b]"Thần dược" từ đồn thổi[/b] Triệt phá cây thuốc phiện, sau đó đốt cả cây và rễ, một biện pháp để ngăn chặn việc dùng rễ cây thuốc phiện. Mấy hôm trước, L. - một gã buôn lậu điện thoại có tiếng ở Khâm Thiên mời chúng tôi tham gia một cuộc nhậu tại nhà hàng T.B. trong một hẻm hun hút ở phố Hàm Long (Hà Nội). Tại đây, chúng tôi lần đầu tiên được giới thiệu với rượu ngâm rễ thuốc phiện, một "đặc sản" quí hiếm từ miền ngược chuyển về, với những công dụng chỉ nghe đã thấy đúng là... thần dược. Không ít người trong bàn tiệc còn hùng hồn tuyên bố rằng đây là thứ "quốc hồn", "quốc tửu", một phát minh vĩ đại từ văn hoá ăn uống vùng cao! Bữa tiệc hôm đó, chỉ riêng bình rượu 2 lít, bên trong có mấy thứ rễ cây loằng ngoằng, uống hơi hăng hắc, L. phải móc túi trả 1,8 triệu đồng. L. nháy mắt đầy ẩn ý: "Đêm nay về ông sẽ thấy tiền nào của đấy". Về chẳng thấy hiệu quả đâu, nhưng tôi thấy đầu đau muốn vỡ tung, sáng ra gọi điện cho L., gã cười khùng khục: "Có lẽ ông không hợp, chứ tôi đã cho một kết quả mỹ mãn đấy". Mang theo nỗi ám ảnh về thần dược rượu ngâm rễ cây thuốc phiện, trong chuyến công tác vừa qua tại tỉnh Yên Bái, chúng tôi đã lên tận huyện Trạm Tấu, đây là một trong những nơi cung cấp khá lớn loại rượu "thần dược" được đồn thổi. Dân nhậu Yên Bái vẫn nói đùa rằng đây là rượu… một ba tám! Nguyên do có tên gọi này bởi một số địa phương có Ban chỉ đạo 138 về phòng chống tái trồng cây thuốc phiện. Qua tìm hiểu được biết, từ lâu người dân vùng cao vẫn có thói quen uống loại rượu ngâm rễ cây thuốc phiện, nhưng chỉ 2 năm trở lại đây mới rộ lên phong trào uống loại rượu này. Hồi cuối năm 2008, đầu năm 2009, rễ cây thuốc phiện tươi (hoặc khô) vẫn được những người dân tộc bày bán công khai, với giá từ 150 đến trên 200 ngàn đồng/kg rễ cây khô. Những bình rượu ngâm rễ cây thuốc phiện có giá từ 200 đến 500 ngàn, nếu bình nào có quả thuốc phiện khô (đã chích nhựa) có thể lên 800 đến 1,2 triệu đồng tuỳ theo dung tích từ 2 - 3 lít. [b]Đi tìm quê hương của… "thần dược"[/b] Qua tìm hiểu được biết nguồn cung cấp loại rượu này hầu hết là từ những người dân một số xã vùng cao của huyện Trạm Tấu (Yên Bái) như: Bản Mù, Bản Công, Xà Hồ, Túc Đán, Làng Nhì và Tà Si Láng. Một số khu vực giáp ranh với huyện Phù Yên, Bắc Yên (Sơn La). Những năm gần đây, tại một số xã của huyện, đặc biệt là khu vực giáp ranh với tỉnh Sơn La, tình trạng tái trồng cây thuốc phiện diễn ra khá phức tạp. Mô tả ảnh. Qua thống kê, niên vụ 2005 - 2006, trên địa bàn huyện vẫn còn 137,1ha cây thuốc phiện, niên vụ 2007 - 2008, còn 4,3ha, niên vụ 2008 - 2009, chỉ còn 1,7ha. Chính quyền và các ngành chức năng của huyện đã tăng cường lực lượng, tổ chức nhiều đợt ra quân triệt phá diện tích các nương trồng cây thuốc phiện tại các địa bàn. Sau khi cây thuốc phiện bị phá nhổ, những người dân do tiếc rẻ đã thu gom rễ đem phơi khô hoặc ngâm rượu bán ra thị trường. Một đồn mười, mười đồn trăm về sự đại bổ, thần dược của rễ cây thuốc phiện đã làm cho nó trở nên có giá trị; càng có giá trị hơn khi nó ngày càng hiếm vì do không dễ kiếm, vì gần đây, UBND tỉnh Yên Bái có văn bản nghiêm cấm mua bán, tàng trữ và sử dụng các sản phẩm từ rễ cây thuốc phiện. Ông Hà Chí Họp - Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu cho rằng, công tác chống tái trồng cây thuốc phiện sẽ rất khó khăn sau khi dẫn cứ sự việc nêu trên và e ngại diện tích tái trồng sẽ tăng vọt nếu như không có biện pháp đồng bộ ngăn chặn việc tàng trữ, tiêu thụ các sản phẩm từ thân, rễ, quả cây thuốc phiện tái trồng bị triệt phá. Thời gian qua, lực lượng chức năng ở một số địa phương đã kiểm tra, thu giữ các sản phẩm này nên thị trường tiêu thụ đã không còn công khai sôi động như trước. Tuy nhiên, "cầu" đang rất lớn, thị hiếu kỳ quái của người tiêu dùng - chủ yếu là các đệ tử lưu linh đang ngầm kích thích "cung" cho thị trường. Tác dụng thì chưa có ai kiểm chứng nhưng người người đua nhau mua như một mốt đã và đang gây những khó khăn nhất định cho công tác chống tái trồng cây thuốc phiện. Thượng tá Lục Văn Tiên, Trưởng Công an huyện Trạm Tấu cho biết, tình trạng này đã và đang diễn ra cả một thời gian dài, nhưng các cơ quan chức năng cũng khó xử lý, vì theo quy định của Bộ luật Hình sự không có các điều khoản quy định về hành vi tàng trữ, mua bán, vận chuyển rễ cây thuốc phiện. [b]Sự thật về công dụng của "thần dược"[/b] Công dụng thì chẳng thấy đâu, nhưng thực tế đã có không ít vụ ngộ độc rượu ngâm rễ cây thuốc phiện do sử dụng quá nhiều. Gần đây, 6 bợm nhậu ở xã Bản Mù, Trạm Tấu, Yên Bái đã phải vào viện cấp cứu do ngộ độc rượu ngâm rễ cây thuốc phiện ở Bệnh viện Y học cổ truyền Yên Bái. Thuốc phiện cũng là loại dược liệu để bào chế thuốc, sử dụng rất nhiều trong cả đông y và tây y. Tìm hiểu về công dụng thực sự của loại rượu ngâm rễ cây thuốc phiện này, chúng tôi đã đi tìm gặp những nhà chuyên môn của ngành đông y để có những giải thích cho vấn đề này. Tiến sỹ Nguyễn Thị Minh Tâm, nguyên Trưởng khoa Dược của Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, hiện là cố vấn của bệnh viện, người có nhiều nghiên cứu về các loại cây thuốc dùng trong đông y và mới đây bà là phó chủ nhiệm một đề tài khoa học cấp quốc gia về một loại thuốc cắt cơn nghiện mới đang được triển khai ứng dụng tại nhiều trung tâm cai nghiện. Theo tiến sỹ Tâm, hiện chưa có những nghiên cứu khoa học đầy đủ về rễ của cây thuốc phiện. Tuy nhiên, theo các tài liệu khoa học, rễ cây thuốc phiện cũng chứa một hàm lượng nhỏ moocphin và heroin. Thực chất loại rượu ngâm rễ cây thuốc phiện không phải là loại thần dược như người ta tuyên truyền. Bởi rễ của cây thuốc phiện nếu có cũng chỉ mang một chút đặc tính của quả cây. Trong khi đó, tất cả các nghiên cứu khoa học đều chỉ ra rằng thuốc phiện chưa bao giờ là có lợi cho sức khỏe. Thuốc phiện chỉ có tác dụng an thần, giảm đau. Nhưng cũng phải dùng đúng liều lượng mới phát huy được tác dụng. Dùng thuốc phiện có thể gây táo bón. Nếu dùng quá liều có thể gây ngộ độc, chết người. Thuốc phiện là thứ nguy hiểm, tạo cho người dùng thần kinh ảo gây nghiện. Cây thuốc phiện cũng là một loại cây nằm trong danh mục cây thuốc chữa bệnh. Nhưng ngay trong việc dùng cho mục đích chữa bệnh cũng phải thận trọng. Thông qua các nhà chuyên môn để bào chế thành thuốc mới có thể dùng chứ không thể dùng trực tiếp từ cây tươi. Vậy nên những lời quảng cáo như thế về loại rượu ngâm rễ cây thuốc phiện là hoàn toàn không đúng và không có tính khoa học. Tiến sỹ Tâm nhấn mạnh, hiện chưa có một nghiên cứu cụ thể, nhưng ở rễ cây thuốc phiện từng thời điểm sẽ chứa chất moocphin và hêrôin bởi rễ cây chưa chuyển hết các chất đó lên thân cây và lên quả. Do vậy khi uống rượu ngâm loại rễ vào thời điểm này, khả năng gây nghiện rất cao. Khuyến cáo mọi người không nên uống loại rượu này. Nếu uống nhiều, các đặc tính của thuốc phiện sẽ tích tụ dần trong người gây nghiện (bản chất của thuốc phiện) khiến người uống thấy thích nên cứ uống mãi. Lâu dần sẽ rất có hại cho thần kinh, không có lợi cho sức khoẻ. Tại một số vùng cao ở tỉnh Yên Bái đang được cho là nơi cung cấp nhiều nhất loại rượu này. Và cũng là địa phương thực tế cũng đã có một số người cụ thể phải nhập viện cấp cứu do lạm dụng loại rượu này. Trao đổi với chúng tôi, BS Bùi Văn Hải, Phó Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Yên Bái cho biết: "Uống rượu ngâm các loại rễ cây, trong đó có rễ cây thuốc phiện là một trong những thói quen của người vùng cao. Sự thật về công dụng của loại rượu này cũng chỉ là do đồn thổi, đến nay cũng chưa có một tài liệu nào nói về công dụng của rễ cây thuốc phiện dùng để làm thuốc. Trong thực tế, những chất ma tuý chỉ có trong nhựa thuốc phiện, thân đặc biệt là rễ nếu có cũng không đáng kể, chính vì vậy, luật pháp ta cũng không qui định xử lí những hành vi liên quan đến rễ cây thuốc phiện". BS Đặng Thị Như Hoa, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Yên Bái cũng khẳng định, hiện nay cũng chưa có công trình hay tài liệu nghiên cứu về công dụng của rễ cây thuốc phiện. Uống loại rượu này, dù có thể lượng ma tuý trong rượu chiếm tỷ lệ thấp, nhưng chắc chắn có nhiều ảnh hưởng đến thần kinh người sử dụng. Theo một cán bộ của Phòng CSĐT tội phạm về ma tuý - Công an tỉnh Yên Bái, nếu uống nhiều loại rượu này thì khi thử cũng dương tính với ma tuý. Việc các tin đồn về loại rượu lan truyền sẽ khiến nhiều đệ tử lưu linh tìm mua và sẽ khó cho các địa phương, đặc biệt ở các vùng cao heo hút trong kiểm soát việc tái trồng cây thuốc phiện. Với việc tác dụng của loại rượu này được các nhà chuyên môn khẳng định có hại cho sức khỏe và khuyến cáo người dân không nên tìm mua và uống. Các cơ quan chức năng cần phải có những biện pháp cụ thể, không để tin đồn về loại rượu này lan rộng và được mua bán rộng rãi. Rất cần thiết phải xây dựng các chế tài xử lý đối với những người lén lút bán loại rượu này [right] (Theo CAND)[/right]
tun cua di
tun cua di
Trả lời 14 năm trước
Thanks vì thông tin có ích.