Hàng Trung Quốc chui vào cửa hàng 'made in Vietnam'?

Trong khi người tiêu dùng ngày càng e ngại mua phải hàng Trung Quốc kém chất lượng, thì không ít doanh nghiệp, người bán hàng đã lập lờ thay nhãn mác hàng Trung Quốc thành hàng Việt Nam hoặc một số nước khác để lừa người tiêu dùng.

Vàng thau lẫn lộn

Tình trạng này diễn ra phổ biến ở nhiều mặt hàng tiêu dùng, từ quần áo, trái cây, hàng gia dụng đến các vật dụng có giá trị như thiết bị điện tử, xe đạp, điện thoại di động…

Nhiều mặt hàng  Trung Quốc được nhà sản xuất gắn mác hàng Việt Nam để lừa khách hàng.

Nhiều mặt hàng Trung Quốc được nhà sản xuất gắn mác hàng Việt Nam để lừa khách hàng.

Trước Tết, chị Khương Thúy Hạnh (quận Ba Đình) có mua một chiếc áo khoác cho con tại cửa hàng Made in Vietnam trên dốc Tam Đa. Mác giấy gắn ở cổ áo ghi rõ là Made in Vietnam.

Nhưng mấy hôm sau, khi giặt áo chị Hạnh mới phát hiện ra là mác vải gắn ở trong áo là Made in China cùng với một lô chữ Trung Quốc. Thì ra cửa hàng đó đã trộn hàng Trung Quốc vào rồi gắn mác Việt Nam để dễ bán và bán với giá cao.

“Từ sau đó tôi cảnh giác luôn với tất cả các hàng hóa gắn mác Made in Vietnam. Rất có thể các nhà kinh doanh đã dán mác Vietnam lên các hàng hóa của Trung Quốc để đánh lừa người tiêu dùng”, chị Hạnh bức xúc nói.

Tại các chợ ở Hà Nội, các loại trái cây Trung Quốc được bày bán khá nhiều, đặc biệt là táo, lê, nho, lựu. Thế nhưng chúng luôn được giới thiệu là trái cây trong nước hoặc nhập từ Thái Lan, Chile, Mỹ...

Như cam vàng Trung Quốc được gắn dưới cái tên cam Vinh… Thậm chí một số loại rau như: súp lơ, cà rốt, củ cải Trung Quốc cũng được biến thành rau, củ Đà Lạt, Sa Pa,... Dù cảnh giác, các bà nội trợ cũng không thể xác định hết nguồn gốc hàng hóa cho bữa cơm hằng ngày.

Tuần trước, bác Bình (nhà số 84 Pháo Đài Láng, Hà Nội) đi chợ thấy củ cải trắng ngon, nhìn bắt mắt lại được chị bán hàng giới thiệu là “hàng quê” nên bác mua liền mấy cân về ăn dần.

Buổi chiều bác cắt nửa củ để nấu cháo cho cháu nhỏ ăn rồi đem cất vào tủ lạnh. Tuy nhiên, sáng hôm sau bác mở tủ lạnh ra thì rất ngạc nhiên vì nửa củ cải hôm trước bỗng dưng phình to ra gấp rưỡi. Đến lúc ấy bác mới biết đó là loại củ cải Trung Quốc có sử dụng hóa chất kích thích sinh trưởng nhanh.

Tình trạng lập lờ hàng Trung Quốc không chỉ diễn ra phổ biến ở các mặt hàng tiêu dùng mà ngay các đồ gia dụng, điện máy cũng thường xuyên xảy ra. Thậm chí, nhiều sản phẩm Trung Quốc còn có tên na ná như hàng Nhật.

Anh Nguyễn Văn D. (Hải Dương) cho biết: Tháng trước anh vừa mua một màn hình máy tính LCD trên đường Lê Thanh Nghị, Hà Nội. Người bán hàng tư vấn đây là màn hình máy tính của Nhật, lắp ráp tại Việt Nam, siêu mỏng, giá 3.400.000 đồng.

Cùng với đó là một bảng giới thiệu sản phẩm dày đặc chữ ghi đủ các loại chức năng, công dụng,... khiến khách hàng hoa cả mắt.

Thế nhưng sau một thời gian sử dụng, màn hình bị trục trặc, anh Dũng đem máy qua chỗ người quen sửa thì được biết toàn bộ là “made in China”. Định đem ra cửa hàng bán để khiếu nại thì anh mới vỡ lẽ hóa đơn mua hàng không hề ghi nơi xuất xứ.

Nói là hàng Trung Quốc thì chỉ có ế!

Theo một tiểu thương chợ Đồng Xuân (Hà Nội) chuyên bán nhãn mác để gắn vào quần áo, gần đây khi người tiêu dùng không tin vào chất lượng hàng Trung Quốc, thì các đơn hàng đặt mua nhãn mác “Made in Vietnam” theo đó cũng đắt hàng.

“Bây giờ mà nói hàng Trung Quốc thì chỉ có ế hàng. Nhưng không bán hàng Trung Quốc thì cũng khó có lãi vì người mua thì tham rẻ nhưng lại đòi chất lượng khá nên phải lập lờ thế mới làm ăn được”.

Giá cả phải chăng, đường kim mũi chỉ chắc tay, mẫu mã tuy không đẹp nhưng bền. Chất lượng vải vóc có thể bảo vệ sức khỏe, không sử dụng hóa chất, đặc biệt là quần áo trẻ em đã khiến cho hàng “Made in Việt Nam” ngày càng được nhiều người tiêu dùng yên tâm lựa chọn.

Tại Hà Nội hiện nay chỉ có khoảng 8 cửa hàng “Made in Vietnam” thuộc hệ thống Vietbrothers, tuy nhiên thực tế lại có trên 20 cửa hàng mang nhãn hiệu này. Trên phố Kim Mã, chỉ trên đoạn đường từ số 425 đến 455 đã có 3 cửa hàng với những loại biển màu đỏ và màu đen khác nhau. Tất nhiên, giá cả của các cửa hàng này cũng đa dạng. Cùng một kiểu dáng, chất liệu, nhãn mác như nhau nhưng giá mỗi nơi một khác.

Theo chị Lan Anh, nhân viên cửa hàng “Made in Vietnam” tại 27 Phan Đình Phùng (thuộc hệ thống Vietbrothers), hiện nay có nhiều shop tư nhân tự phát và lấy thương hiệu “Made in Vietnam”. Tại các shop này, ngoài hàng nội mà còn có cả hàng xuất xứ Trung Quốc, Thái Lan, Hong Kong hoặc Campuchia.

“Trước đây, nguồn hàng mang thương hiệu Việt được nhập chủ yếu từ hàng lỗi, xuất khẩu thừa đi các nước châu Âu hoặc quần áo gia công (vải và thiết kế theo nước ngoài nhưng may tại Việt Nam). Tuy nhiên, thời gian gần đây, các loại quần áo bày bán tại “Made in Vietnam” gồm cả những lô hàng chất lượng đảm bảo lấy từ các công ty chuyên xuất khẩu”, chị Lan Anh cho biết.

Còn theo anh Long (cửa hàng 455 Kim Mã) thì hàng của “Made in Vietnam” thường có kích cỡ lớn hơn hàng Trung Quốc vì đây chủ yếu là hàng xuất khẩu. Mặt khác chất liệu và giá thành của các sản phẩm này cũng đắt hơn so với những mặt hàng cùng loại bán ở cửa hàng khác.

Theo kinh nghiệm của anh Long, quần áo Trung Quốc thường được làm bằng các chất liệu vải không tốt, dễ bị phai màu, nhanh giãn. Khi gắn mác thường hay mắc sai sót như mác cũ cắt chưa hết, mác mới không tương đồng với thương hiệu trên áo, giá thường rẻ và có thể mặc cả được.


tun cua di
tun cua di
Trả lời 14 năm trước

Các bạn mua hàng cẩn thận nhé.