Phân biệt ti-vi Plasma và LCD?

Nguyen Thi Trang
Nguyen Thi Trang
Trả lời 14 năm trước
Cùng màn hình ti-vi mỏng, nhẹ, diện tích lớn, 2 loại ti-vi phẳng là plasma và LCD luôn khiến người tiêu dùng băn khoăn khi lựa chọn công nghệ…

Do xu hướng giảm giá của các nhà sản xuất, việc sở hữu một chiếc ti-vi màn hình phẳng đã trở nên phổ biến với người tiêu dùng. Tuy nhiên, không phải khách hàng nào cũng có thể phân biệt được sự khác biệt của 2 dòng ti-vi phẳng đẳng cấp này.

Ti-vi Plasma

Plasma là công nghệ sử dụng tấm hiển thị (panel) thay thế cho ống phóng tia cathode (CRT). Về cơ bản, các màn hình plasma đều có thiết kế màn hình rộng (wide-screen), có tỷ lệ chiều rộng: chiều cao 16:9 là tiêu chuẩn của các ti-vi có độ phân giải cao, rất gần với tỷ lệ được sử dụng cho đa số các phim hiện đại. Kích thước màn hình thông thường từ 42 đến 61inch, với mức giá dao động từ 13 triệu (40 inch) trở lên.

Theo các chuyên gia về giải trí, để xây dựng một rạp hát, rạp phim gia đình, màn hình plasma chiếm ưu thế bởi có thể hiển thị các tông màu đen chính xác hơn LCD, tức là độ tương phản và tính chi tiết của các màu tối đạt được ở TV plasma tốt hơn. Đồng thời, khả năng hiển thị các cảnh phim hành động và nội dung thể thao cũng cao hơn. Bên cạnh đó, màn hình plasma cho góc nhìn rộng hơn LCD. Thông thường, người tiêu dùng sẽ thấy độ sáng và màu sắc của hình ảnh trên màn hình LCD sẽ mờ nhạt hẳn khi xem ở các góc nhìn hẹp, trong khi ở TV plasma vẫn nguyên vẹn.

Ti-vi LCD

Công nghệ màn hình tinh thể lỏng LCD (liquid crystal display) sử dụng 2 tấm vật liệu được phân cực bằng một dung dịch tinh thể lỏng nằm giữa. Nhìn chung, màn hình LCD có kích thước từ 15 tới 65 inch, có giá từ 7 triệu trở lên (loại 32 inch)

Bên cạnh giá cả cạnh tranh, LCD vượt lên công nghệ đối thủ plasma ở khá nhiều thông số chìa khóa khác. Ở cùng tầm kích thước, sản phẩm này hơn plasma về độ phân giải tự nhiên, tức là đạt được nhiều điểm ảnh hơn. Đặc biệt, các màn hình độ phân giải cao sẽ giúp hiển thị hình ảnh 1.080 dòng quét (1080i/p) trung thực hơn và LCD dường như là địa chỉ tin cậy hơn về tỷ trọng HDTV.

LCD còn ngốn ít điện năng hơn màn hình Plasma. Thống kê cho thấy, sản phẩm này tiết kiệm tới 30% so với công nghệ đối thủ. LCD cũng nhẹ hơn TV plasma nếu so sánh ở cùng kích thước, nên dễ dàng hơn cho việc di chuyển cũng như gắn tường.

Màn hình LCD còn có tuổi thọ dài hơn, đồng thời miễn nhiễm với hiện tượng cháy hình (hiện tượng cháy hình xảy ra khi một hình ảnh được hiển thị quá lâu trên màn hình, tạo ra một bóng ma vĩnh viễn lưu trên đó).

Lựa chọn sản phẩm phù hợp

Nếu người dùng đang tìm kiếm TV màn hình lớn từ 50 inch trở lên, plasma là lựa chọn an toàn do mạnh hơn về chất lượng hình ảnh. Với tầm 46 inch trở xuống, đặc biệt là dưới 40 inch, LCD là công nghệ độc nhất hiện nay.

Điều quan trọng nhất là giá bán của LCD ngày càng mềm đi. Đồng thời, màn hình LCD là lựa chọn hợp lý cho căn phòng có ánh sáng mặt trời hoặc hoặc khi người dùng cần một màn hình có thể vừa là ti-vi vừa là màn hình máy tính.

Tuy nhiên, bất kể là LCD hay plasma, người dùng cần để ý tới việc tích hợp bộ thu tín hiệu truyền hình. Một hộp kênh analog là tính năng tiêu chuẩn, nhưng giờ đây người ta đang tìm kiếm các model được tích hợp đầu thu truyền hình số (digital tuner) và truyền hình độ nét cao HDTV (HDTV tuner).


(Theo TNO )
Phạm Thu Hà
Phạm Thu Hà
Trả lời 12 năm trước

Ưu điểm của màn hình Plasma là tốc độ hiển thị hình ảnh nhanh hơn so với màn hình LCD nhưng ngược lại TV Plasma lại cần một hệ thống thông gió tạo ra tiếng ồn khó chịu. Trong khi đó, TV LCD tuyệt nhiên không thấy.

- Chất lượng hình ảnh: ưu điểm màn hình Plasma là có tốc độ hiển thị hình ảnh nhanh hơn so với màn hình LCD. Điều này được cảm nhận rõ nét nhất đối với các pha phim hành động: Người xem sẽ thấy các động tác đánh đấm trên màn hình Plasma “điêu luyện” hơn. Nhưng ngược lại, TV Plasma lại cần một hệ thống thông gió tạo ra tiếng ồn khó chịu, một bất lợi mà TV LCD không gặp phải.

Plasma có các điểm tự phát sáng nên độ tương phản (contrast), độ sáng (brightness) cao và có góc nhìn rộng. Tốc độ đáp ứng sự thay đổi của hình ảnh, ánh sáng nhanh nhưng khá nặng và tiêu thụ năng lượng cao. Ở kích thước từ 42 inch trở xuống, giá TV Plasma cao hơn LCD. Nhưng ở kích thước từ 42 inch trở lên thì giá hai loại gần bằng nhau.

Với LCD, các điểm được chiếu sáng từ sau nên độ tương phản và độ sáng thấp, tạo nên góc nhìn hẹp hơn Plasma và tốc độ chậm nên hình chuyển động nhanh bị nhoè. Nếu so cùng kích thước, LCD nhẹ hơn Plasma và ít hao điện hơn.

Mặt khác, công nghệ Plasma được đánh giá là “chịu đựng tốt hơn những tác động của yếu tố thời gian”, và “lão hoá đồng bộ hơn”, tức màn hình Plasma sẽ “thọ” và “đẹp lão” hơn màn hình LCD.

Nên mua loại màn hình nhỏ hay lớn

Với một chiếc TV màn hình quá nhỏ, bạn có thể sẽ thất vọng vì không cảm thụ được tối đa chi tiết những cảnh quay hoành tráng. Nhưng nếu màn hình của bạn quá lớn thì những khuyết tật của hình ảnh từ nguồn phát (chất lượng đĩa, chất lượng hình ảnh thu từ anten, từ đài phát…) cũng lộ rõ hơn. Vậy nên cần chú ý đến diện tích của căn phòng nơi bạn đặt TV. Ý kiến chuyên môn đề nghị: Khoảng cách từ người xem đến TV tối thiểu phải bằng gấp 3 lần độ dài đường chéo của màn hình. Ví dụ, khi xem một màn hình 42 inch, bạn phải ngồi cách xa ít nhất là 3m2, vì ở khoảng cách xem phù hợp bạn có thể thấy rõ các chi tiết mà không bị các khuyết tật của hình ảnh gây khó chịu.

LCD đang chiếm ưu thế

Trên thị trường, TV LCD đang lấn lướt Plasma nhờ giá rẻ, công nghệ hiển thị hình ảnh được cải tiến nhiều và mức độ “bề thế” không kém gì TV màn hình Plasma. Với TV LCD, mỗi hãng đều quảng bá một công nghệ riêng khác nhau và xem đó như là một ưu thế cạnh tranh. Chẳng hạn Panasonic quảng bá công nghệ “hệ thống vượt tốc” ở dòng TV Viera nhằm làm giảm độ nhoè hình, Toshiba nhấn mạnh đến công nghệ mới của mình với “bộ não chuyên nghiệp”, LG có công nghệ XD-Engine, Samsung với DNIe… Mỗi công nghệ nói trên đều tạo ra một số khác biệt về chất lượng hình ảnh, âm thanh. Nhưng nhìn chung, khi chọn mua TV LCD, người tiêu dùng nên chú ý đến những điểm sau:

Góc nhìn: Gần đây, góc nhìn của một số model LCD đã đạt gần tới hạn. Có loại có góc nhìn lên tới 178 độ. Góc nhìn càng lớn thì càng giúp cho người xem có thể xem rõ hình ảnh trên màn hình khi ngồi ở những góc rộng tương ứng.

Thời gian đáp ứng: Thời gian đáp ứng càng nhanh thì hình ảnh càng sắc nét, không bị nhoè. Loại TV LCD có thời gian đáp ứng phổ biến hiện nay là 8 ms.

Độ phân giải: Trên những dòng TV LCD mới, độ phân giải của hình ảnh tăng lên rất nhiều... Độ phân giải càng cao thì hình ảnh càng mịn, rõ nét, trung thực. Tuy nhiên, điều này còn lệ thuộc vào tín hiệu từ nguồn phát mà TV thu nhận được. Do vậy, nếu dùng TV có độ phân giải cao để thu tín hiệu của truyền hình số, truyền hình analog hiện được phát từ các đài truyền hình thì chất lượng hình ảnh cũng không khác nhiều so với TV thường vì chất lượng ảnh nguồn có độ phân giải không cao. Chỉ có một số cải thiện nhờ vào công nghệ sửa lỗi như tự động điều chỉnh độ sáng tối, màu sắc ở một số loại TV LCD.

Độ tương phản: Tính năng này càng cao thì càng giúp hình ảnh thể hiện được nhiều sắc độ và màu sắc gần giống với thực hơn. Hiện đa số TV LCD có độ tương phản từ 4000:1 đến 5000:1, thậm chí cao hơn.

Sau khi lướt qua những thông số quan trọng nói trên, cũng cần chú ý đến những tính năng, công nghệ khác mà một chiếc TV LCD có thể có. Đó là khả năng kết nối được mở rộng tới đâu để giúp người sử dụng không chỉ kết nối TV với các thiết bị audio video thông dụng, mà còn có thể dùng kết nối với máy tính và những thiết bị kỹ thuật số khác như camera, camcorder, thiết bị chơi game...