Nón bảo hiểm hơi VITHY - Cần một hội đồng khoa học để nghiệm thu??!

Xét về tính tiện lợi của nón bảo hiểm hơi (nhẹ, mới lại, độc đáo, bền, đẹp, tiện dụng...) nhưng vẫn chưa được hợp chuẩn, hợp quy dành cho xe máy!!!thì có nên cần một  hội đồng khoa học để kiểm tra (độ an toàn, chất lượng), nghiệm thu và bảo vệ cho nón theo như thông tin dưới đây của SGTT hay không??? Nếu như sản phẩm ưu việt thì tại sao lại không được cho lưu hành??? Ai đã từng sử dụng nón bảo hiểm hơi cùng tham gia góp ý kiến nhé!

Mũ bảo hiểm hơi - Cần một hội đồng khoa học nghiệm thu

SGTT - Người làm ra loại mũ bảo hiểm bằng hơi là ông Võ Văn Bé, 50 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TP.HCM. Ông Bé cho biết, cách đây mười năm, em trai của ông bị tai nạn xe gắn máy, mặc dù có đội mũ bảo hiểm nhưng vẫn bị chấn thương sọ não và tử vong. Từ đó, ông nung nấu ý tưởng làm một chiếc mũ thật tốt để không có gia đình nào phải chịu nỗi đau mất người thân như gia đình ông.

 

Ông Võ Văn Bé đang bơm hơi vào chiếc mũ

Là một công nhân ngành cơ khí chế tạo máy của nhà máy Sinco nhưng ông Bé lại có niềm đam mê nghiên cứu công nghệ hơi. Bằng chứng là ông đã có rất nhiều sản phẩm như: gối hơi, áo phao, nệm hơi, dây đai hơi. Tuy nhiên về mũ hơi thì dù phải “tìm đỏ con mắt” vẫn không ở đâu có thông tin và tài liệu. Do vậy, ông phải cất công nghiên cứu gần 10 năm trời và dựa vào nguyên lý tản lực (nghĩa là khi tác động một lực vào mũ bảo hiểm hơi thì lực đó sẽ được tản đều ra khắp mũ thay vì tập trung một chỗ) mới có thể cho ra đời chiếc mũ hơi được cấu tạo bằng những múi hơi liên thông với nhau. Mũ này đảm bảo cho đầu tránh được xung chấn khi va đập và có tác dụng gây thông thoáng và mát khi đội.

Không đội thì xì hơi bỏ túi

Theo mô tả của ông Bé, ngoài cùng là lớp vỏ trang trí không thấm nước, chịu được lực ma sát, lực kéo căng và va đập. Kế tiếp là lớp nhựa đặc biệt EVA dùng để chứa hơi. Lớp nhựa này có ưu điểm giữ hơi lâu, tiếp theo là lớp vải bố chịu lực. Ba lớp này được ép bằng máy thuỷ lực và gia nhiệt để chúng kết dính chặt với nhau, trong cùng là lớp lót dạng lưới. Tất cả các chất liệu vải sử dụng làm mũ đều là vải tiệt trùng, không gây mùi hôi, ngứa da đầu cho người đội. Sau khi sử dụng một thời gian có thể đem giặt sạch sẽ. Khách hàng mua nón được nhà sản xuất tặng kèm bơm tay hoặc khách hàng có thể dùng bơm bánh xe để bơm.

Sản phẩm mũ bảo hiểm hơi đã được trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng) cấp giấy chứng nhận kiểm định chất lượng đạt tiêu chuẩn lưu hành dành cho người đi xe đạp và xe trẻ em. Mũ bảo hiểm hơi cũng đã được bộ Công an và cục Giao thông đường bộ Việt Nam cho phép lưu hành rộng rãi trên toàn quốc và có thể xuất khẩu ra nước ngoài như các loại mũ bảo hiểm thông thường khác. Khối lượng của mũ bảo hiểm hơi giảm đến 60% khối lượng của mũ bảo hiểm thông thường, với giá bán khoảng 140.000 đồng cho mũ trẻ em và 190.000 đồng cho mũ người lớn. Loại mũ bảo hiểm này có đặc điểm nhẹ nên rất phù hợp cho người già và trẻ nhỏ, có thể xì hết hơi khi không sử dụng.

Nhiều câu hỏi cần lời giải đáp

Theo ông Bé, mong muốn của ông là mũ hơi sẽ được sử dụng cho người chạy xe gắn máy sau khi đã nghiên cứu cải tiến để giữ hơi được lâu. Hiện ông đã gửi đơn hợp chuẩn cho xe gắn máy lên tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam và đang chờ kết quả. Điều ông mong muốn nhất là có một hội đồng khoa học để đánh giá và kiểm định chất lượng và tiêu chuẩn hợp chuẩn sử dụng cho xe gắn máy.

Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Phạm Xuân Mai, giảng viên khoa kỹ thuật giao thông, trường đại học Bách khoa TP.HCM nhận định: Về mặt cấu tạo, kết cấu, chất liệu đã đảm bảo cho một chiếc mũ bảo hiểm xe máy, nhưng chiếc mũ này phải được mang đi thử về mặt tiêu chuẩn của Nhà nước về mũ bảo hiểm xe gắn máy và phải được đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, quy định trách nhiệm của người sản xuất. Mũ này sử dụng bằng hơi, ít bị vỡ khi va đập, tuy nhiên hơi này không tồn tại vĩnh cửu, van có tốt mấy thì đến một lúc nào đó cũng sẽ giảm hơi. Nhà sản xuất phải chứng minh được rằng độ hơi nào (áp suất) ở mức độ nào là tốt nhất, căng quá cũng không được và mềm quá cũng không được. Người đội loại mũ này không biết áp suất như thế nào là vừa đủ, không biết lúc nào thì phải bơm lại, điều đó gây khó chịu và lo ngại cho người sử dụng. Mũ này đội bao lâu thì đi kiểm tra lại và kiểm tra ở đâu, nhà sản xuất phải chứng minh được điều này để đảm bảo cho người sử dụng.

Theo SGTT

Nào cùng tham gia bình luận bạn nhé!

Chưa có câu trả lời nào