Bạn biết gì về bướu não ở trẻ em?

Trả lời 16 năm trước
Cháu T. 10 tuổi, học sinh tiểu học ở T. G. thường bị nhức đầu bất chợt và hay quên. Cơn đau đầu giảm đi khi cháu được cho uống thuốc giảm đau. Cha mẹ cháu cứ nghĩ cháu bị nhức đầu thông thường. Hai tháng sau, tình trạng nhức đầu của cháu ngày càng nhiều hơn, thường xuyên hơn và có kèm theo nôn ói vào buổi sáng. Cháu có cảm giác yếu 2 chân, đi lại không vững và hay ngủ gà ngủ gật. Cháu T. được đưa đi khám bệnh tại bệnh viện tỉnh và sau đó chuyển đến bệnh viện chuyên khoa TPHCM với chẩn đoán: theo dõi bướu não. Bướu não ở trẻ em là gì? Não là bộ phận vô cùng quan trọng của hệ thần kinh trung ương, nằm trong hộp sọ, có chức năng chỉ huy, điều hòa mọi cảm giác, vận động và các hoạt động thần kinh cao cấp khác như: trí nhớ, trí thông minh của con người. Bướu não là dạng bệnh ác tính khá thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi. Nó chiếm tỷ lệ khoảng 15% và đứng hàng thứ 2 trong các loại bệnh ung thư trẻ em (sau bệnh bạch cầu cấp hay còn được gọi là ung thư máu) nhưng gây tử vong cho trẻ em cao nhất (khoảng 45%). Tại sao trẻ bị bướu não? Hiện nay, nguyên nhân gây bệnh bướu não vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên người ta nhận thấy: trẻ đã qua điều trị bằng xạ trị vào sọ não về sau dễ bị bướu não hơn các trẻ khác. Có mấy loại bướu não? Về phương diện bệnh học, bướu não trẻ em được phân ra làm nhiều loại tùy theo nguồn gốc tế bào và bao gồm: bướu sao bào (Astrocytoma) thường gặp nhất, chiếm khoảng 40% bướu não ở trẻ em; bướu nguyên bào tủy (Medulloblastoma) chiếm 20%. Bướu ống nội tủy (Ependymona), u thân não, bướu não, bướu sọ hầu.. chiếm tỷ lệ ít hơn. Triệu chứng bệnh ra sao? Lúc đầu, bệnh diễn tiến âm thầm và hầu như không có biểu hiện gì. Về sau, tùy độ tuổi của trẻ và vị trí của bướu não, một số triệu chứng bất thường dần dần xuất hiện và ngày càng rõ rệt như: - Nhức đầu thường xuyên, lặp đi lặp lại và ngày càng tăng dần. - Nôn ói, ói nhiều, ói vọt vào buổi sáng sớm. - Thay đổi tâm tính, trí nhớ giảm sút. - Mất ngủ hay trẻ trở nên ngủ li bì. - Một số dấu chứng thần kinh: co giật, méo miệng, nuốt sặc, yếu liệt tay chân, bước đi lảo đảo. - Ðôi khi trẻ kêu than với cha mẹ: mắt nhìn không rõ, hoặc nhìn thấy hai hình. Ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, triệu chứng tăng áp lực nội sọ xảy đến sớm và rõ hơn như nôn ói kéo dài, đầu to nhanh bất thường. Bé có biểu hiện dễ bị kích thích, hay giật mình, hay quấy khóc hoặc bé ngủ gật li bì. Bạn phải làm gì khi con bạn có những dấu chứng nêu trên? Phải đưa trẻ đi khám bác sĩ ngay. Ngoài việc thăm khám bệnh và đánh giá cẩn thận, các phương tiện chẩn đoán hình ảnh như: chụp cắt lớp điện toán CT Scan hay chụp cộng hưởng từ MRI sọ não sẽ giúp các thầy thuốc xác định vị trí, kích thước, tính chất khối bướu não. Hơn nữa, nó cũng là cơ sở để đánh giá khả năng mổ được hay không đối với khối bướu não. Ðiều trị bướu não thế nào? Mổ lấy trọn vẹn khối u não, nếu được, đóng vai trò quyết định tương lai của trẻ mắc bệnh này vì kết quả điều trị tùy thuộc vị trí khối bướu, tính chất mô bệnh học và phẫu thuật có lấy hết được khối bướu hay không. Xạ trị sau mổ cũng rất cần thiết và quan trọng nhằm tiêu diệt phần khối u còn sót lại. Xạ trị không thực hiện ở trẻ em dưới 3 tuổi vì biến chứng của tia phóng xạ đến tình trạng não của trẻ đang phát triển rất lớn. Ngày nay, hóa trị cũng có vai trò hỗ trợ đặc biệt trong việc điều trị bướu não trẻ em. Hóa trị sau mổ và xạ trị đã cải thiện rõ rệt thời gian sống thêm và chất lượng cuộc sống cho trẻ bị bướu não. Kết quả điều trị bằng phương pháp mổ lấy trọn khối u kết hợp với xạ trị và hóa trị ở một số nước tiên tiến trên thế giới cho thấy khoảng 60% trẻ bị bướu sao bào ở hố não sau có khả năng sống thêm 5 - 10 năm. Chậm phát triển về thể chất, về tâm trí; dễ bị động kinh là một số di chứng lâu dài có thể gặp ở trẻ bị bướu não đã điều trị. Có thể phát hiện sớm bướu não trẻ em không? Triệu chứng khởi đầu của trẻ bị bướu não gần như không có, trừ biểu hiện nhức đầu rất thông thường. Gia đình các cháu nhỏ thường ít khi quan tâm, hay đi khám bệnh. Nhiều thầy thuốc cũng không nghĩ đến bướu não. Tuy nhiên theo BS. Albright A. L. "Nhức đầu thường xuyên, tái đi tái lại là một dấu hiệu báo động khả năng có bướu não ở trẻ em ngay khi khám thần kinh bình thường". Vì vậy, cha mẹ, thầy cô giáo, các cô nuôi dạy trẻ. trong sinh hoạt và giao tiếp với trẻ hàng ngày, cần hết sức lưu ý một số biểu hiện bất thường nếu có như: nhức đầu tái đi tái lại, nôn ói vào buổi sáng sớm, đột nhiên thay đổi tâm tính hoặc yếu liệt tay chân, đi đứng không vững. Nên cho trẻ đi khám bệnh ngay, thật sớm để phát hiện sớm bướu não nếu có và chữa trị kịp thời.