Mùi hôi khó chịu ở tai - phải làm sao?

Tai tôi thường hay bị đọng mủ và có mùi hôi rất khó chịu. Tôi đã đi khám ở bệnh viện, được cho biết là phải mổ, những cũng không hết hẳn được. Tôi uống thuốc thì tan mủ và không còn hôi nữa, nhưng nghỉ uống thuốc vài ngày lại bị lại. Mong chỉ giúp tôi.
Trả lời 15 năm trước
Nguyên nhân gây tình trạng chảy mủ tai, có mùi hôi thường là do viêm tai giữa hoặc viêm tai xương chũm. Khi viêm cấp tính đường hô hấp, tất cả các niêm mạc ở mũi, họng, xoang tai… đều có thể bị viêm. Nếu cơ thể khỏe mạnh, có sức đề kháng thì có thể chống lại quá trình viêm nhiễm này; ngược lại khi sức đề kháng giảm thì có thể xảy ra viêm tai giữa, nhiễm khuẩn. Tác nhân gây bệnh lúc đầu thường là do virus, vi khuẩn như liên cầu, phế cầu, tụ cầu... Các giai đoạn tổn thương của bệnh bao gồm: viêm xung huyết và tiết dịch (có thể khỏi hoàn toàn), giai đoạn viêm mủ nếu được điều trị đúng cách cũng có khả năng khỏi bệnh hoàn toàn. Ngược lại, bệnh có thể chuyển thành mạn tính hoặc chuyển sang giai đoạn viêm tai xương chũm (ở giai đoạn này cần phẫu thuật mới khỏi được). Tình trạng bệnh của bạn, tái diễn nhiều lần thì có thể đã chuyển sang giai đoạn mạn tính. Thường được coi là viêm tai giữa mạn tính khi quá trình viêm tai giữa đã tiến triển trong thời gian dài. Có 2 loại viêm tai giữa là mạn nhày và mạn mủ hôi. Viêm tai gữa mạn nhày không nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đôi chút nhưng loại này có thể tự khỏi, để lại vết sẹo hoặc lỗ thủng màng nhĩ, di chứng với các mức độ điếc khác nhau. Còn thể viêm tai giữa chảy mủ hôi, mủ thối do viêm xương thì không thể điều trị khỏi bằng thuốc mà phải phẫu thuật và cần được điều trị sớm để tránh các biến chứng nguy hiểm khác, đồng thời phải làm kháng sinh đồ để lựa chọn kháng sinh thích hợp. Do vậy bạn cần được khám tại chuyên khoa sâu về tai mũi họng để được chẩn đoán chính xác giai đoạn, từ đó lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.