Bài thơ “Đề đền Sám Nghi Đống” của Hồ Xuân Hương là một bài thơ tức cảnh độc đáo trong nền thơ cổ dân tộc. Hãy phân tích bài thơ?

Nguyen Thi Huyen Trang
Nguyen Thi Huyen Trang
Trả lời 15 năm trước
Viết về bọn Thái thú phương Bắc, bọn tướng tá xâm lược của Thiên triều thì bài thơ “Đề đền Sầm Nghi Đống” của Hồ Xuân Hương là đặc sắc nhất, thú vị nhất: “Ghé mắt trông ngang thấy bảng treo, Kìa đền Thái thú đứng cheo leo; Ví đây đổi phận làm trai được Thì sự anh hùng há bấy nhiêu?” Bài thơ nhắc người đọc nhớ đến một sự kiện lịch sử oanh liệt của dân tộc ta. Tết Kỷ Dậu 1789, Vua Quang Trung đại phá quân Thanh. Xác giặc chất cao như núi tại gò Đống Đa: “Thành Nam thập nhị kình nghê quán” (Phía Nam thành (Thăng Long) mười hai gò xác giặc). Đồn Khương Thượng bị tiêu diệt, tướng giặc Sầm Nghi Đống thất trận, khiếp đảm đã thắt cổ chết thảm hại, Hàng ạn giặc bị giết: “Một trận rồng lửa giặc tan tành” (Ngô Ngọc Du). Mấy chục năm sau, Hồ Xuân Hương đi qua ngôi đền tên tướng giặc Sầm Nghi Đống do Hoa kiều dựng lên, tức cảnh làm bài thơ này. Bài thơ biểu lộ một thái độ khinh bỉ được thể hiện bằng giọng thơ chế giễu đa nghĩa. Hai câu đầu tả ngôi đền và cách nhìn của nữ sĩ. Hồ Xuân Hương nhân tiện đi qua, vô tình “trông ngang” mà chợt “thấy” ngôi đền của quan Thái thú. Bà mỉm cười và nghĩ: một tướng giặc đi cướp nước người thất trận (vô dũng, vô mưu) đã hèn hạ thắt cổ chết. “Trăm năm bia đá chẳng mòn – Nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”. Bà ứng khẩu thành thơ: “Ghé mắt trông ngang thấy bảng treo”. “Ghé mắt trông ngang” là một cái nhìn bằng nửa con mắt, khinh dẻ. Ngôn từ và giọng điệu thơ bỡn cợt, khinh thị, sắc nhọn. Nữ sĩ tả qua ngôi đền, tả thực bằng hai nét: mặt tiền là cái “bảng treo”; thế đứng của ngôi đền rất “cheo leo”, không chút uy nghi, vững vàng, lại heo hút! Những đền đài tráng lệ thường treo đại tự, hoành phi sơn son thiếp vàng, nhưng đền Sầm Nghi Đống chỉ có cái “bảng treo”, tầm thường quá! Một nét vẽ châm biếm thân tình – Hai tiếng “Thái thú” là một lời kết tội đanh thép đối với bọn quan lại tướng tá Thiên Triều, lũ con cháu của Tô Định, Mã Viện… ngày xưa. Giọng điệu mỉa mai bật lên chính ở 2 tiếng “Thái thú” ấy: “Kìa đền Thái thú đứng cheo leo” “Kìa” là đại từ để trỏ một vật từ xa. Trong văn cảnh từ “kìa” biểu cảm sự ngạc nhiên đến khó hiểu. Sầm Nghi Đống cầm quân bị đánh tơi tả, thắt cổ chết nhục nhã mà nay lại được đền thờ ư? Khó hiểu quá! Hài hước quá! Nếu hai câu đầu nói lên một cách nhìn, một cách tả khinh rẻ, phủ định thì hai câu cuối nêu lên sự giả định – so sánh hết sức sâu sắc thú vị. Nữ sĩ vận dụng cách nói mỉa mai, nói kháy của dân gian để chế giễu cái nhân cách tầm thường, đớn hèn của vị “hổ tướng” Thiên triều: “Ví đây đổi phận làm trai được Thì sự anh hùng há bấy nhiêu?” “Đây” là đại từ nhân xưng, chỉ dùng trong đối ngoại suồng sã, thân mật giữa những người cùng vai phải lứa, ngang hàng. Đối thoại với quan Thái thú thần linh mà nữ si xưng là “đây”, thế là xược, rất coi thường. Ngang tàng quá! Rồi nữ sĩ lại đem mình ra, một người đàn bà Giao Chỉ, so sánh với vị tướng Thiên triều về cái “sự anh hùng” mới lạ chứ? Hồ Xuân Hương không viết: “sự nghiệp anh hùng” vì trang trọng, không hợp giọng điệu và thái độ cần có nên có đối với vị “thần” ấy. “Thì sự anh hùng há bấy nhiêu?” – câu thơ châm biếm nhắc lại cái chết nhục nhã, hèn nhát của tên tướng giặc phương Bắc. Một câu hỏi tu từ rất “đắt”, xuất hiện đúng lúc, đặt đúng chỗ làm cho sự giễu cợt, hài hước nhân lên mười lần. Bài thơ “Đề đền Sầm Nghi Đống” còn mang một hàm nghĩa sâu xa. Đanh giá nhân cách - sự anh hùng - của Sầm Nghi Đống, nữ sĩ muốn nói lên “tầm vóc” của nữ sĩ phương Nam. Bà đã ý thức và tự hào về tài năng, phẩm hạnh của mình, của giới mình. Bà đã chế giễu nhân cách tầm thường, cách xử sự tầm thường của những kẻ mày râu, những “trang nam nhi”, “bậc quân tử” bất tài, vô hạnh trong xã hội. “Đề đền Sầm Nghi Đống” là bài thơ tức cảnh độc đáo. Thể thơ thất ngôn tứ tuyệt đã được Việt hoá cao độ từ giọng điệu, ngôn từ đến ý thơ. Cách nhìn, cách tả, cách so sánh và suy nghĩ cho thấy một lối nói trào phúng, sắc nhọn. Bài thơ đa nghĩa, hóm hỉnh, sâu sắc. Hồ Xuân Hương đã đứng trên lập trường dân tộc để tức cảnh làm thơ “Đề đền Sầm Nghi Đống”.
Kim
Kim
Trả lời 15 năm trước
Đây là bài thơ đề vịnh nhân vật đền miếu rất độc đáo. Tác giả thể hiện cái nhìn khinh thị đối với ngôi đền thờ cúng và cả sự nghiệp anh hùng anh hùng của một thái thú bại trận. Qua đó đề cao tài trí người phụ nữ, chống lại cái trật tự xã hội trọng nam khinh nữ thời bấy giờ. * Thái độ khinh thị: " Ghé mắt .... cheo leo" Nhà thơ tình cờ tạt qua, mới thấy ngôi đền. Nhìn bảng treo bà mới biết " đền thái thú". Trước đền thờ, bà không cung kính vái chào lại " ghé mắt", " trông ngang" rồi chỉ trỏ - Hai câu thơ đã thể hiện cách nhìn khinh thị và ngạo ngược của bà đối với ngôi đền tướng giặc. * Một bản tuyên ngôn, một sự khẳng định về nữ quyền: " Ví đây ... há bấy nhiêu". - Lời thơ là sự phê phán và khẳng định một cách trịch thượng. Chê cười giới mày râu tài trí hèn kém, khẳng định dõng dạc phụ nữ có thể làm được sự nghiệp anh hùng to lớn hơn nhiều. - Bài thơ thể hiện tài năng sử dụng ngôn ngữ, chuyển khẩu ngữ thành ngôn ngữ văn học, giọng thơ trào phúng độc đáo, nó có giá trị và ý nghĩa như một bản tuyên ngôn về nữ quyền.