Hà nội: 5 vạn hộ dân chen nhau vỡ đầu... nộp tiền điện?

Mỗi cuối tháng, hơn 50 ngàn hộ dân lại tự tính lượng điện đã dùng trong tháng để mang tiền đến Điện lực Hà Đông nộp. Nộp muộn bị cắt ngay; để được đóng điện cũng phải xếp hàng bởi số nhà chờ "thông dây" rất đông. Tháng 12/2008, vợ chồng chị Vũ Phương Lan chuyển đến chung cư CT 1B tại khu đô thị Văn Quán, Q. Hà Đông. Hà Nội. Điều chị Lan lấy làm lạ là không thấy nhân viên điện lực nào đến thu tiền điện, chỉ đến 2/1/2009, khi nhà bị cắt điện, chị mới ngã ngửa: ở đây cứ cuối tháng là phải đến Điện lực Hà Đông để nộp tiền. "Chúng tôi cũng không nhận được bất cứ một thông báo nào về việc sẽ bị cắt điện do nộp tiền trễ để biết đường mà đi đóng", chị Lan phân trần. Sau khi nộp phạt vì nộp tiền điện muộn, chị Lan gọi hàng chục cuộc điện thoại để xin sở điện cho thông đường điện. Nhưng cuối cùng, nhà chị cũng phải chịu 4-5 ngày không điện mà nguyên nhân, theo nhân viên điện lực là "có quá nhiều người bị cắt và cần được đóng điện". Thậm chí có trường hợp như em Linh, hàng xóm nhà chị Lan, do cạn sức chịu đựng sau 1 tuần không điện, đã đến tận Điện lực Hà Đông đón một nhân viên về nhà để... đóng điện cho nhà mình. [b]5 vạn hộ dân, không 1 hoá đơn[/b] Được biết, hiện nay trên toàn quận Hà Đông, hơn 50.000 hộ dân cứ đúng hẹn từ 21-28 hàng tháng sẽ phải đến các quầy thu tại Điện lực Hà Đông để nộp tiền điện. Những hộ dân nộp trễ sẽ có ngày thu vét vào cuối tháng, còn những hộ không nộp đúng hạn sẽ bị cắt điện và phải đến số 4 Trưng Nhị, Hà Đông để nộp phạt. Điều làm hàng vạn người bức xúc là Điện lực Hà Đông không có bất cứ một thông báo nào đến người dân về mức điện năng tiêu thụ trong tháng, mỗi hộ phải tự ước chừng lượng điện nhà mình tiêu thụ để đem tiền đến nộp. Chị Lan chia sẻ: "Đi đóng tiền điện mà bị động như vậy rất khó chịu. Hơn nữa, tại sao chúng tôi đóng giá điện như những nơi khác mà họ được đến nhà thu còn chúng tôi, mỗi tháng lại phải nghỉ hẳn 1 ngày làm việc để đi nộp tiền điện?". Vào đợt đóng tiền điện cuối tháng 8/2009 tại Hà Đông, theo quan sát của phóng viên, người đi đóng tiền điện hầu hết là các bác đã nghỉ hưu, ngồi chờ trong một căn phòng nhỏ tại phố Ngô Thì Nhậm, Hà Đông. Ngay bên cạnh là lớp học của các cháu bé. Theo người dân cho biết có những ngày điện lực nghỉ không thu tiền điện cũng không có thông báo, người dân đến rồi lại phải ngán ngẩm ra về. [b] Thu tiền điện tại quầy - bình thường và hợp lý?[/b] [b]Việc thu tiền điện khá "thủ công", nhân viên lật tìm các hóa đơn. [/b] Trao đổi với phóng viên VietNamNet về việc thu tiền điện tại quầy ở Hà Đông, bà Nguyễn Thị Minh Huệ, Phó phòng thường trực Tuyên truyền thi đua Điện lực Hà Nội cho rằng "đây là một việc hết sức bình thường". Bà Huệ đồng thời khẳng định rằng hiện na toàn miền Bắc (trừ Hà Nội cũ) đang thực hiện thu tiền điện tại quầy. Đây là việc được thực hiện tại Hà Đông từ khi mới có điện. Đây cũng là một điều khoản được ghi rõ trong hợp đồng mua bán điện giữa người dân và Điện lực chứ không phải do Điện lực Hà Đông áp đặt khách hàng". Tuy nhiên, khảo sát của PV VietNamNet không như khẳng định của bà Huệ. Tại một số tỉnh miền Bắc như Nam Định, Hải Phòng, Thái Bình, thậm chí khu vực vừa sáp nhập Hà Nội như Hà Đông là Thường Tín..., đều đang thực hiện thu tiền điện tại nhà. Về việc các hộ dân không được thông báo mức điện năng hàng tháng trước khi nộp tiền điện, bà Huệ giải thích: "Việc này trước đây đã được hiện nhưng chúng tôi có hơn 2 triệu khách hàng, tương đương với hơn 2 triệu tờ thông báo. Như vậy là không cần thiết và rất lãng phí trong khi Chính phủ đang kêu gọi thực hiện tiết kiệm". Bà nhấn thêm: "Khách hàng phải tự áng chừng số điện năng chứ, điều đó đâu khó gì!". Nộp tiền điện tại nhà: Cả phường phải làm lại hợp đồng Theo bà Nguyễn Thị Minh Huệ, "Nếu các hộ dân muốn thu tiền điện tại nhà thì có thể đến kí lại hợp đồng với Điện lực và đưa ra yêu cầu thu tiền điện tại nhà. Ngoài ra, khách hàng còn có thể thanh toán qua tài khoản ngân hàng". Trả lời về vấn đề này, ông Bùi Thanh Bình, Giám đốc Điện lực Hà Đông cho biết: "Số lượng khách hàng yêu cầu thu tiền điện tại nhà phải đủ đông (1 phường - PV) thì chúng tôi mới có thể tổ chức lại sản xuất. Cho đến nay, tôi thấy việc tổ chức sản xuất của chúng tôi là hoàn toàn hợp lý, vẫn hoàn thành được 98-99%. Chúng tôi cũng không nhận được bất cứ thư hay công văn khiếu nại nào từ khách hàng". Theo thông báo ngày 5/8/2009 của Điện lực Hà Đông thì Điện lực Hà Đông có hợp tác với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tây và Ngân hàng Công Thương Hà Tây, khách hàng có thể làm đơn để thanh toán tiền điện qua hai ngân hàng trên. Nhưng theo ý kiến của một số người dân tại khu đô thị Văn Quán, Hà Đông, nếu khách hàng không được trả lương tại hai ngân hàng trên sẽ phải mở thêm tài khoản và phải đến ngân hàng nộp tiền vào tài khoản để thanh toán và ý kiến của người dân là: có khác gì đi nộp tiền điện đâu. Chị Lan chia sẻ: "Nói gửi phản ánh đến Điện lực thì chúng tôi có biết là phải gửi theo hình thức nào và đến đâu? Người dân bình thường nào có thể được gặp ông giám đốc sở điện? Bình thường đi nộp tiền điện ai cũng kêu ca, nhân viên thu tiền điện đều biết, sao họ không phản ánh lên cấp trên?".
tun cua di
tun cua di
Trả lời 14 năm trước
Một hình thức cửa quyền của Điện lực Hà Đông còn tồn tại đã quá rõ, người dân Hà Đông rất bất bình, biện minh của bà Huệ Phó trưởng phòng thi đua là không thể chấp nhận được, vì hợp đồng là do Điện lực áp đặt (soạn sẵn) ai không ký thì không được cấp điện. Hơn nữa kể từ khi lắp đặt đồng hồ công tơ không bao giờ được kiểm tra và thay thế định kỳ. Đã đến lúc Điện lực Hà Nội nên chỉ đạo ĐL Hà Đông trấn chỉnh kẻo tức nước vỡ bờ. Tôi cam đoan rằng nếu có một Công ty cấp điện thứ 2 cung cấp điện cho dân thì bà Huệ còn dám phát ngôn cửa quyền như vậy nữa không, ĐL Hà Đông nên cẩn thận trong việc sử dụng người phát ngôn ra công luận cần hiểu biết đạo lý và Luật pháp.
phuong trinh
phuong trinh
Trả lời 14 năm trước
Công ty điện lực Hà nội nên xem lại cách phục vụ Báo VietNamNet đã phản ánh đúng tâm tư nguyện vọng của tất cả bà con đang sinh sống tại khu đô thị Văn Quán – Yên Phúc thuộc Quận Hà Đông – HN. Trước đây tôi sống ở phường Thanh Xuân Nam (Hà Nội cũ) thì việc thu tiền điện rất thuận tiện. Nhân viên thu tiền điện rất nhiệt tình trong quá trình thu tiền điện. Có gia đình nhân viên phải đi lại từ hai đến ba lần mới thu được tiền của khách hàng (vì khách hàng đi công tác hoặc có việc riêng ở quê mất mấy ngày), nhưng không kêu ca gì. Thậm chí nhân viên thu tiền điện còn rất tâm lý là không thu tiền điện vào các ngày mồng 1 âm lịch hàng tháng vì kiêng là ngày đầu tháng đối với một số hộ kinh doanh. Thế nhưng kể từ ngày gia đình tôi chuyển về ở khu đô thị Văn Quán - Yên Phúc thì thật bức xúc đúng như báo điện tử VietNamNet và một số hộ đã phản ánh gây bức xúc cho người dân. Việc bà Nguyễn Thị Minh Huệ - Phó trưởng phòng thường trực phòng Thi đua tuyền truyền thuộc Công ty điện lực Hà Nội trả lời cho đó là việc bình thường thì tôi thấy càng thất vọng. Mặt khác theo như Bà Huệ trả lời: “Đây cũng là một điều khoản được ghi rõ trong hợp đồng mua bán điện giữa người dân và Điện lực chứ không phải do Điện lực Hà Đông áp đặt khách hàng". Xin thưa với Bà Phó trưởng phòng thi đua tuyên truyền là các điều khoản trong hợp đồng là do điện lực của quý bà tự soạn sẵn và khách hàng phải ký vào chứ không được thỏa thuận gì cả, đây là loại hợp đồng một chiều chỉ có lợi cho bên bán, mọi rủi ro đều thuộc về khách hàng sử dụng điện. Thậm chí có ngày mất điện vài lần chúng tôi cũng không được thông báo lý do cũng như nhã ý bồi thường thiệt hại (nếu có) từ phía điện lực. Nếu có hỏi thì được trả lời là “ sự cố kỹ thuật, sự cố bất khả kháng…”. Thật là thất vọng với cung các làm việc của một số người, một số bộ phận đâu đó từ thế kỷ XX. Hy vọng điện lực Hà Nội nói riêng và EVN nói chung nên có phương pháp phục vụ ít ra cũng như tại Hà Nội cũ. Thủ đô mở rọng nhưng cách phục vụ không nên thụt lùi. Trân trọng!