Các nhà khoa học Việt Nam

NamTam
NamTam
Trả lời 15 năm trước
[b]GS-VS NGUYỄN CẢNH TOÀN - THIÊN TÀI LỖI LẠC THẾ KỶ XXI[/b] [b]GS-VS Nguyễn Cảnh Toàn là nhà khoa học lớn, có nhiều đóng góp cho hai ngành toán học và giáo dục Việt Nam. Ngày 25.5.2005, Viện Tiểu sử Danh nhân Quốc tế Hoa Kỳ đã phong tặng ông danh hiệu "Thiên tài lỗi lạc thế kỷ XXI". Nhân dịp này, phóng viên Tạp chí Hoạt động Khoa học đã có cuộc trao đổi cùng GS-VS. Những ý kiến của ông rất đáng để chúng ta cùng suy ngẫm.[/b] Được biết GS vừa mới được Viện Tiểu sử Danh nhân Quốc tế Hoa Kỳ phong tặng danh hiệu cao quý "Thiên tài lỗi lạc thế kỷ XXI" cho những đóng góp trên hai lĩnh vực toán học và giáo dục. Trước hết xin được chúc mừng GS và xin đề nghị GS cho biết đôi nét về con đường dẫn đến thành công . Con đường dẫn đến thành công là "cách học". Ngay từ tiểu học, tôi đã có cách học với mấy đặc điểm sau đây: 1) Chủ động tìm học, tự học, luôn không bằng lòng với những hiểu biết hiện có, luôn tự đặt ra những câu hỏi: Tại sao? Thế nào? Rồi tự tìm cách trả lời; 2) Học ở trường với thầy, học ở sách, học cả lúc đi chơi, học kiến thức, học cách tư duy, cách làm việc, rèn nhân cách. Để cho rõ, xin lấy một ví dụ: năm học lớp 6, lần đầu tiên tôi được đi tàu hoả. Tò mò tôi muốn biết đoàn tàu có tốc độ trung bình là bao nhiêu, có giống như tốc độ nói đến trong các đề toán thầy ra ở trường không? Câu hỏi này dễ trả lời: cứ xem đồng hồ và các cột kilômét bên đường thì tính ra ngay tốc độ trung bình của tàu. Nhưng tôi chưa bằng lòng, lại muốn làm sao biết được tốc độ tàu vào ban đêm, khi không còn thấy được các cột kilômét bên đường. Thế là lại suy nghĩ. Nghĩ mãi không ra thì gặp lúc tàu đến một ga vừa lúc một đoàn tàu ngược chiều chuyển bánh; tôi quan sát thấy mỗi lần bánh xe lăn trên chỗ ráp nối hai thanh ray thì lại phát ra một tiếng động, do vậy khi tàu chạy, nghe rào rào mà có nhịp. Đếm nhịp trong một phút thì biết tàu chạy một phút qua được bao nhiêu thanh ray và muốn biết chiều dài của mỗi thanh ray thì đếm nhịp giữa hai cột kilômét kề nhau (phải tận dụng lúc trời còn sáng, còn thấy được các cột kilômét là biết được 1 kilômét có bao nhiêu thanh ray). Từ đó trở đi, tôi chỉ cần nhìn đồng hồ và đếm nhịp là biết được tốc độ tàu. Có thể coi đây là một đề tài khoa học rất nhỏ cho học sinh lớp 6. Đó là cách học lúc đi chơi. Qua đề tài trên tôi chẳng học thêm được kiến thức khoa học gì nhưng tự học thêm được những kiến thức thực tế (như các tốc độ thực tế của tàu, chiều dài một thanh ray) và tự luyện bộ óc cho nó năng động, tránh sức ì. Với việc học trên lớp, tôi hay tò mò muốn biết xem lớp trên mình họ học những gì và với những điều kích thích mạnh sự tò mò thì tìm cách tự học một cách lén lút, không dám công khai vì sợ bị chế diễu. Cứ thế tôi quen dần với việc tự học qua sách. Điều đó cho phép tôi nhảy từ lớp 11 lên thẳng lớp 13 (hồi đó hệ thống học phổ thông gồm 13 lớp). Đỗ tú tài xong, tôi chỉ học đại học được 5 tháng thì Nhật đảo chính Pháp (9.3.1945) và từ đó trở đi các biến cố lịch sử không cho phép tôi trở lại trường học mà toàn tự học, tự nghiên cứu. Nhờ có cách học chủ động, sáng tạo, học đi đôi với hành nên tôi tự học, tự nghiên cứu rất thuận lợi, lần lượt có bằng cử nhân, các học vị tiến sĩ, tiến sĩ khoa học và phát minh ra một hình học mới gọi là hình học siêu phi ơclit vì nó trùm lên hình học phi ơclit mà Lôbasepxki là người mở đầu. Từ thực tiễn bản thân, tôi rất tâm đắc với câu nói: "Ngày nay, học trước hết và chủ yếu là học cách học; học lấy cái thông minh đã dẫn dắt người ta đến kiến thức quan trọng hơn việc học để biết kiến thức đó". Một nhà bác học cũng đã nói: "Học để biết rằng quả đất quay xung quanh mặt trời chứ không phải mặt trời quay xung quanh quả đất không quan trọng bằng học cho biết con người đã vận dụng trí thông minh như thế nào để đi đến kiến thức đó". Đối với lĩnh vực toán học, theo GS hiện chúng ta đang đứng ở vị trí nào và cần phải làm gì trong tương lai? Trước hết, phải trả lời cho rõ câu hỏi: học toán, nghiên cứu toán học để làm gì? Phổ biến hiện nay là người ta nghĩ rằng, học toán là để có các kiến thức toán học mà dùng trong đời sống hàng ngày (toán phổ thông) và để học các môn học khác, nhất là để học các khoa học tự nhiên và kỹ thuật (toán phổ thông và toán cao cấp). Nghĩ như vậy không sai nhưng chưa đủ. Thời đại ngày nay, trong giáo dục - đào tạo, người ta yêu cầu cao về việc rèn óc thông minh sáng tạo, tính năng động thích nghi với những thay đổi nhanh đến chóng mặt, nên toán học, vốn đã được coi là "thể dục của trí não", là "nữ hoàng của các khoa học", càng phải phát huy vai trò đó đến mức thành "thể dục của trí não và tâm hồn", là "nàng tiên của các khoa học" (vì nữ hoàng rồi cũng già, cũng chết còn nàng tiên thì trẻ đẹp mãi không già); toán học không chỉ rèn óc thông minh sáng tạo để phục vụ những lĩnh vực cần đến các khái niệm, công thức, định lý toán học mà còn để phục vụ cho cả các lĩnh vực "phi toán", nghĩa là những lĩnh vực không dùng đến bất cứ khái niệm, công thức, định lý toán học nào cả. Ví dụ, ở trường dạy cho học trò "chứng minh thuận, chứng minh đảo" nhưng khi ra đời, trừ những người làm nghề dạy toán hoặc nghiên cứu toán, ít ai đụng đến chứng minh thuận, chứng minh đảo nhưng ai cũng phải có phẩm chất "nghĩ đi rồi phải nghĩ lại, không suy nghĩ một chiều" dù làm bất cứ nghề gì. Toán học, với sự chặt chẽ, lôgic của nó sẽ làm cho con người nhận thức sâu sắc sự cần thiết phải "nghĩ lại" sau khi đã "nghĩ đi". Toán học Việt Nam đang ở đâu? Phải vui mừng mà nhận thấy rằng người Việt Nam có thể tự hào về năng lực toán học của mình, thể hiện ra ở chỗ các học sinh Việt Nam đi thi toán quốc tế thường chiếm được vị trí khá vẻ vang; còn các nhà toán học Việt Nam, làm việc trong những điều kiện thua xa các đồng nghiệp quốc tế, cũng có những công trình mà các bạn quốc tế phải kính nể. Nhưng điều đó chỉ mới nói lên tiềm năng, còn xã hội Việt Nam hiện nay thì lại chưa thấy rõ lắm tác động của toán học đối với sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Các nhà quản lý cũng hiểu rằng toán học là quan trọng một cách chung chung, còn cụ thể nó tác động đến kinh tế, xã hội như thế nào thì chưa rõ nên sự ủng hộ, tạo điều kiện cho toán học cũng chỉ có chừng mực thôi. Bây giờ cần phải làm gì? Sau đây sẽ nói đến toán ứng dụng và toán lý thuyết nhưng sự phân chia ranh giới cũng chỉ là tương đối vì đã có trường hợp toán lý thuyết có những ứng dụng bất ngờ như số học được ứng dụng vào lý thuyết mật mã. Đối với nước ta, phương hướng nói chung là nên coi trọng toán ứng dụng nhưng để cho toán ứng dụng phát triển, phải khắc phục hai nhược điểm: về phía các nhà toán học thì chưa gắn với đời sống, còn trong các cơ quan, doanh nghiệp thì thiếu những người có khả năng đặt hàng cho toán học. Tình trạng các nhà toán học phải tự mình đi xin việc, tìm việc vẫn còn. Quanh đi quẩn lại, những người trẻ tuổi, có học vị cao về toán vẫn chỉ có mấy nơi sử dụng là Viện Toán học, khoa toán ở các trường đại học. Trong thời đại mà toán học đã vươn tay ra phục vụ hầu hết các lĩnh vực khoa học, đáng lẽ phải có nhiều cơ quan, doanh nghiệp cần đến các nhà toán học nhưng ở các nơi đó lại thiếu khả năng đặt hàng cho toán học. Mặt khác, các nhà toán học giỏi ứng dụng trong các lĩnh vực khác nhau cũng chưa nhiều. Vả chăng sự gắn bó giữa các nhà toán học ứng dụng với các doanh nghiệp không thể có được bằng mệnh lệnh mà phải bằng cơ chế thị trường có điều tiết. Khi đó các nhà toán học trẻ sẽ có nhiều địa chỉ để sử dụng tài năng của mình. Hiện nay, người ta chỉ mới đổ xô vào tin học, như vậy cũng có mặt hay, mặt không hay và hướng phấn đấu phải là mở rộng thị trường lao động toán học ra rộng khắp; khi đó tiềm năng toán học của dân tộc mới phát huy tốt đến kinh tế, xã hội. Còn về toán học lý thuyết, chúng ta có nhiều tiềm năng nhưng hiện nay ở trong nước, xã hội hiểu biết về vai trò của nó còn hạn chế, đội ngũ cũng chưa hoàn chỉnh, nhiều khi vẫn còn phải nhờ nước ngoài đánh giá các công trình toán học lý thuyết mà trong nước rất ít người hiểu. Chúng ta chưa có những trường phái toán học mặc dù có tiềm năng, vì thế hệ trẻ giỏi toán đang khó khăn trong tìm việc làm nên rất ngại đi theo một hướng lý thuyết nào đó. Cho nên phải có "bà đỡ" là những chính sách sử dụng đặc biệt thì các trường phái toán học Việt Nam mới ra đời được. Cơ quan quản lý hiện nay chủ trương phát triển các khoa học cơ bản, trong đó có toán học có định hướng. Điều đó là đúng để khỏi phân tán tiền của, sức lực, nhưng tất cả vấn đề đều nằm trong hai chữ "định hướng". Lịch sử đã chứng tỏ rằng, nhiều phát minh chẳng ai định hướng cả, chỉ là từ những mâu thuẫn nội tại của khoa học mà ra, lại cực kỳ quan trọng. Ví dụ, có ai định hướng cho Lôbasepxki đâu mà chính sự bất lực trong việc chứng minh tiên đề ơclit đã dẫn ông đến hình học mang tên ông, lúc đầu chẳng ai hiểu và bị chỉ trích mạnh mẽ, mãi gần 100 năm sau ông mới được tôn vinh là mở ra một cuộc cách mạng trong toán học. Vì vậy, mặc dù tán thành "khoa học cơ bản có định hướng", tôi vẫn thấy nên chừa ra một lề dù hẹp (trên thực tế sẽ rất hẹp) cho những công trình chẳng ai định hướng mà nẩy sinh từ những mâu thuẫn trong lý luận. Ngoài ra, nên chú ý khai thác sâu hơn tác dụng giáo dục tư duy và nhân cách của toán học. Hiện nay, sự khai thác chỉ mới là những "mỏ lộ thiên". Tôi cho hướng này là quan trọng ở thời đại "óc sáng tạo" được đặt lên hàng đầu. Còn đối với giáo dục, điều gì làm GS băn khoăn nhất hiện nay? Điều tôi băn khoăn nhất hiện nay là cách dạy, cách học trong nhà trường của chúng ta chưa đổi mới được bao nhiêu, tạo nên sức ỳ tâm lý ở người học. Sức ỳ đó là do truyền thụ một chiều, tiếp thu thụ động: thầy giảng, trò nghe, thầy ra bài, trò làm bài, khuôn học trò vào các bài mẫu, học trò ít được tranh luận, ít tự mình phát hiện vấn đề để tự ra bài, học ít đi đôi với hành, nhà trường ít gắn với cuộc sống đang đổi mới nhanh chóng. Xu thế hiện nay là việc học trong bốn bức tường của lớp học sẽ giảm và việc tự học nhờ vào công nghệ thông tin, nhờ cọ xát với cuộc sống sẽ tăng lên. Vả chăng, cuộc sống mới đòi hỏi ở con người những phẩm chất khó mà hình thành ở trên lớp, ví dụ như khả năng giao tiếp. Để giải quyết, phải đi dần từng bước. Trước hết, phải làm rõ các chuẩn mực của một nhà trường kiểu mới bằng cách chọn một số trường ở những vùng miền khác nhau, do sự phấn đấu bản thân mà đã có những dấu hiệu đổi mới, rồi tập trung chỉ đạo xây dựng nên những chuẩn mực mới về chất lượng, ví dụ như chuẩn mực về các khả năng tự học, tự nghiên cứu mà căn cứ vào đó người ta có thể đánh giá được khá cụ thể khả năng này của từng người học. Tránh cách làm ồn ào, trăm hoa đua nở, kêu gọi chung chung mà chẳng rõ chuẩn mực như thế nào. Đó là nói về nội bộ ngành giáo dục, còn về phía xã hội thì phải có những chính sách khuyến khích sự đổi mới, ví dụ như chính sách khuyến khích việc tự học, lâu nay chưa có gì cụ thể, trái lại còn có những chính sách ngược chiều như chính sách phân biệt đối xử với các bằng phi chính quy. Riêng đối với đại học và dạy nghề trong các lĩnh vực trực tiếp đến sản xuất và dịch vụ thì phải tận dụng mặt tích cực của cơ chế thị trường có điều tiết (có pháp luật để ngăn chặn kẻ xấu lợi dụng cơ chế thị trường để làm bậy) để đào tạo theo yêu cầu của sử dụng. Không có cơ chế đó mà chỉ hô hào ra lệnh là không ăn thua, ngựa dễ quay về đường cũ. Ta đã từng chứng kiến những phong trào rầm rộ nhưng rồi sau đó đâu lại vào đấy; cơ chế thị trường sẽ không cho phép ngựa quay về đường cũ. Xin cảm ơn GS. Kính chúc GS sức khoẻ, hạnh phúc và có thêm nhiều cống hiến cho nền toán học và nền giáo dục nước nhà.
ThanhTam
ThanhTam
Trả lời 15 năm trước
[b]GS Trịnh Xuân Thuận :KHÁM PHÁ CÁI MỚI - NIỀM SAY MÊ BẤT TẬN[/b] [b]GS Trịnh Xuân Thuận sinh năm 1948, tại Hà Nội. Ông hiện đang giảng dạy tại Đại học Virginia và định cư tại Mỹ. Ông sống độc thân và dành tất cả tâm sức để nghiên cứu thiên văn, trở thành nhà vật lý thiên văn nổi tiếng. Những tác phẩm của ông tuy nghiên cứu về lĩnh vực thiên văn nhưng vẫn mang đậm chất văn chương và tính triết học, nhiều tác phẩm đã được dịch và xuất bản ở Việt Nam như: Giai điệu bí ẩn (1988) - tác phẩm bán chạy nhất ở Pháp và được dịch ra nhiều thứ tiếng; Số phận của vũ trụ, Big Bang và sau đó (1992); Hỗn độn và hài hòa (1998); Cái vô hạn trong lòng bàn tay (2000); Nguồn gốc và nỗi buồn (2003)... [/b] Tuy là một công dân Mỹ nhưng GS Trịnh Xuân Thuận lại có mặt chính thức trong phái đoàn của Tổng thống Pháp Mitterrand thăm Việt Nam năm 1993. Đây cũng là lần đầu tiên ông trở về thăm đất nước sau nhiều năm xa cách. Năm 2000, ông đã có một số buổi giảng tại Đại học Quốc gia Hà Nội về khoa học thiên văn. Trong lần trở lại Việt Nam vào tháng 7.2004, ông đã có buổi nói chuyện về khoa học vũ trụ ở Trường Đại học Dân lập Ngoại ngữ và Tin học, trước gần 500 thính giả và ông rất ngạc nhiên khi thấy những trí thức trẻ Việt Nam rất quan tâm đến thiên văn học. Ông cũng đã phối hợp với Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam trong việc tổ chức các chương trình hợp tác giáo dục, nghiên cứu khoa học giữa Mỹ và Việt Nam. Với mong muốn có được những ý kiến đóng góp của trí thức Việt kiều cho sự phát triển nền khoa học và công nghệ Việt Nam, Tạp chí Hoạt động Khoa học đã có cuộc phỏng vấn GS Trịnh Xuân Thuận về một số vấn đề liên quan đến chủ đề này. PV: Là một nhà nghiên cứu thiên văn, xin GS giới thiệu sơ bộ về những tiến bộ mới nhất mà thế giới đã đạt được trong lĩnh vực này? GS Trịnh Xuân Thuận: Có thể kể ra những phát hiện ngoạn mục nhất của thiên văn học trong một số năm trở lại đây, bao gồm: Sự gia tốc của vũ trụ Phát hiện lớn thứ nhất làm các nhà thiên văn kinh ngạc là vấn đề liên quan đến sự gia tốc của vũ trụ, được phát hiện năm 1998. Sau giai đoạn "lạm phát" rất ngắn của vũ trụ như người ta nghĩ, nó đã xác lập một tốc độ giãn nở bình ổn hơn, điều mà chúng ta hiện còn đang quan sát. Nhưng do lực hấp dẫn là lực hút/kéo, nên các nhà thiên văn cho rằng, nội hàm lực hấp dẫn của vũ trụ sẽ làm cho sự giãn nở ấy chậm lại theo thời gian, nghĩa là nó sẽ giảm dần tốc độ. Để chứng minh giả thiết đó, các nhà thiên văn cần đến một thước đo chuẩn để họ có thể suy ra các khoảng cách giữa các thiên hà xa xôi tính từ dải Ngân Hà do sự giãn nở của vũ trụ. Sử dụng thước đo này, họ có khả năng suy ra khoảng cách tới các thiên hà đó và đối sánh chúng với các khoảng cách thu được từ độ dịch về phía đỏ của ánh sáng đến từ cùng các thiên hà đó. Qua so sánh này có thể đo được tốc độ bành trướng của vũ trụ trong những thời kỳ khác nhau, trong những thời gian trước đây nhờ nghiên cứu các thiên hà gần bên cạnh và trong khoảng cách đã qua nhờ nghiên cứu các thiên hà ở xa. Các nhà thiên văn đã tìm được một thước đo như thế trong một kiểu riêng biệt của sao bùng phát đã biết như sao siêu mới kiểu IA (Type IA supernova). Sau khi quan sát hàng tá sao siêu mới kiểu IA, họ đã phát hiện ra điều ngạc nhiên lớn đối với mình, trái ngược với sự mong đợi là tốc độ bành trướng của vũ trụ bây giờ nhỏ hơn so với quá khứ, nghĩa là vũ trụ đang giảm tốc, song trên thực tế tốc độ bành trướng hiện nay lại lớn hơn trước đây, nghĩa là vũ trụ đang gia tốc! Thông qua việc quan sát một số lượng nhiều hơn các sao siêu mới (hiện có khoảng 150) cho thấy kết quả đó được khẳng định và củng cố thêm. Không thể tránh khỏi việc đi đến kết luận là vũ trụ loang ra bởi một "năng lượng tối" (dark energy), nó tác dụng một lực đẩy phản hấp dẫn lớn hơn lực hút của hấp dẫn, làm cho các thiên hà của vũ trụ bay xa nhau càng về sau càng nhanh. Lực phản hấp dẫn do Einstein đưa vào sử dụng năm 1917 để biểu diễn một vũ trụ tĩnh mà ông đã bác bỏ năm 1929 khi nhà thiên văn Hubble phát hiện ra sự giãn nở của vũ trụ, và Einstein gọi nó là "sự ngớ ngẩn lớn nhất trong đời ông", lại ngóc đầu dậy! Những đo đạc về sao siêu mới kéo theo kết quả là năng lượng tối chiếm khoảng 70% năng lượng trong vũ trụ cùng với 30% từ đóng góp của vật chất. Bản chất chính xác của năng lượng tối còn đang làm các nhà vật lý bối rối. Năng lượng này có thể cũng "trần tục" như năng lượng của "chân không lượng tử" mà vũ trụ hoặc một cái gì lạ tương tự nảy ra từ đó, đến mức vì thế nó xa vời đối với suy nghĩ của phần lớn các nhà khoa học có năng lực sáng tạo. Sự gia tốc của vũ trụ đã được vệ tinh WMAP (trạm thăm dò vi ba không đẳng hướng Wilkinson) của NASA khẳng định năm 2003. Đối tượng nghiên cứu của WMAP là giai đoạn hoàng hôn của vụ nổ lớn, bức xạ "hoá thạch" còn lại từ thời kỳ vũ trụ mới 300 nghìn năm tuổi. Một trong những điều kinh ngạc nhất của WMAP là sự phát lộ rằng 200 triệu năm ngay sau khi vụ nổ lớn bắt đầu, các ngôi sao đầu tiên đã ra đời, sớm hơn rất nhiều so với người ta tưởng. Tuổi của vũ trụ rút lại là 13,7 tỷ năm. Các quan sát của WMAP khẳng định rằng nhiều vật chất trong vũ trụ là tối. Vật chất phát sáng của các ngôi sao và các thiên hà chỉ đóng góp khoảng 0,5% toàn bộ vật chất có trong vũ trụ, số còn lại (29,5%) đang còn tối, không phát ra bất cứ loại bức xạ nào. Trong số 29,5% vật chất tối chỉ có 4% "làm bằng" vật chất thông thường giống như của chúng ta (cụ thể là các prôtôn và các nơtrôn, gọi chung là các baryôn), số 25,5% còn lại gồm vật chất bất thường (không baryônic) mà bản chất của nó còn đang hoàn toàn không biết. Các nơtrinô, nếu chúng cũng có khối lượng, ít nhất dường như là một bộ phận của vật chất bất thường này. Năm 1998 người ta đã đo được khối lượng của nơtrinô, bằng một phần triệu của electron, quá là nhỏ so với khối lượng của tất cả vật chất tối, không baryônic. Toàn bộ khối lượng do nơtrinô góp có thể sánh với khối lượng của các ngôi sao phát sáng và các thiên hà. Tổng số vật chất tối và năng lượng trong vũ trụ đóng một vai trò cơ bản trong việc xác định hình học của không gian. Nếu mật độ của vật chất và năng lượng nhỏ hơn mật độ tới hạn thì không gian là mở và có độ cong âm như của mặt yên ngựa. Nếu mật độ trùng khít với mật độ tới hạn, không gian phẳng (bẹt) như tờ giấy. Nếu mật độ lớn hơn mật độ tới hạn, không gian đóng kín có độ cong dương như mặt của hình cầu. Các quan sát của WMAP chỉ ra rằng không gian là phẳng. Tính phẳng của vũ trụ hỗ trợ rất mạnh cho ý tưởng rằng nó đã kinh qua một kỳ lạm phát kéo dài trong một thời gian rất ngắn, bằng một phần rất nhỏ của giây, sau khi sinh. Vũ trụ lớn lên kịch tính như vậy, trở thành phẳng, y như một vùng nhỏ trên mặt một quả bóng dát phẳng khi nó được thổi phồng lên. Nếu khối năng lượng tối vẫn là không đổi theo thời gian, vũ trụ sẽ giãn nở mãi mãi. Tuy nhiên, do bản chất của năng lượng tối còn là một trong những bí ẩn lớn nhất trong tất cả các khoa học, ta không thể đoán chắc. Nếu số lượng năng lượng tối thay đổi theo thời gian hoặc nếu những việc không biết và không kỳ vọng xảy ra trong vũ trụ, kết luận này có thể sẽ thay đổi. Các hành tinh ngoài hệ mặt trời Khoảng 150 hành tinh ngoài hệ mặt trời đã được phát hiện xung quanh các ngôi sao gần. Như đã được thừa nhận, các hành tinh này giống Sao Mộc (nghĩa là to lớn và ở thể khí) song nó đang là vấn đề của thời gian để hoàn thiện công nghệ cho phép ta phát hiện ra các hành tinh giống Trái đất (nghĩa là nhỏ và có bề mặt cứng). Các lỗ đen Các lỗ đen với những khối lượng gấp hàng triệu đến hàng tỷ lần khối lượng của Mặt trời đã được phát hiện ở trung tâm các thiên hà và tỏ ra là động lực mạnh vận hành phần lớn các hiện tượng kịch tính mà chúng ta quan sát được trong vũ trụ như các nguồn vô tuyến chuẩn sao (QUASAR). PV: Ông nghĩ thế nào về mối quan hệ giữa thiên văn học với các lĩnh vực khác như văn hoá, triết học? GS Trịnh Xuân Thuận: Nhiều người cho rằng: khoa học chỉ quan tâm đến toán học và các vấn đề kỹ thuật. Điều đó không thể xa hơn sự thật. Có một nội dung tình cảm đối với thiên văn học mạnh như nội dung trí tuệ. Vũ trụ thì đẹp, khi người nào đó đã xem một ảnh do kính viễn vọng không gian Hubble chụp, người đó có thể nghiệm được điều ấy. Các bức ảnh Hubble có thể là đối thủ mạnh của phần lớn các công trình sáng tạo nghệ thuật mà con người làm ra. Cái đẹp này của vũ trụ an ủi chúng ta và đôi khi cứu rỗi chúng ta. Vũ trụ học cũng có một nội dung triết học sâu sắc. Trước thế kỷ XVI, con người cho rằng, họ ở trung tâm của vũ trụ và rằng vũ trụ sinh ra để cung cấp chỗ ở cho họ. Năm 1543, Nicolaus Copernicus đã "đẩy" Trái đất ra khỏi vị trí trung tâm của nó và đặt Mặt trời vào chỗ đó. Kể từ đó, con ma Copernicus không ngừng đến thăm chúng ta: Mặt trời đã đánh mất vị trí trung tâm của mình và bây giờ nó chỉ là một ngôi sao nơi ngoại vi của dải Ngân Hà, một trong số một trăm tỷ ngôi sao tạo nên Thiên Hà của chúng ta. Bản thân dải Ngân Hà cũng chìm nghỉm trong 100 tỷ thiên hà quần tụ trong cái vũ trụ có thể quan sát được. Trái đất giống như một hạt cát nhỏ trên bờ vũ trụ mênh mông. Cho dù chúng ta không đáng kể so với kích thước của vũ trụ, chúng ta vẫn liên hệ gần gũi với nó: chúng ta là bộ phận của chòm sao dày đặc, là con của các vì sao. Với chức năng tinh tế của mình, vũ trụ xuất hiện để cứu rỗi sự sống và trí tuệ. Chúng ta có vai trò quan trọng bởi vì bằng sự hiểu biết về vũ trụ và suy ngẫm về cái đẹp và sự hài hoà của nó, ta làm cho chúng có ý nghĩa. PV: Theo ông, ngành khoa học và công nghệ Việt Nam nên phát triển theo những hướng nào? GS Trịnh Xuân Thuận: Sau 30 năm chiến tranh, Việt Nam vững bước trong cách đi của mình để tái thiết cơ cấu công nghiệp, khoa học và giáo dục của đất nước. Đối với một nước đang phát triển như Việt Nam, có thể dành một số ưu tiên nào đó cho các lĩnh vực khoa học đụng chạm trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Theo tôi, cần đặc biệt ưu tiên cho khoa học y - dược để diệt trừ bệnh tật (đặc biệt bệnh cúm gà), phát triển công nghệ sinh học, phát triển khoa học máy tính (Internet). Song cũng không thể quên khoa học cơ bản như vật lý, toán hay thiên văn học. Các lĩnh vực này hình thành nên nền tảng của khoa học ứng dụng. Tôi rất hy vọng rằng có một ngày nào đó, Bộ môn Thiên văn học sẽ được triển khai tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Khu vực thứ 3 mà Việt Nam có thể tập trung vào là công tác giáo dục lớp thanh niên của mình vì họ đại diện cho tương lai của Việt Nam. Chúng ta có thể cải thiện trình độ các trường đại học Việt Nam qua sự hợp tác và trao đổi giáo sư, sinh viên với các trường đại học ở nước ngoài. PV: Xin cảm ơn và kính chúc GS có nhiều sức khoẻ, thành công trong công việc.
Trả lời 15 năm trước
[b]NGÔ BẢO CHÂU VÀ GIẢI THƯỞNG TOÁN HỌC CLAY[/b] [b]Giải thưởng Nghiên cứu Clay năm 2005 được trao cho ba người, trong đó có một nhà toán học trẻ người Việt Nam: GS.TSKH Ngô Bảo Châu. Anh sinh năm 1972 tại Hà Nội, từng hai lần đoạt huy chương vàng Olympic toán quốc tế tổ chức tại Ôtxtrâylia và CHLB Đức, khi đang học lớp 11 và 12 tại khối phổ thông chuyên toán, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội). Hiện nay, tuy đang làm việc ở Pháp (Đại học Tổng hợp Paris 11), nhưng anh rất tích cực tham gia các hoạt động với giới toán học Việt Nam và thường xuyên trực tiếp hướng dẫn hoặc giới thiệu giáo sư hướng dẫn cho các nghiên cứu sinh Việt Nam. Mỗi khi về nước, anh thường bố trí các buổi dạy chuyên đề cho sinh viên các trường đại học và tham gia các buổi thảo luận khoa học tại Viện Toán học. Với thành công của Ngô Bảo Châu, chúng ta hy vọng rằng, anh sẽ góp phần đào tạo các nhà toán học trẻ Việt Nam và là một cầu nối tốt giữa giới toán học Việt Nam và thế giới.[/b] Giải thưởng nghiên cứu Clay do Viện Toán học Clay (Boston, Mỹ) sáng lập và đã được trao giải lần đầu tiên vào năm 1999. Tuy mới được thành lập năm 1998, nhưng Viện Toán học Clay đã gây được sự chú ý trong giới Toán học vì họ tuyên bố sẽ trao một triệu đô la cho ai giải được một trong số “Bảy bài toán thiên niên kỷ”. Đây được xem là những bài toán quan trọng nhất của Toán học, thách thức nhân loại trong thế kỉ XXI. Việc đưa ra danh sách các bài toán chọn lựa này là theo gương nhà toán học vĩ đại D. Hilbert - người đã đưa ra 23 vấn đề tại Đại hội Toán học Thế giới lần thứ 2 năm 1900 để thách thức nhân loại trong thế kỉ XX. Trên thực tế, phần lớn Toán học của thế kỉ XX hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp đều liên quan đến việc giải quyết các vấn đề mà Hilbert đã đưa ra. Dĩ nhiên không thể có “quy hoạch” hay “lộ trình” cho việc giải các bài toán thiên niên kỷ. Vì vậy, hàng năm Viện này cũng tổ chức trao Giải thưởng nghiên cứu Clay để ghi nhận những mốc phát triển quan trọng của Toán học hiện đại (tất nhiên theo ý kiến chủ quan của Hội đồng xét giải thưởng do họ lập ra). Người đầu tiên đoạt được giải này là A. Wiles vì những đóng góp của ông trong việc phát triển Lý thuyết số. A. Wiles chính là người đã chứng minh được Định lý cuối cùng của Fermat vào năm 1994 và công bố năm 1995. Năm 2000, Giải thưởng được trao cho Alain Connes và Laurent Lafforgue. A. Connes được ghi nhận là đã làm cuộc cách mạng trong Lý thuyết đại số toán tử, phát minh ra Hình học không giao hoán hiện đại trong đó chứa đựng những ý tưởng có nhiều ứng dụng, kể cả trong Vật lý. L. Lafforgue đã giải quyết được một phần quan trọng của Chương trình Langlands. Năm 2001, Giải thưởng được trao cho Edward Witten và Stanislav Smirnov. E. Witten đã thống nhất được nhiều lĩnh vực Toán học khác nhau và thiết lập được mối liên hệ tốt đẹp giữa chúng với Vật lý. S. Smirnov đã thiết lập được sự tồn tại của giới hạn tỉ lệ (scaling limit) của quá trình lọc hai chiều và kiểm nghiệm được giả thuyết John Cardy. Thành tựu này có nhiều ứng dụng trong thống kê, kể cả thống kê y học. Năm 2002, Manindra Argrawal cùng với hai sinh viên đã bất ngờ giải được bài toán rất cổ điển là có thể kiểm chứng tính nguyên tố của một số tự nhiên cho trước trong thời gian đa thức. Tuy lời giải khá đơn giản nhưng nó được đánh giá cao, vì vấn đề có liên quan mật thiết với Lý thuyết thông tin hiện đại. Vì vậy ông đã được trao Giải thưởng cùng với Oded Schramm - người có nhiều đóng góp trong Lý thuyết xác suất, đặc biệt là việc sáng lập ra quá trình tiến hoá Loewner ngẫu nhiên. Giải thưởng năm 2003 được trao cho Terence Tao và Richard Hamilton. T. Tao đã thiết lập được hàng loạt định lý quan trọng trong Giải tích Fourier, phương trình ánh xạ sóng, phương trình dạng KdV, cũng như giải quyết một vấn đề cơ bản về ma trận Hermite được đặt ra từ năm 1912. Còn Hamilton phát hiện ra phương trình dòng chảy Ricci. Nó được xem là một tiếp cận khả quan để giải quyết Giả thuyết Poincaré - một trong bảy bài toán thiên niên kỷ. Trong số những người đoạt giải trên, A. Connes, E. Witten, A. Wiles và L. Lafforgue đã được trao Giải thưởng Fields. Năm nay, Giải thưởng được trao cho ba người, đó là: Ben Green cùng hai thầy trò Gerard Laumon và Ngô Bảo Châu. B. Green nhận được Giải thưởng này nhờ công trình chung với Terry Tao về số nguyên tố. Họ đã chứng minh rằng với một số n cho trước, luôn tìm được vô số bộ gồm n số nguyên tố lập thành một cấp số cộng. Ngô Bảo Châu cùng G. Laumon được trao Giải thưởng nhờ công trình chung “Bổ đề cơ bản cho các nhóm unita” hoàn thành đầu năm 2004. Dưới đây xin giới thiệu sơ lược nội dung của công trình này. Cuối những năm 60 của thế kỷ XX, một nhà toán học Mỹ gốc Anh tên là Roberts Langlands đã đưa ra một loạt vấn đề cần nghiên cứu mà hiện nay chúng được mang tên ông: Chương trình Langlands. Ông năm nay 68 tuổi, hiện làm việc tại Viện Nghiên cứu cấp cao Princeton nổi tiếng của Mỹ. Chương trình Langlands bao gồm một loạt giả thuyết toán học liên kết nhiều đối tượng có vẻ rất khác nhau trong các lĩnh vực của Toán học như: Lý thuyết số, Hình học đại số và Lý thuyết các dạng tự đẳng cấu. Một trong những vấn đề then chốt là thiết lập một tương ứng, hiện nay gọi là “tương ứng Langlands”, giữa biểu diễn n-chiều của nhóm Galoa của bao đóng đại số của một trường trên chính nó với các biểu diễn tự đẳng cấu bất khả quy của một nhóm tuyến tính. Ngay trong trường hợp 2-chiều trên trường số, bằng việc thiết lập được tương ứng Langlands trong một số trường hợp đặc biệt, nhà toán học Anh tên là A. Wiles đã chứng minh được Định lý cuối cùng nổi tiếng của Fermat. Định lý đã tồn tại hơn 350 năm này khẳng định rằng, phương trình xn + yn = zn không có nghiệm nguyên dương khi n > 2. Khi chứng minh được định lý này, A. Wiles chưa đến 40 tuổi. Thế nhưng tại thời điểm xét Giải thưởng Fields năm 1998, ông đã quá 40 tuổi, nên thay vì Giải thưởng Fields, Liên đoàn Toán học Thế giới đã trao tặng ông một Đĩa bạc đặc biệt, mà mọi người xem như là một Giải thưởng Fields ngoại lệ! Đây là giải thưởng danh giá nhất của Toán học (dù số tiền thưởng chỉ là 10. 000 đô la Mỹ), được xem như Giải thưởng Nobel, vì Giải thưởng Nobel không được trao cho Toán học. Bên cạnh đó, điều kiện để đoạt được Giải thưởng này còn bị ràng buộc về tuổi: Nó chỉ được trao cho những người không quá 40 tuổi (để khắc phục hạn chế này, cách đây 2 năm, Viện Hàn lâm Khoa học và Văn học Nauy đã đặt ra một giải thưởng mới là Giải thưởng Abel có thể trao không giới hạn tuổi, và phần vật chất cũng tương đương với Giải thưởng Nobel: Khoảng một triệu đô la Mỹ). Việc thiết lập tương ứng Langlands cho trường hàm đã được nhà toán học người Nga tên là V. Drinfeld giải quyết cho trường hợp chiều bằng 2, và nhà toán học Pháp tên là L. Lafforgue giải quyết cho trường hợp tổng quát. Điều đó đã đem lại vinh quang cho cả hai: Drinfeld được trao Giải thưởng Fields năm 1990, còn Lafforgue được trao Giải thưởng Fields năm 2002. Xét trên quan điểm Hình học, có thể xem các biểu diễn n-chiều như các hệ địa phương hạng n trên một đường cong X. Khi đó có thể thay thế các biểu diễn tự đẳng cấu nêu ở trên bằng các đối tượng hình học khác gọi là bó riêng Hecke. Vào năm 1987, Langlands cùng một đồng nghiệp là Shelstad dự đoán có thể đặt tương ứng một hệ địa phương hạng n trên X với một bó riêng Hecke đặc biệt. Bây giờ người ta gọi nó là “Tương ứng Langlands hình học”. Chìa khóa để giải quyết vấn đề này là phải thiết lập một họ đẳng thức của các tích phân quỹ đạo mà Langlands và Shelstad phỏng đoán là đúng và diễn đạt dưới dạng một bổ đề. Vì vậy, dù được khiêm tốn gọi là “Bổ đề cơ bản” (của Langlands), nhưng nó là một bài toán lớn, một giả thuyết quan trọng mà gần hai mươi năm qua, nhiều nhà toán học hàng đầu đã lao vào chứng minh. Nhờ kết hợp kỹ thuật biến dạng của Laumon và kết quả về tính thuần túy của Ngô Bảo Châu mà họ đã giải quyết được bài toán cho một trường hợp khá rộng là các nhóm unita. Tuy còn rất trẻ nhưng Ngô Bảo Châu đã bảo vệ luận án Tiến sĩ khoa học năm 2003 và được nhận làm giáo sư tại Đại học Tổng hợp Paris 11 vào mùa hè này khi mới 32 tuổi. Thành công của anh hoàn toàn không tình cờ. Ông Laumon chính là giáo sư hướng dẫn nghiên cứu sinh của anh, cũng như của Lafforgue. Bản thân ông Laumon bắt đầu tấn công Chương trình Langlands rất sớm, vào đầu những năm 80 - tức là ngay khi ông bắt đầu con đường khoa học. Học trò của ông gồm những người trẻ tuổi và xuất sắc mà Lafforgue và Ngô Bảo Châu là tiêu biểu. Do vậy, nhóm nghiên cứu của ông liên tiếp gặt hái được những thành công đáng nể. Khi bắt đầu làm nghiên cứu sinh, Ngô Bảo Châu đã gián tiếp tiếp cận với Chương trình Langlands. Như vậy, dù còn rất trẻ, anh đã liên tục tấn công vào các bài toán hóc búa này gần 10 năm nay. Nền Toán học của nước ta còn khá trẻ. Nó được cố Giáo sư Lê Văn Thiêm và các cộng sự khởi công xây dựng từ thời Kháng chiến chống Pháp. Dù gặp muôn vàn khó khăn nhưng nền Toán học nước ta đã được thế giới biết đến qua các công trình của Giáo sư Hoàng Tụy. Sự xuất hiện và trưởng thành của một loạt nhà toán học trẻ vào những năm 80, 90 đã khẳng định thế phát triển bền vững của nó. Với việc Ngô Bảo Châu đạt được Giải thưởng này, có thể tin rằng Toán học Việt Nam đã đạt được một đỉnh cao mới. Mặc dù chưa có sự so sánh vị trí của Giải thưởng còn khá mới mẻ này với các giải thưởng Toán học khác, nhưng danh sách của tất cả 12 người đã đoạt Giải thưởng nêu ở trên đã nói lên tầm cỡ của nó. Việc Ngô Bảo Châu đoạt được Giải thưởng không chỉ chứng tỏ Toán học nước ta có tiềm năng lớn, mà trên thực tế các nhà toán học Việt Nam đã bắt đầu trực tiếp tham gia giải những bài toán hóc búa nhất. Dĩ nhiên đây mới chỉ là giai đoạn khởi đầu. Nếu có chính sách hợp lý, chúng ta hoàn toàn có thể đưa nền Toán học Việt Nam lên tầm cao mới, thực hiện được chủ trương phát triển “đi tắt, đón đầu” của Đảng và Nhà nước.