Cho tôi hỏi về thuốc phun chống muỗi trong mùa muỗi sắp đến .

Tôi muốn hỏi về mua thuốc diệt muỗi ,loai nào mà không độc hại với người,mà có tác dung trong máy tháng

Đỗ Thị Trinh
Đỗ Thị Trinh
Trả lời 13 năm trước

Các chuyên gia y tế cảnh báo lạm dụng thuốc diệt côn trùng có thể gây ngộ độc; nhất là sử dụng các sản phẩm trôi nổi kém chất lượng. Người tiêu dùng nên chọn mua các sản phẩm của các doanh nghiệp có uy tín và chỉ dùng theo chỉ dẫn khi thật cần thiết.

Theo một địa chỉ diệt mối, muỗi gửi qua dạng spam (thư rác), chúng tôi tìm đến Cty TNHH HĐ ở Trần Khắc Chân (Hà Nội). Đại diện Cty này cho biết, để diệt mối, Cty sẽ cho người đến tận nhà khảo sát và đặt thuốc. Tuỳ theo diện tích nhà, giá thấp nhất là 500.000đ cho một lần diệt.

“Chúng tôi ít bán thuốc mà thường làm dịch vụ diệt côn trùng tại nhà. Đây là hóa chất chúng tôi mua từ Singapore, Anh, Ý” – Ông L., đại diện Cty HĐ nói.

Giá thuốc mua lẻ là 25.000đ/lọ diệt mối và 45.000đ/lít hóa chất diệt muỗi. Hóa chất do C.ty pha chế, bao gồm hai loại không mùi và có mùi hương “hăng hắc của hoa cúc”.

Ông L. khẳng định thuốc không gây độc hại cho người và môi trường. Ngoài ra, “sau 3 – 6 tháng mới phải phun lại lần hai. Thuốc này bám trên đồ vật chứ không tan ngay ngoài không khí như các loại thông thường khác. Như vậy, mấy tháng sau, côn trùng như gián, muỗi bám vào các đồ vật này vẫn bị tiêu diệt” – Ông L. khẳng định.

Hiện nay trên thị trường có bán rất nhiều sản phẩm diệt côn trùng đặc biệt là thuốc diệt muỗi, với hai loại chính là hương vòng và bình xịt. Ngoài ra còn có các dạng khác như kem, bột, dạng viên phấn. Hai sản phẩm phổ biến nhất, hầu như có bán ở tất cả các hiệu tạp hoá là Mosfly và Raid, giá bình nhỏ 19.000đ, bình to 31.000đ.

Đây là hai sản phẩm đã được Bộ Y tế công nhận về độ an toàn. Bên cạnh đó là các bình xịt của Trung Quốc, giá chỉ bằng một nửa. Chẳng hạn bình xịt có tên Tongdaling giá chỉ 15.000đ với kích cỡ bình bằng loại 31.000đ của Mosfly.

Một người bán hàng cho biết, do giá rẻ nên loại của Trung Quốc bán rất chạy. “Người ta mua để xịt ngoài vườn còn trong nhà thì xịt loại đắt hơn cho đỡ độc. Loại của Trung Quốc tác dụng mạnh, diệt rất nhanh’’ - Chị nói. Trên các bình xịt của Trung Quốc hầu như không có dòng chỉ dẫn nào bằng tiếng Việt cho biết cần phải phun như thế nào, nồng độ ra sao.

Bình xịt Tongdaling có vẻ khá khẩm nhất trong số các loại diệt côn trùng của Trung Quốc vì ngoài vô số tiếng Trung trên thân hộp còn có câu tiếng Việt khá dài “chất lượng sản phẩm nhà máy được nhận bảo hiểm ở Cty bảo hiểm nhân dân Trung Quốc”.

Ngoài các sản phẩm được bày bán trên thị trường, nhiều doanh nghiệp cũng tung ra dịch vụ bán hàng trên mạng hoặc tư vấn qua điện thoại cách diệt mối, muỗi, mục đích là để bán hóa chất hoặc bao trọn gói diệt côn trùng cho các hộ gia đình, các Cty.

Diệt càng nhanh, càng độc

Theo một chuyên gia về hoá chất, Việt Nam chưa sản xuất được hóa chất diệt côn trùng mà chủ yếu nhập khẩu. Đánh vào tâm lý người tiêu dùng, các doanh nghiệp thường quảng cáo thuốc có tác dụng cực nhanh và thời gian tác dụng kéo dài.

Tuy nhiên, “côn trùng càng chết nhanh càng chứng tỏ nồng độ thuốc cao và hóa chất đó có tác dụng rất mạnh. Như vậy, không chỉ côn trùng chết mà con người cũng bị ảnh hưởng” – PGS. TS Trương Sĩ Niêm, Phó trưởng khoa Dịch tễ, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho biết.

“Bên cạnh đó, việc hóa chất vẫn còn tác dụng với côn trùng một thời gian dài sau khi phun chứng tỏ thuốc vẫn tồn lưu trong môi trường và con người hằng ngày vẫn phải hít những hóa chất này. Ngay đối với những hoá chất diệt côn trùng đã được Bộ Y tế đảm bảo về độ an toàn thì việc thường xuyên tiếp nhận chúng qua đường hô hấp hoàn toàn không có lợi cho sức khỏe. Các thuốc trừ muỗi đa phần đều pha thêm hương liệu để át mùi khó chịu cũng khiến mọi người chủ quan và quên đi những yêu cầu an toàn tối thiểu như dùng găng tay, khẩu trang”.

Đáng lo ngại là những hóa chất diệt côn trùng trôi nổi, không rõ nguồn gốc vẫn được tiêu thụ khá nhiều. Những loại này không ghi rõ thành phần hóa học cũng như các chỉ dẫn khác theo quy định về nhãn mác.

“Không loại trừ khả năng một số thuốc diệt gián, muỗi trôi nổi xuất xứ từ Trung Quốc vẫn còn sử dụng các hoá chất cấm như Lindan và DDVP. Hai loại này từng được sử dụng diệt gián, muỗi rất hiệu quả và cực nhanh. Tuy nhiên, sau đó người ta phát hiện ra rằng chúng đặc biệt nguy hiểm cho hệ hô hấp của con người, đặc biệt là trẻ em. Từng có cán bộ của NIHE trong quá trình phun DDVP tại trại chăn nuôi đã bị ngộ độc” - PGS Niêm nói.

Một nhà khoa học thuộc viện Hóa học Công nghiệp cho hay, dạng chất lỏng của thuốc diệt thường nguy hiểm hơn dạng rắn có cùng nồng độ. “Chắc chắn những dung môi ở dạng lỏng thâm nhập vào da dễ dàng hơn. Bản chất của các loại thuốc xịt muỗi, chống kiến theo quy định chỉ là xua muỗi, chống kiến không vào phạm vi cần thiết. Sản phẩm chứa hóa chất càng mạnh côn trùng mau chết và khả năng gây ngộ độc khi con người tiếp xúc càng cao” - Nhà khoa học này cảnh báo.

Thực tế cho thấy rất hiếm ca ngộ độc tức thì do dùng thuốc diệt muỗi. Tuy nhiên các chuyên gia y tế cảnh báo nếu dùng vô tội vạ có thể gây ngộ độc trường diễn, nhất là khi sử dụng các sản phẩm trôi nổi, kém chất lượng.

Các chuyên gia y tế cho biết, các sản phẩm xịt muỗi, nhang trừ muỗi do các đơn vị sản xuất có đăng ký với cơ quan chức năng thường sử dụng nguyên liệu thuộc họ pyrethrine (cúc tổng hợp) hay còn gọi là nhóm pyrethroide đã được Tổ chức Y tế Thế giới cho phép sử dụng.

Các hoạt chất này khi tiếp xúc với môi trường sẽ bị ôxy hóa chuyển thành các chất khác ít độc hại. Phụ gia làm nền được sản xuất từ bột cây, bột keo, bột gáo dừa có tác dụng cháy tốt mà an toàn. Người tiêu dùng nên chọn mua các sản phẩm diệt muỗi, gián của các doanh nghiệp có uy tín và chỉ dùng theo chỉ dẫn khi thật cần thiết.

Theo TS Hồ Đình Trung, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét và Ký sinh trùng Việt Nam, có hai loại hoá chất diệt muỗi được Bộ Y tế cho phép sử dụng trong chương trình phòng chống sốt rét quốc gia là Bambancyphaclothrin và Alphacypermethrin, không gây hại cho môi trường và con người.

pq
pq
Trả lời 13 năm trước

- Thực ra, đã là hóa chất thuộc nhóm thuốc trừ sâu (insecticide, pesticide), có tác dụng diệt được côn trùng thì chắc chắn chúng có độc. Tuy nhiên, từ các yếu tố mức độ độc hại, phương thức gây độc, nguồn gốc,...có thể khẳng định: Các loại thuốc phun diệt côn trùng thế hệ mới là an toàn cho người sử dụng.

* Về nguồn gốc:

- Hiện nay, các loại thuốc sử dụng phòng trừ côn trùng gây hại tại Việt Nam hầu hết được nhập khẩu. Chúng được sản xuất bởi các hãng hóa chất nổi tiếng của các nước có nền KHKT phát triển như Anh, Pháp, Bỉ, Mỹ, Đức, Italia, Nhật Bản,...Những loại hóa chất này hầu hết được chiết xuất từ thực vật. Chẳng hạn, hoạt chất permethrin (chiếm 50% trong thuốc Map Permethrin 50EC của Hockley International Ltd. - Anh quốc) thuộc nhóm pyrethroid tổng hợp được chiết xuất từ hoa cây Cúc trừ sâu (Chrysanthemum cinerariaefolium Vis.) hoặc hoạt chất rotenon trong một số hóa chất khác được chiết xuất từ hạt cây Củ đậu (Pachyrhizus erosus (L.) Urb.),...Chính vì vậy, ở một mức độ nào đó, những loại hóa chất này ít gây độc cho con người.

* Về cơ chế tác động.

- Trước hết, cần phải hiểu rằng, các loại thuốc này tác động đến côn trùng qua tiếp xúc và vị độc. Côn trùng chỉ có thể bị tiêu diệt khi chúng đậu (bò, trườn) trên bề mặt đã phun thuốc và đưa thuốc vào miệng (vòi), qua đó tác động tới đường tiêu hóa và hệ thần kinh. Như vậy, thuốc chỉ gây độc khi con người uống (nuốt) phải hoặc bôi trực tiếp trên bề mặt da. Không giống với hương (nhang) muỗi hay các bình xịt diệt tức thì, các loại thuốc này không diệt côn trùng bằng khí độc. Điều đó có nghĩa trong không gian khu vực được phun thuốc không có khí độc và không gây ảnh hưởng tới người sử dụng. Hơn nữa, các loại thuốc này chỉ có tác động đối với động vật máu lạnh (côn trùng) mà ít gây hại cho động vật máu nóng (con người, vật nuôi).

- Mặt khác, dư lượng thuốc tồn lưu trên bề mặt được phun là rất nhỏ. Dư lượng ấy chỉ đủ để diệt côn trùng khi côn trùng tiếp xúc trực tiếp với thuốc chứ không gây độc cho người sử dụng, ngay cả trẻ nhỏ.

* Về cơ sở pháp lý.

- Các loại thuốc diệt côn trùng hiện đang được sử dụng đều đã qua các cuộc thử nghiệm nghiêm ngặt bởi Tổ chức Y tế thế giới, các Viện nghiên cứu của các quốc gia trên thế giới và đều được các cơ quan chức năng của các quốc gia cho phép sử dụng.

- Tại Việt Nam, người ta phân chia thành 4 nhóm độc với các biểu tượng cụ thể trên bao bì. Theo đó, hầu hết các loại thuốc diệt côn trùng đều thuộc nhóm 3 (Độc trung bình - với chữ "Nguy hiểm" màu đen trên dải xanh nước biển và biểu tượng vạch đen không liên tục trên nền trắng - độc tính LD50 đường miệng là >500 - 2.000 mg/kg ở thể rắn và >2.000 - 3.000mg/kg ở thể lỏng) hoặc nhóm 4 (Độc nhẹ - với chữ "Cẩn thận" màu đen trên dải xanh lá cây và không có biểu tượng - độc tính LD50 đường miệng là >2.000 mg/kg ở thể rắn và >3.000 mg/kg ở thể lỏng). Như vậy, đây đều là những hóa chất thuộc nhóm an toàn.

- Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại thuốc khác nhau. Có loại gần như không có mùi trong khi phun như Icon 2,5CS (Syngenta - Vương quốc Bỉ), Fendona 10SC (Basf - CHLB Đức), Alé 10SC (Alderelm - Vương quốc Anh),.... Có loại có mùi hắc hơi khó chịu như Map Permethrin 50EC (Hockley International - Anh quốc) hoặc Perme UK 50EC (Hand Associates - Anh quốc). Có loại cũng có mùi hắc nhưng nhẹ hơn như Map Ora 70EC (Hockley International - Anh quốc).

- Các loại thuốc đều có tác dụng diệt côn trùng trong 1 thời gian tương tự như trên đã nói. Tuy nhiên, thông thường việc sử dụng kết hợp 2 loại cùng với các biện pháp kỹ thuật thích hợp sẽ mang lại hiệu quả cao hơn. Chẳng hạn, hiện tại AN SINH PEST CONTROL đang sử dụng kết hợp Icon 2,5CS (nồng độ 2%) hoặc Alé 10SC (nồng độ 1%) cùng với 1% thuốc Map Permethrin 50EC hoặc Perme UK 50EC để phun tồn lưu. Sau đó sử dụng 1,5% Map Permethrin 50EC hoặc Perme UK 50EC để phun không gian bằng máy phun ULV.