Gian hàng bánRao vặtTư vấn tiêu dùngHỗ trợ
  Thông báo  Đăng ký  Đăng nhập

Bạn đã bảo quản kính hiển vi đúng cách hay chưa?

AvatarMai Thanh Bình -
Lượt xem: 767
Kính hiển vi là một dụng cụ có ý nghĩa vô cùng to lớn trong nhiều lĩnh vực của đời sống, được ứng dụng trong y tế, nghiên cứu và cả môi trường giáo dục. Một chiếc kính hiển vi có giá trị kinh tế không hề thấp. Vì vậy, việc bảo quản kính hiển vi đúng cách là rất quan trọng. Hãy cùng vatgia.com tìm hiểu.

1           Kính hiển vi và cấu tạo

Kính hiển vi, đúng với tên gọi của nó, là một thiết bị dùng để quan sát các vật thể có kích thước nhỏ bé mà mắt thường không thể quan sát được bằng cách tạo ra các hình ảnh phóng đại của vật thể đó. Kính hiển vi có thể gấp độ phóng đại bình thường lên từ 40 - 3000 lần. Kỹ thuật quan sát và ghi nhận hình ảnh bằng các kính hiển vi được gọi là kỹ thuật hiển vi (microscopy).

Kính hiển vi được sử dụng rộng rãi trong nhiều ngành như vật lý, hóa học, sinh học, khoa học vật liệu, y học và được phát triển không chỉ là công cụ quan sát mà còn là một công cụ phân tích hiệu quả.

Kính hiển vi được ứng dụng rộng rãi

Kính hiển vi được ứng dụng rộng rãi

Cấu tạo kính hiển vi

Ngày nay, trên thị trường xuất hiện khá nhiều loại kính hiển vi như: kính hiển vi quang học, kính hiển vi điện tử, kính hiển vi sinh học, kính hiển vi soi nổi, … mỗi loại kính đều có cấu tạo riêng. Nhưng nhìn chung, một chiếc kính hiển vi cơ bản bao gồm những bộ phận sau:

  • Thị kính là một thấu kính nằm ở phía trên để mắt nhìn ảnh qua vật kính. Có 3 loại thị kính x5, x10, x15; loại x10 thường được dùng nhiều nhất.
  • Ống kính là một ống mà ánh sáng phải đi qua từ vật kính đến thị kính và có chức năng giữ thị kính và vật kính nằm cách nhau một khoảng nhất định.
  • Đĩa mang vật kính là một bộ phận có 4 lỗ để gắn vật kính, khi xoay sẽ đưa vật kính cần sử dụng vào ống kính.
  • Vật kính: ánh sáng đi qua vật quan sát rồi đến thấu kính này. Có 4 loại vật kính, nhưng thường dùng 3 loại:
    • Vật kính x10: có thị trường lớn nhất, sau khi điều chỉnh để thấy rõ mẫu vật, vật kính này thường cách kính mang vật khoảng 16mm.
    • Vật kính x 40: có độ phóng đại trung bình, sau khi điều chỉnh để thấy rõ mẫu vật, vật kính này thường cách kính mang vật khoảng 4mm.
    • Vật kính x100: có độ phóng đại lớn nhất, sau khi điều chỉnh để thấy rõ mẫu vật, vật kính này thường cách kính mang vật khoảng 1mm. Sử dụng vật kính với dầu soi kính và dùng ốc vi cấp để điều chỉnh.
  • Kính tụ quang: tập trung ánh sáng.
  • Màng chắn ánh sáng: để cho ánh sáng qua nhiều hay ít để vào vật kính.
  • Gương tròn dùng để lấy ánh sáng, thường có 2 mặt:
    • Mặt lõm: khi sử dụng vật kính x10, x40.
    • Mặt phẳng: khi sử dụng vật kính x100.
  • Những loại kính dùng ánh sáng của bóng đèn gắn trong thân máy không có gương.
  • Tiểu xa: dùng để giữ tiêu bản được gắn với một trục có một ốc dùng để di chuyển sang trái, sang phải và một ốc dùng để di chuyển phía trước, về sau.
  • Thân kính mang ống kính, bàn mang mẫu vật, kính tụ quang, ốc vi cấp, ốc thứ cấp và gương.
  • Chân: có chức năng giữ cho kính được vững và ổn định.

Cấu tạo kính hiển vi quang học

Cấu tạo kính hiển vi quang học

2           Những lưu ý khi bảo quản kính hiển vi

Kính hiển vi là một công cụ tương đối phức tạp và nhiều bộ phận. Bảo quản và vệ sinh kính hiển vi không phải là việc quá khó khăn nhưng đòi hỏi sự cẩn trọng. Bởi giá kính hiển vi không hề rẻ, đặc biệt là những loại kính chuyên dụng. Chỉ cần một vài sai sót trong quá trình bảo quản và vệ sinh cũng có thể khiến cho chiếc kính bị hư hỏng và giảm giá trị sử dụng.

2.1         Nên đặt kính hiển vi ở vị trí cố định và hạn chế di chuyển

Như đã thấy, kính hiển vi có nhiều bộ phận quang học bằng kính, đặc biệt với những loại kính hiển vi điện tử có nhiều mắt kính. Những bộ phận này có thể được gắn liền hoặc rời nhau, nhưng nhìn chung đều là những loại kính dễ vỡ nếu bị va đập mạnh. Chính vì vậy, bạn nên đặt kính hiển vi ở vị trí cố định, thăng bằng, vị trí ít bị va quệt. Đồng thời, nên hạn chế di chuyển kính khi không cần thiết bởi nó có thể dẫn đến xước mặt kính, xước đèn, gây ảnh hưởng đến chất lượng hình ảnh quan sát.

Nếu nhất định phải di chuyển, bạn hãy cầm kính hiển vi bằng thân kính, tay kia đỡ chân của kính. Phải để đứng kính hiển vi, không được để kính nghiêng.

2.2         Đặt kính hiển vi ở nơi khô thoáng

Đây là điều kiện bảo quản tối quan trọng cho chiếc kính hiển vi của bạn. Dù bạn có lau chùi sạch sẽ hay di chuyển nhẹ nhàng nhưng nếu bạn không lưu ý đến những ảnh hưởng của thời tiết, chiếc kính của bạn có thể bị ẩm mốc.

Khi thấu kính bị mốc, không những chất lượng hình ảnh được phản ánh lên bị ảnh hưởng mà còn có thể làm biến đổi tính chất của vật mẫu mà bạn đang theo dõi. Chính vì vậy, bảo vệ kính hiển vi khỏi ẩm mốc là điều trọng. Bạn đọc nên đặt kính ở nơi khô thoáng, vào cuối ngày làm việc đặt kính hiển vi vào hộp có gói hút ẩm silicagel để trách bị mốc. Nếu có điều kiện, đặt kính hiển vi trong phòng có máy điều hoà nhiệt độ hoặc trong phòng có máy hút ẩm để bảo vệ hệ thống thấu kính và lăng kính khỏi bị nấm mốc.

2.3         Bảo vệ kính hiển vi khỏi bụi bẩn

Bề mặt của thị kính hay vật kính đều dễ bị xước do bụi bẩn. Do đó, bạn nên tránh để kính hiển vi ở nơi bụi bẩn. Nếu như dùng kính thường xuyên, bạn có thể dùng những biện pháp bảo quản kính hiển vi đơn giản bằng cách phủ một tấm vải khô, sạch, bao trùm lên toàn bộ kính. Không được sử dụng túi nilon vì sẽ hấp hơi tạo môi trường ẩm.

Thị kính của kính hiển vi là bộ phận dễ dính bụi bẩn

Thị kính là bộ phận dễ dính bụi bẩn

Đồng thời cũng lưu ý không được xếp dầu soi, dung môi, hóa chất...cùng với kính vì chúng có thể bay hơi bám vào đầu vật kính gây hỏng đầu vật kính.

2.4         Những lưu ý khi lau chùi vật kính hiển vi

Khi sử dụng dung môi, nhỏ một hoặc hai giọt lên giấy và áp lên mặt kính vài giây để làm tan các hạt bụi bẩn. Sau đó lau nhẹ. Nên thử đầu tiên với nước cất làm dung môi. Nếu không hiệu quả, thử với cồn. Nếu ống kính bị dính những hạt hoặc lớp nhựa, phải thử dùng đến các loại dung môi mạnh hơn như acetone hoặc xylene.

Không dùng acetone với những bộ phận bằng nhựa vì nó sẽ phân hủy lớp sơn và nhựa. Khi nhỏ dung dịch, cho một lượng nhỏ vào khăn giấy và bôi vào bề mặt phía dưới kính hiển vi hướng lên trên ống. Điều này sẽ giúp dung dịch chảy xuống kính. Không tháo kính ra khỏi thiết bị trừ khi thật sự cần thiết và không nhúng vào nước dù vật kính có bị thừa dung môi. Nó có thể làm phân hủy các lớp chất dính dùng để cố định tấm kính.

Đôi khi vật kính của kính hiển vi sẽ bị dính nhiều glycerine, máu hoặc các vật liệu dính albumin. Có thể loại bỏ nó bằng giấy chùi kính thấm dung dịch ammonia loãng (một giọt ammonia gia dụng và một nửa cốc nước thường).

Vệ sinh vật kính của kính hiển vi với dầu ngâm

Vệ sinh vật kính của kính hiển vi với dầu ngâm

Nếu sử dụng vật kính 100x với dầu ngâm, chỉ cần lau sạch lượng dầu dư thừa bằng khăn giấy sau khi sử dụng. Nhiều lúc bụi có thể bám vào bề mặt dầu mỏng vì vậy nếu muốn lau chùi triệt để lớp dầu cần phải sử dụng một dung dịch hòa tan lớp dầu. Với dầu ngâm Cargille loại A hoặc B, bạn có thể dùng Naptha, Xylene hoặc turpentine (sử dụng một lượng rất nhỏ lên khăn giấy). Không sử dụng với nước, alcohol hoặc acetone vì dầu không hòa tan với các dung môi này.

2.5         Bảo dưỡng kính hiển vi

Đây là một việc làm cần thiết để kip thời phát hiện ra lỗi và nhanh chóng sửa chữa, đem lại hiệu quả sử dụng và độ bền kính cao nhất.

Trên đây là toàn bộ những kiến thức cần thiết để bảo quản chiếc kính hiển vi của bạn. Vatgia.com hy vọng bạn đọc đã bỏ túi được những lưu ý để giữ gìn kính hiển vi bền lâu.

Theo: Mai Thanh Bình